Xúc động chuyến về nguồn thăm nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Ở phía Đông Bắc của dải đất hình chữ S, non nước Cao Bằng là phên dậu vững chắc nơi biên cương Tổ quốc. Nơi đây từng chứng kiến những sự kiện lịch sử quan trọng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương đặt vòng hoa, dâng hương tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó

Đoàn công tác của tỉnh Hải Dương đặt vòng hoa, dâng hương tại khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó

Từ TP Hải Dương, tôi theo đoàn công tác của tỉnh Hải Dương thực hiện chuyến về nguồn tại Cao Bằng nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024).

Vượt qua chặng đường dài hàng trăm km, nhiều đoạn núi cao quanh co, đèo dốc, cua tay áo, đoàn công tác của tỉnh Hải Dương đến khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Pác Bó ở xã Trường Hà, huyện Hà Quảng. Đây là nơi lãnh tụ Hồ Chí Minh trở về nước sau 30 năm ra đi tìm đường cứu nước, hoạt động cách mạng ở nước ngoài.

Hôm ấy, trời mưa lạnh nhưng vẫn có rất đông du khách đến thăm. Trước mắt chúng tôi là khung cảnh nên thơ của núi non Cao Bằng hùng vĩ. Tiếng suối chảy từ nơi đại ngàn gợi chúng tôi nhớ về âm vang của những ngày sục sôi cách mạng tiền khởi nghĩa.

Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, thuộc khu vực trung tâm của khu di tích quốc gia đặc biệt Pác Bó là điểm đến đầu tiên của đoàn. Đền thờ tọa lạc trên ngọn núi Tếnh Chấy linh thiêng. Dưới chân núi là dòng suối Lê-nin khởi đầu từ nguồn Cốc Bó.

Đoàn công tác tỉnh Hải Dương tham quan nhà bia trung tâm - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Đoàn công tác tỉnh Hải Dương tham quan nhà bia trung tâm - nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Đền được xây dựng với phong cách nhà sàn gần gũi và quen thuộc của đồng bào dân tộc nơi đây. Nơi trang trọng nhất ở gian chính điện đặt tượng Bác Hồ. Bên trên là dòng chữ Hồng Nhật Cao Minh (tức mặt trời đỏ từ trên cao chiếu sáng) nói lên sự vĩ đại, công lao to lớn của Người đối với dân tộc.

Khu di tích lịch sử quốc đặc biệt Pác Bó cũng là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh, làm nên diện mạo mới cho Trường Hà ngày nay.

Trò chuyện với người dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự chất phác, hồn hậu, dễ mến của họ. Khi đó, trong tôi chợt có một sự mường tượng về những hình ảnh của 80 năm về trước, khi bà con đồng bào dân tộc nơi đây hết lòng nuôi nấng, đùm bọc những người làm cách mạng...

Điểm đến quan trọng nhất trong chuyến công tác về nguồn lần này là khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao thuộc địa bàn 2 xã Tam Kim, Hoa Thám (huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), cách TP Cao Bằng khoảng 50 km về phía tây nam. Khu rừng nguyên sinh xòe từng tán cây rộng lớn, bao bọc di tích thiêng thiêng.

Đoàn công tác tỉnh Hải Dương dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà thờ trung tâm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo

Đoàn công tác tỉnh Hải Dương dành phút mặc niệm tưởng nhớ công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà thờ trung tâm khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo

Ngay trước khu rừng, giữa một khoảng đất bằng phẳng, Nhà nước đã xây dựng tượng đài, phù điêu chạm khắc hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang giao nhiệm vụ cho 34 chiến sĩ.

Rừng xưa, cảnh cũ còn đây. Tôi có cảm giác khu rừng vẫn in bóng hình của vị Đại tướng lẫy lừng cùng với 34 chiến sĩ thuở ban đầu ấy! Cách đây 80 năm trước, chiều 22/12/1944, tại khu rừng thiêng này, một buổi lễ tuy giản dị nhưng trang nghiêm đã được tổ chức để đánh dấu sự ra đời của Quân đội nhân dân cách mạng, được Bác Hồ đặt tên là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 34 chiến sĩ.

