Xung đột giữa người và động vật hoang dã (5): Nỗi khổ khi gia súc bị sư tử vồ

Để hòa giải xung đột giữa con người và động vật hoang dã, nhà quản lý công viên quốc gia Queen Elizabeth mới đây đã đồng ý bồi thường cho nạn nhân trong các vụ tấn công của voi cũng như sư tử.

Sư tử rủ nhau leo cây ở Uganda

Sư tử rủ nhau leo cây ở Uganda

Năm 2019, Uganda đã thông qua "Đạo luật Động vật hoang dã" mới, gồm một quy trình thanh toán cho những người mất tài sản hoặc bị động vật hoang dã làm bị thương. Các quy tắc đã được chính thức hóa vào năm 2022.

Chưa được vạ thì má đã sưng

Tuy nhiên, trên thực tế, hầu hết mọi người gần như không thể thực hiện được quy trình này. Để lấy được tiền, nạn nhân phải có báo cáo của cảnh sát và xác nhận hiện trường của Cơ quan Động vật hoang dã Uganda, sau đó là một cuộc tranh luận về khoản thanh toán giữa các cơ quan chính phủ. Theo báo cáo của Quỹ bảo vệ động vật thế giới WWF, hầu hết mọi người đều rút ra bài học rằng đây là sự lãng phí thời gian và tâm sức. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến năm 2022, có 103 vụ tấn công vào gia súc ở công viên Queen Elizabeth. Thế nhưng, chỉ có hai vụ nộp đơn yêu cầu đòi bồi thường.

Là một thị trấn biệt lập trong công viên Queen Elizabeth, Hamakungu thậm chí không được bảo vệ về mặt kỹ thuật theo luật bồi thường. Người dân ở đây coi đó là một biểu hiện khác mà các cơ quan quản lý động vật hoang dã đối xử tệ bạc với họ.

Wilson Asiimwe, một chính trị gia ở Hamakungu cho biết: “Những con sư tử có thể ăn thịt gia súc của bạn, bạn có thể bị mất mạng bởi trâu hoặc hà mã và không được bồi thường. Chỉ có gia đình bạn phải chịu đau khổ”.

Hiện tại, việc duy trì hòa bình giữa sư tử và người chăn nuôi ở Hamakungu thuộc về Chương trình bảo vệ động vật ăn thịt Uganda, nơi điều hành chương trình bồi thường từ ngân sách của riêng họ. Nhưng tổ chức phi chính phủ này rất eo hẹp, không có đủ tiền để trả toàn bộ giá trị của gia súc bị thú dữ giết. Vì vậy, những người chăn nuôi không phải lúc nào cũng hài lòng.

Emmanuel Akampurira, nhà sinh vật học bảo tồn tại Viện Nghiên cứu và Đào tạo Động vật hoang dã Uganda cho biết: “Người dân cố gắng thực hiện bằng được điều mà họ cho là công bằng. Suy nghĩ ấy là điều khiến những người chăn nuôi tức giận khi mất gia súc. Họ nói rằng nếu con sư tử này không giết chết bò của họ, thì có lẽ nó sẽ mang thai và sinh sản”.

Gạt sự phàn nàn sang một bên, những khoản bồi thường này có thể là cách duy nhất giúp đàn sư tử hiếm biết leo cây ở công viên Queen Elizabeth không bị tuyệt chủng.

Kenneth Mugyenyi, quản trị viên của Chương trình bảo vệ động vật ăn thịt Uganda cho biết: “Nó giúp giải quyết một phần vấn đề. Thành thật mà nói, nếu không có chương trình mà chúng tôi khởi xướng, có lẽ sẽ không còn bất kỳ con sư tử nào trong công viên”.

Người chăn gia súc không muốn hàng rào điện

Ngoại trừ phương án di dân hàng loạt khó khả thi mà UWA đã đưa ra, một giải pháp khả thi hơn là đưa hàng rào điện rất phổ biến ở rìa công viên vào Hamakungu, bao quanh thị trấn ốc đảo để ngăn sư tử không thể tiếp cận đàn gia súc trong thị trấn. Thế nhưng, những người chăn thả gia súc ở đây không muốn như vậy. Họ e ngại ranh giới cứng giữa đàn gia súc của họ và đồng cỏ của công viên Queen Elizabeth khiến họ sau này không thể tự do thả gia súc.

Mugyenyi cho biết “Bạn cần cân bằng giữa việc bảo tồn động vật với phúc lợi của cộng đồng. Cá nhân tôi tin vào cách tiếp cận từ dưới lên. Bạn cần những người bản địa này trong công tác bảo tồn vì họ là những người sống cùng với những con sư tử này. Họ phải đối mặt với những thách thức, vì vậy tốt hơn là bạn nên thuyết phục họ”.

Những vụ đầu độc động vật hoang dã đã gây ra sự phẫn nộ cả trong và ngoài Uganda. Để hiểu được lý do tại sao chúng xảy ra, cần phải có một số hiểu biết về lịch sử của công viên quốc gia Queen Elizabeth.

11 thị trấn như biệt khu bên trong công viên Queen Elizabeth chủ yếu là nơi sinh sống của người Basongora, những người phần lớn là hậu duệ của cư dân bản địa của vùng đất này. Những người Basangora vốn rất giỏi chăn nuôi gia súc đã bị cưỡng chế tái định cư khi chính quyền thực dân Anh thành lập công viên Queen Elizabeth. Họ bị buộc phải chuyển sang nghề… đánh cá và bị cấm chăn thả gia súc bên ngoài những khu vực nhỏ. Nhiều người coi đây là sự bất công dai dẳng vẫn chưa được giải quyết. Xung đột giữa người Basangora với nhà chức trách tại công viên ngày càng tích tụ và UWA coi các thị trấn nằm trong vùng đất này là cái gai trong mắt. Mugyenyi cho biết: “Những người chăn nuôi tin rằng đây là đất của họ và họ có quyền chăn thả gia súc ở đây”.

Hamakungu, một làng chài ở cửa hồ George, là một trong những cộng đồng nằm trong vùng đất thuộc công viên Queen Elizabeth. Trong nhiều thập niên, dân số của nơi này đã tăng lên. UWA miễn cưỡng chấp nhận gia súc ở đây, nhưng chủ đàn gia súc không được phép đưa chúng vào công viên Queen Elizabeth. Trong quá trình tìm kiếm thức ăn và nước uống, gia súc vẫn thường di chuyển vào công viên vì nguồn thức ăn dồi dào hơn.

Bất chấp những căng thẳng này, người dân ở Hamakungu và các thị trấn biệt lập khác thường nói rằng họ rất tôn trọng động vật hoang dã của công viên Queen Elizabeth. Các vụ đầu độc không xuất phát từ bất kỳ sự thù địch cố hữu nào đối với sư tử. Thay vào đó, vài vụ nhỏ lẻ xảy ra do các khiếu nại xung quanh chính sách bảo tồn diễn ra xung quanh công viên không được giải quyết.

Mugyenyi cho biết: "Hầu hết những người sống trong các khu biệt lập này đều thân thiện với động vật hoang dã, đặc biệt là sư tử. Họ đã sống với chúng trong nhiều năm".

(còn tiếp)

Anh Tú

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/xung-dot-giua-nguoi-va-dong-vat-hoang-da-5-noi-kho-khi-gia-suc-bi-su-tu-vo-228623.html
Zalo