'Xúc tác' giúp tăng giá trị doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam

Doanh nghiệp ngành bán lẻ được cho là có nhiều động lực tăng trưởng khi nền kinh tế đang trong quá trình hồi phục tích cực; thu nhập người dân cải thiện; tỷ lệ đô thị hóa tăng cao.

Cùng đó, động lực tăng trưởng của ngành bán lẻ còn đến từ các ngành hàng bán lẻ mới. Nhận thấy môi trường kinh doanh thuận lợi, nhiều doanh nghiệp cũng đặt kế hoạch kinh doanh năm 2024 đầy tham vọng.

Là một trong những doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành niêm yết trên sàn chứng khoán, Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) đặt kế hoạch doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế năm 2024 lần lượt đạt 125.000 tỷ đồng và 2.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 5% và 1.329% so với năm 2023. Năm nay, công ty cũng dự kiến chi trả cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 5%.

Một cửa hàng của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG). Ảnh: MWG

Một cửa hàng của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG). Ảnh: MWG

Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) dự báo với Thế Giới Di Động, lợi nhuận quý II kỳ vọng đạt 1.100 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng hơn 6.200% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế nửa đầu năm 2024, lợi nhuận sau thuế của MWG có thể đạt 2.002 tỷ đồng, gấp 51 lần con số nửa đầu năm 2023. Nếu đúng như kịch bản, MWG sẽ hoàn thành hơn 83% mục tiêu lãi chỉ sau nửa chặng đường.

Với Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT Retail, mã chứng khoán: FRT) doanh nghiệp bán lẻ thiết bị, hàng ICT (công nghệ thông tin và truyền thông). FRT Retail sở hữu hai chuỗi bán lẻ ICT mang tên FPT Shop và F. Studio, gồm 743 cửa hàng.

Bên cạnh đó, chuỗi nhà thuốc Long Châu của FRT cũng trở thành thương hiệu quen thuộc, dẫn đầu thị trường với 1.587 nhà thuốc khắp cả nước.

Năm 2024, doanh nghiệp này cũng đạt kế hoạch kinh doanh tươi sáng với doanh thu thuần đạt 37.300 tỷ đồng, tăng 17% so với năm ngoái; lợi nhuận sau thuế là 125 tỷ đồng (trong khi năm 2023, doanh nghiệp lỗ 346 tỷ đồng).

Hiện tại, FRT Retail chưa có báo cáo kết quả kinh doanh quý II, nhưng tình hình kinh doanh quý đầu năm cho thấy những dấu hiệu hồi phục tích cực của doanh nghiệp.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý I/2024 lần lượt đạt 9.042 tỷ đồng tăng 16,6% so với cùng kỳ và 61 tỷ đồng tăng 28,3% so với cùng kỳ, hoàn thành 24,2% và 48,5% kế hoạch năm.

Công ty Chứng khoán KB Việt Nam dự báo, kết quả kinh doanh năm 2024 của FPT Retail có thể ghi nhận doanh thu 38.066 tỷ đồng, lợi nhuận gộp 7.032 tỷ đồng, biên lợi nhuận gộp 19,2%, lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 120 tỷ đồng, với triển vọng tích cực từ nhà thuốc Long Châu cùng tham vọng mở rộng hệ sinh thái chăm sóc sức khỏe.

Chuỗi nhà thuốc Long Châu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Ảnh: frt.vn

Chuỗi nhà thuốc Long Châu của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT. Ảnh: frt.vn

Với Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (mã chứng khoán: PNJ), đây là doanh nghiệp bán lẻ vàng và trang sức có mạng lưới hơn 400 cửa hàng khắp cả nước. Năm 2024, doanh nghiệp này đạt kế hoạch doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 37.147 tỷ đồng và 2.089 tỷ đồng, tương ứng tăng 12% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận dự kiến duy trì cổ tức tiền mặt 20% cho năm 2024.

BSC dự báo lợi nhuận quý II của Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận tăng trưởng tích cực, đạt 431 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% so với quý II/2023. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận PNJ kỳ vọng tăng 8% lên 1.169 tỷ đồng.

Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng Khoán Shinhan Việt Nam (SSV), ngành bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ở Việt Nam gồm 4 mảng: Bán lẻ hàng hóa; dịch vụ lưu trú, ăn uống; du lịch lữ hành; dịch vụ khác; trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa luôn đóng góp trên 70% doanh thu toàn ngành bán lẻ.

Sau giai đoạn hồi phục do ảnh hưởng từ dịch COVID-19, doanh thu mảng bán lẻ hàng hóa vẫn tăng trưởng ổn định, cho thấy mức độ bền vững của ngành bán lẻ Việt Nam.

SSV cho rằng, năm 2024, dù nền kinh tế trong nước và thế giới có nhiều biến động, nhưng đà tăng trưởng của ngành bán lẻ vẫn được duy trì ở mức ổn định so với năm 2023.

Công ty chứng khoán này dự phóng tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ năm 2024 đạt 6.478 nghìn tỷ đồng (tăng 8,4% so với năm 2023); trong đó, doanh thu từ bán lẻ hàng hóa vẫn tiếp tục đóng góp phần lớn nhất khoảng 76%, ước tính đạt 4.912 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái.

Xét tỷ trọng của các kênh bán lẻ hàng hóa, nhóm cửa hàng tạp hóa vẫn đang chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, nhóm này có xu hướng bị thu hẹp dần về giá trị đóng góp do sự tăng tốc mạnh mẽ của các mô hình chuỗi kinh doanh, bán lẻ hiện đại.

Các thương hiệu có xu hướng tăng sự hiện diện trên nhiều kênh phân phối, tận dụng tiềm năng của các nền tảng bán hàng trực tuyến, giúp mang lại trải nghiệm mua sắm liền mạch và tiện lợi cho ngươìtiêu dùng.Các kênh bán hàng hiện đại cũng đang dịch chuyển sang người tiêu dùng khu vực nông thôn.

Trong bối cảnh người mua cũng đa dạng hóa về lựa chọn kênh mua sắm, dẫn đến tỷ trọng đóng góp từ kênh online tăng trưởng ở cả khu vực thành thị và nông thôn. Điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu vừa và nhỏ thu hút và đa dạng hóa tệp khách hàng trung thành.

Bên cạnh sự gia nhập thị trường và mở rộng của các thương hiệu quốc tế, các thương hiệu trong nước cũng tăng trưởng đáng kể, mở rộng khắp thị trường. Hình thức mua sắm giải trí, sáng tạo nội dung số cùng với tiếp thị sản phẩm (Shoppertainment) sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới .

Sự tăng trưởng bùng nổ của mảng bán lẻ trực tuyến, thương mại điện tử sẽ không làm giảm nhu cầu ở kênh bán lẻ truyền thống mà còn thúc đẩy hoạt động bán hàng lẫn nhau giữa các kênh. Lượng bán hàng trung bình liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming từ các nhà sáng tạo nội dung sẽ tăng mạnh.

Sự cạnh tranh giữa các thương hiệu trong nước và quốc tế, cùng sự bùng nổ của bán lẻ trực tuyến sẽ khiến các đơn vị bán hàng liên tục cải thiện sản phẩm, nâng cấp không gian bán hàng, nhằm thu hút nhiều nhóm khách hàng.

SSV nhìn nhận, các yếu tố xúc tác giúp tăng giá trị thị trường bán lẻ ở Việt Nam đó là tỷ lệ đô thị hóa kỳ vọng tiếp tục tăng trong các năm tới; thu nhập bình quân đầu người Việt Nam duy trì ổn định ở mức CAGR (Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép) xấp xỉ 62%/năm.

Với mục tiêu tăng trưởng GDP tích cực từ 6 - 6,5% năm 2024, cùng ước tính tăng trưởng doanh thu bán lẻ hàng hóa nửa đầu năm 2024 đạt xấp xỉ 8% so với cùng kỳ, kỳ vọng tăng trưởng bán lẻ hàng hóa nủa cuối năm và cả năm 2024 dự phóng lần lượt đạt 8 - 9% so với cùng kỳ và 7,5 - 8,5% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, GDP thu nhập bình quân đầu người Việt Nam liên tục cải thiện tích cực, đạt 4.284 USD năm 2023, tăng 3,9% so với cùng kỳ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) kỳ vọng con số này sẽ vượt mốc 5.000 USD vào năm 2025.

Ngoài ra, tỷ lệ lạm phát được Nhà Nước duy trì ở mức ổn định 4 - 4,5% sẽ là chất xúc tác giúp ngành bán lẻ và nền kinh tế ViệtNam tiếp tục tăng trưởng bền vững sau giai đoạn phục hồi.

Hoạt động buôn bán tại Bách Hóa Xanh. Ảnh minh họa: BHX

Hoạt động buôn bán tại Bách Hóa Xanh. Ảnh minh họa: BHX

Năm 2024, IMF dự báo Việt Nam sẽ xếp thứ 5 về giá trị GDP bình quân khu vực Đông Nam Á và ở vị trí thứ 124 toàn thế giới.

Về quy mô GDP, Việt Nam vượt mốc 430 tỷ USD năm 2023, xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á (sau Indonesia, Thái Lan, Singapore và Philippines) và là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới.

Ngoài ra, triển vọng từ các ngành hàng bán lẻ mới cũng là động lực thúc đẩy các hoạt độngbán lẻ thời gian sắp tới.

Trong báo cáo về ngành bán lẻ bách hóa mới phát hành, Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng, doanh thu của ngành bán lẻ năm 2024 sẽ ghi nhận sự tăng trưởng so với năm 2023, dựa trên sự phục hồi kinh tế.

VDSC dự báo cả niềm tin của người tiêu dùng và sức mua sẽ phục hồi vào năm 2024, đến từ tác động của cả chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 và lực đẩy từ sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

VDSC cũng cho rằng, hiệu quả của các chính sách vĩ mô sẽ rõ ràng hơn trong nửa cuối năm 2024, khuyến khích người tiêu dùng sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn so với nửa đầu năm 2024. Nửa đầu năm 2024 có thể sẽ tăng trưởng doanh thu dương ở mức khiêm tốn, sau đó tăng trưởng trong nửa cuối năm 2024.

Văn Giáp/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/xuc-tac-giup-tang-gia-tri-doanh-nghiep-ban-le-viet-nam/340024.html
Zalo