Thái Bình: Giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá từ thu hút đầu tư

Từ đầu năm 2024 đến nay, nền kinh tế của tỉnh Thái Bình đang duy trì đà tăng trưởng khá với GRDP ước đạt 33.657 tỷ đồng, tăng 7,96% so với cùng kỳ năm 2023. Tỉnh này đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 8,5 - 9% trong năm 2024.

Sản xuất công nghiệp có vai trò là đầu tàu phát triển kinh tế của tỉnh Thái Bình. Trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của tỉnh này tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023; giá trị sản xuất ngành công nghiệp ước đạt gần 44.600 tỷ đồng, đạt 39,5% kế hoạch, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Nổi bật nhất là sự tăng trưởng của lĩnh vực thương mại, dịch vụ với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 39.100 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2023; tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1.291 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 909 triệu USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, nhiều lĩnh vực cũng có giá trị tăng cao như: Sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 6.871 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023; công nghiệp chế biến, chế tạo ước đạt hơn 37.400 tỷ đồng, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.

6 tháng năm 2024, sản xuất truyền tải và phân phối điện trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Trong ảnh: Trung tâm Điện lực Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình)

6 tháng năm 2024, sản xuất truyền tải và phân phối điện trên địa bàn tỉnh Thái Bình ước tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Trong ảnh: Trung tâm Điện lực Thái Bình. (Ảnh: Báo Thái Bình)

Để duy trì hiệu quả đà tăng trưởng kinh tế, một trong những giải pháp quan trọng được tỉnh này quan tâm thực hiện đó là tạo bứt phá từ thu hút đầu tư. Đến ngày 19/6, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt gần 7.800 tỷ đồng (gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023). Trong đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI đạt hơn 230 triệu USD (gấp 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2023).

Với phương châm coi việc của nhà đầu tư là việc của tỉnh, Thái Bình đã đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào tỉnh. Cụ thể, tỉnh này tổ chức thành công đoàn công tác của tỉnh đi xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh. Đồng thời, tập trung chỉ đạo rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Định hướng từ nay đến cuối năm, Thái Bình tiếp tục giữ vững ngành công nghiệp là đầu tàu của nền kinh tế và tạo sự bứt phá từ thu hút đầu tư. Các sở, ngành, địa phương trong tỉnh sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thành và hoàn thành vượt mức mục tiêu đã đề ra.

Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh). Ảnh: Báo Thái Bình

Hoạt động sản xuất ở Công ty TNHH Logitex (Cụm công nghiệp Vũ Ninh). Ảnh: Báo Thái Bình

Cùng với đó, trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, các địa phương tập trung chỉ đạo sản xuất vụ mùa, vụ đông theo kế hoạch; nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng sản xuất, nghiên cứu, xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Tiến hành triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp tái cơ cấu và phát triển ngành nông nghiệp; tăng cường giám sát, phòng, chống dịch bệnh nhất là các dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi.

Tỉnh Thái Bình tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn; chỉ đạo quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công; tập trung quyết liệt công tác thu ngân sách nhà nước, chủ động khai thác các nguồn thu, có giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu hiệu quả.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/thai-binh-giu-vung-da-tang-truong-kinh-te-tao-but-pha-tu-thu-hut-dau-tu-91226.html
Zalo