Xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác
Vào ngày này, cách đây 48 năm (ngày 2-7-1976), kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa VI đã thông qua Nghị quyết đặt tên thành phố Hồ Chí Minh cho thành phố Sài Gòn. Nghị quyết đã đáp ứng tâm nguyện người Sài Gòn - Gia Định và luôn thôi thúc sự phấn đấu vươn lên xứng đáng với vinh dự được mang tên Bác Hồ kính yêu.
Quyết nghị đặt tên thành phố Hồ Chí Minh có hai dòng căn cứ, đó là: Nhân dân Sài Gòn - Gia Định luôn luôn tỏ lòng kính yêu vô hạn với Chủ tịch Hồ Chí Minh và tha thiết với việc thành phố mang tên Người. Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài gian khổ, thành phố Sài Gòn - Gia Định không ngừng phát huy truyền thống kiên cường bất khuất của dân tộc, lập nhiều chiến công xuất sắc, xứng đáng được vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Vậy là, từ đề xuất của nhân dân Nam bộ, với bản kiến nghị do 57 người ký tên (được Báo Cứu quốc đăng trong số báo 329, ra ngày 27-8-1946), 30 năm sau, Sài Gòn - Gia Định mới chính thức được mang tên Người. Đó là cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, “đi trước về sau” trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập tự do, thống nhất đất nước.
Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ở giai đoạn nào, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM cũng luôn thể hiện sự kiên cường, năng động, sáng tạo và những phẩm chất tốt đẹp của Sài Gòn - TPHCM. Đó là sự khẳng định bản lĩnh vượt khó ở giai đoạn đầu, ngay sau ngày giải phóng, khi đất nước bị bao vây, cấm vận; khi thành phố phải đương đầu với tình cảnh thiếu gạo ăn cho hơn 3 triệu con người, thiếu điện nước, xăng dầu, nguyên vật liệu cho sản xuất; khi phải ứng phó với chiến tranh biên giới ở hai đầu đất nước; và khi cơ chế quan liêu, bao cấp không còn phù hợp. Những đột phá, những đề xuất, những kiến giải từ thực tiễn sống động của thành phố chính là những tiền đề trong đường lối đổi mới của Đảng ta. Đó là những minh chứng về phẩm chất năng động, sáng tạo, vượt lên phía trước khi có đường lối đổi mới, đóng góp quan trọng cho sự phát triển đất nước trong những thập niên vừa qua.
Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mong muốn: “Thành phố với nhiều tiềm năng, lợi thế vượt trội nhất cả nước và sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế cao đã được thực tế kiểm nghiệm, cần phải quyết tâm đẩy mạnh đổi mới hơn nữa, nỗ lực phấn đấu hơn nữa, phát huy tốt hơn nữa vai trò đầu tàu, động lực phát triển mạnh mẽ nhất của mình đối với vùng Đông Nam bộ và cả nước; xứng đáng với vinh dự lớn được mang tên Bác Hồ kính yêu, với cái tên Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn, TPHCM đã đi vào lịch sử nước nhà như là một biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, biểu tượng của sự năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới, được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế nể trọng”.
Trong cuộc chiến sinh tử với đại dịch Covid-19, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM đã đồng tâm, hiệp lực cứu lấy sinh mệnh đồng bào, cùng cả nước nhanh chóng vượt qua thử thách nghiệt ngã, tiếp tục đưa thành phố và đất nước đi lên. Giờ đây, TPHCM đang nỗ lực khắc phục những hạn chế, tiếp tục tháo gỡ những điểm nghẽn, thực hiện chuyển đổi số và Nghị quyết 98/2023/ QH15 của Quốc hội, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2024, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng bộ TPHCM, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và có nhiều công trình ý nghĩa thiết thực chào mừng 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
TPHCM cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh với tinh thần: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, xây dựng TPHCM trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”. Hơn 3.000 thiết chế Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã được xây dựng rộng khắp ở các cơ quan, đơn vị, trường học, phường, xã, khu phố, ấp, các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng… và ngay trong từng nhà dân đã cho thấy văn hóa Hồ Chí Minh đang lan tỏa, đang được vun đắp bởi những giá trị cao đẹp. Và chúng ta có quyền kỳ vọng rằng, TPHCM sẽ luôn xứng đáng với truyền thống vinh quang, với tương lai ngời sáng và tên gọi đầy tự hào. Thành phố nơi tiễn Người ra đi năm 1911 vinh dự được mang tên Người mãi mãi.
Vinh dự lớn, gắn với trọng trách lớn, gắn với sự tôn kính và tấm lòng của mỗi người dân thành phố đối với Bác kính yêu. Đó là niềm tin, là sức mạnh đi lên trong hành trình vì cả nước, cùng cả nước vươn tới những mục tiêu đầy khát vọng.