Xúc tiến đầu tư công nghệ cao, hướng tới thành phố khoa học hiện đại
Khu CNC Hòa Lạc đã sản xuất được các sản phẩm CNC, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực…
Ngày 30.9, trong khuôn khổ sự kiện Kết nối công nghệ và Đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect and Innovation Vietnam 2024), BQL Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc tổ chức Diễn đàn Xúc tiến đầu tư công nghệ cao.
Theo bà Phan Thị My - Quyền trưởng ban BQL Khu CNC Hòa Lạc, Luật Thủ đô sửa đổi tại Điều 24 đã xác định Khu CNC Hòa Lạc là khu vực nghiên cứu, phát triển, thử nghiệm, ứng dụng CNC, đào tạo nhân lực công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao và đổi mới sáng tạo trọng điểm của đất nước và Thủ đô; là điểm thử nghiệm, thí điểm về cơ chế, chính sách cho việc phát triển công nghệ cao và các khu công nghệ cao trong cả nước, hướng tới trở thành một thành phố khoa học hiện đại trong tương lai.
Theo lãnh đạo Khu CNC Hòa Lạc, tính đến nay, Khu CNC Hòa Lạc đã thiết lập được môi trường chính sách đặc biệt thu hút đầu tư; thu hút được một số các nhà đầu tư hàng đầu trong nước và thế giới đầu tư các CNC, công nghệ tiên tiến.
Khu CNC Hòa Lạc đã sản xuất được các sản phẩm CNC, góp phần đáp ứng thị trường trong nước và khu vực, hàng năm cung cấp ra thị trường hàng nghìn lao động chất lượng cao, bắt đầu hình thành chuỗi liên kết giữa đào tạo - nghiên cứu - sản xuất…
Ngoài ra, Khu CNC Hòa Lạc đã bước đầu đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và của TP.Hà Nội nói riêng. Tổng số dự án đã thu hút vào Khu CNC Hòa Lạc đến nay là 108 dự án đầu tư (93 dự án trong nước và 15 dự án đầu tư nước ngoài), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 116.000 tỉ đồng.
Theo bà Phan Thị My, sau 25 năm xây dựng và phát triển, Khu CNC Hòa Lạc đang bước sang một giai đoạn phát triển mới, với những mục tiêu và động lực mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Trong đó, Khu CNC Hòa Lạc cần thu hút những dự án đầu tư mới có quy mô lớn, sử dụng công nghệ mới và tiên tiến hơn, có tác dụng lan tỏa, dẫn dắt, nâng cao giá trị trong chuỗi sản xuất quốc gia và toàn cầu.
Lãnh đạo Khu CNC Hòa Lạc cho biết mục tiêu sau năm 2030, đơn vị trở thành thành phố KH-CN và đổi mới sáng tạo sinh thái và thông minh, có đầy đủ và toàn diện các chức năng.
BQL cam kết sẽ luôn đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư với tinh thần cởi mở và luôn đổi mới. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trực tiếp là cải cách thủ tục đầu tư và tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thuận lợi thông thoáng, minh bạch để Khu CNC Hòa Lạc trở thành bệ phóng cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam và các thành tựu công nghệ “Make in Viet Nam” vươn tầm phát triển.
Sau 25 năm xây dựng và phát triển, Khu CNC Hòa Lạc thu hút rất nhiều dự án đầu tư. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn đặt trụ sở, cơ quan nghiên cứu tại Hòa Lạc, như Viettel, FPT, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST)...
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết Việt Nam nói chung, các khu CNC nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội để thu hút đầu tư.
Nguyên nhân có thể kể đến như: Điều kiện chính trị và xã hội ổn định; sự quan tâm cao của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của các doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam ngày càng trở lên thông thoáng, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư.
Hơn nữa, theo ông Tuấn, vị thế quốc tế của Việt Nam đang được nâng cao và lợi thế về nguồn lao động dồi dào, cơ cấu dân số vàng; chi phí sản xuất cạnh tranh…
Ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ về hai định hướng chính trong hợp tác đầu tư nước ngoài của Việt Nam, đó là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu; ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, chuyển giao công nghệ, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.
"Nếu không có công nghệ sẽ không có sự phát triển nhanh, bền vững. Mục tiêu, định hướng phát triển của Khu CNC Hòa Lạc là rất đúng đắn, cùng với những nỗ lực của Ban Quản lý, Khu CNC Hòa Lạc sẽ tiếp tục trở thành 'trái tim' của Thủ đô, thu hút được nhiều dự án có chất lượng", ông Nguyễn Anh Tuấn bày tỏ.
Ông Nguyễn Trung Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC cho rằng các chiến lược, tầm nhìn, cách thức phát triển của Khu CNC Hòa Lạc nên gắn chặt với Thủ đô. Đơn cử như Thủ đô có lợi thế về nguồn nhân lực trí thức, do đó, Khu CNC Hòa Lạc nên tận dụng tối đa sức mạnh đó trong quảng bá, giới thiệu và chiến lược thu hút.
Theo ông, để Khu CNC Hòa Lạc trở thành hạt nhân của Thủ đô, đòi hỏi Khu phải có chiến lược bao trùm, tạo môi trường cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển hạ tầng thiết yếu, đô thị cho giới nghiên cứu, đô thị cho các nhà khoa học.
"Nhiều năm quan sát, chúng tôi đã có quyết định đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc vì Khu đã có nhiều thay đổi, tuy nhiên, Chính phủ, Hà Nội vẫn sẽ phải tiếp đầu tư hạ tầng để thực sự có những tiện ích cho đội ngũ lao động công nghệ cao. Có tiện ích mới thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao", ông Nguyễn Trung Chính nêu quan điểm và đề xuất Hà Nội cần ưu tiên triển khai nhanh tuyến đường sắt đô thị kết nối Hòa Lạc với trung tâm Thành phố.
Ngay sau diễn đàn, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Trung tâm Thông tin và Tư vấn đầu tư (Invest Global) thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài để mở rộng, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc.