Brazil hủy bỏ kế hoạch đồng tiền chung BRICS, ủng hộ thúc đẩy thanh toán nội địa
Brazil chính thức gạt bỏ kế hoạch phát triển đồng tiền chung BRICS, thay vào đó tập trung thúc đẩy thanh toán bằng nội tệ giữa các quốc gia thành viên. Động thái này diễn ra trong bối cảnh áp lực từ phương Tây, đặc biệt là cảnh báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quốc kỳ các nước thành viên BRICS. Ảnh: IRNA/TTXVN
Brazil mới đây đã quyết định từ bỏ kế hoạch phát triển đồng tiền chung BRICS trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên khối này năm nay, thay vào đó tập trung vào việc thúc đẩy giao dịch bằng đồng tiền quốc gia giữa các nước thành viên, sau những cảnh báo từ Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Tổng thống Trump từng đe dọa sẽ áp thuế 100% đối với các nước BRICS nếu họ tiếp tục theo đuổi kế hoạch "phi USD hóa", đồng thời khẳng định "không có cơ hội nào để BRICS thay thế đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế".
Theo tiết lộ của bốn quan chức chính phủ Brazil với hãng tin Reuters, kế hoạch về một loại tiền tệ chung của khối BRICS vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào ngoài các cuộc thảo luận mang tính chính trị. Thay vào đó, khối thương mại này sẽ ưu tiên tập trung vào các cải cách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thanh toán quốc tế bằng đồng tiền của các quốc gia thành viên.
Tổng thống Brazil Lula da Silva, người từng mạnh mẽ ủng hộ việc tìm kiếm các giải pháp thay thế cho đồng USD, đã điều chỉnh quan điểm của mình về vấn đề tiền tệ chung. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định các quốc gia BRICS "có quyền thảo luận về việc thiết lập các hình thức thương mại không khiến chúng ta hoàn toàn phụ thuộc" vào đồng USD.
Cựu Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, hiện là Giám đốc Ngân hàng Phát triển Mới có trụ sở tại Thượng Hải của BRICS, cũng cho biết tổ chức này có kế hoạch "sử dụng tiền tệ quốc gia để đầu tư vào khu vực tư nhân của các nền kinh tế thành viên".
Khối BRICS từng do Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nga và Nam Phi dẫn đầu, gần đây đã kết nạp các thành viên mới như Ai Cập, Ethiopia, Iran, Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Indonesia. Theo thống kê, BRICS đang chiếm khoảng 37% GDP toàn cầu và ngày càng khẳng định vai trò đối trọng về thương mại và ngoại giao với khối G7 do phương Tây lãnh đạo kể từ khi thành lập năm 2009.
Theo ba nguồn tin thân cận, chương trình nghị sự của BRICS hiện bao gồm việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ blockchain và kết nối các hệ thống thanh toán nhằm giảm chi phí giao dịch và hạn chế tác động từ các lệnh trừng phạt đơn phương, tuân theo các tiêu chuẩn của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế.
"Không ai muốn gây rắc rối, nhưng các nước BRICS cũng không muốn từ bỏ ý tưởng khám phá khả năng này", một nguồn tin cho biết, đồng thời khẳng định các quốc gia thành viên không có kế hoạch loại bỏ dự trữ USD của mình.
Trong khu vực, Brazil đã thiết lập Hệ thống thanh toán bằng tiền tệ quốc gia (SML) với Argentina, Uruguay và Paraguay, mặc dù việc sử dụng vẫn còn hạn chế. Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính Brazil hiện đang thảo luận về các đề xuất thanh toán xuyên biên giới cho hội nghị thượng đỉnh BRICS dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm nay tại Rio de Janeiro.
Các đại diện BRICS sẽ gặp nhau tại Nam Phi trong cuộc họp G20 sắp tới để trình bày kế hoạch chi tiết cho hội nghị thượng đỉnh do Brazil chủ trì. Đây được xem là cơ hội quan trọng để các nước thành viên thảo luận sâu hơn về chiến lược phát triển trong tương lai, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính-tiền tệ.