Dưới lá cờ đỏ sao vàng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã long trọng đọc 10 lời tuyên thệ: ''Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để chống phát xít Pháp-Nhật và bọn Việt gian phản quốc, để giải phóng cho toàn dân Việt Nam, làm cho nước Việt Nam trở thành một nước dân chủ, độc lập, tự do ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới... Bao giờ cũng kiên quyết phấn đấu, dù gian lao, khổ hạnh cũng không phàn nàn, vào sống, ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận mạc quyết chí xung phong, dù đầu rơi, máu chảy cũng không lùi bước...''.

Đoàn công tác tỉnh Hải Dương tham quan lán mô phỏng nơi bếp ăn, nơi nghỉ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Đoàn công tác tỉnh Hải Dương tham quan lán mô phỏng nơi bếp ăn, nơi nghỉ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân

Lời thề linh thiêng ấy đã thấm đẫm vào máu xương của lớp lớp thế hệ bộ đội Cụ Hồ, để ngày nay họ cùng nhau tiếp nối truyền thống bảo vệ Tổ quốc.

Lịch sử mãi mãi khắc ghi về một miền đất đã hội tụ đầy đủ các yếu tố để khai sinh ra đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

34 chiến sĩ đầu tiên với áo vải chân không, vũ khí thô sơ nhưng đoàn kết, mưu trí, sáng tạo, quyết chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc. Dưới sự chỉ huy của thiên tài quân sự Võ Nguyên Giáp, sau 3 ngày thành lập đã làm nên chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu truyền thống “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta.

Trong không khí trang nghiêm, đoàn công tác của tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng dẫn đầu đã thành kính đặt vòng hoa, dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các anh hùng liệt sĩ đối với non sông, đất nước.

Nằm dưới những tán cây cổ thụ là nhà bia 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Nhà bia khắc ghi chỉ thị của Bác Hồ về nhiệm vụ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân: “… Tên Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự… Về chiến thuật vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay đông mai tây, “lai vô ảnh, khứ vô tung”. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác…”. Bên cạnh chỉ thị của Bác là bảng khắc tên 34 chiến sĩ của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.

Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao, nơi đây có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, rất tiện cho việc bố trí quan sát, hoạt động cách mạng

Khu di tích quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo nằm dưới chân núi Slam Cao, nơi đây có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, rất tiện cho việc bố trí quan sát, hoạt động cách mạng

Di chuyển sâu trong khu rừng là lán nghỉ và bếp ăn mô phỏng lại cuộc sống đời thường giản dị của các chiến sĩ. Men theo con dốc nhỏ chừng 50 m là mỏ nước tự nhiên, cũng là điểm lấy nước sinh hoạt của các chiến sĩ, trải qua nhiều năm vẫn cho ra những dòng nước mát lạnh, trong vắt.

Cũng tại rừng Trần Hưng Đạo, cây sấu cổ thụ 300 năm tuổi từng gắn bó mật thiết với đời sống hằng ngày của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam.

Công tác trong ngành quân đội nên đồng chí đại tá Vũ Hồng Anh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có nhiều cảm xúc trong chuyến hành trình về nguồn này. Chia sẻ với chúng tôi, đại tá Vũ Hồng Anh cho biết qua cuộc hành trình, ông vừa xúc động, tự hào, cảm phục về truyền thống anh hùng, trung dũng, kiên cường của Quân đội nhân dân Việt Nam, vừa củng cố quyết tâm góp phần lãnh đạo lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương ngày càng vững mạnh toàn diện, góp phần giữ gìn, phát huy truyền thống anh hùng ấy trong hôm nay và mai sau.

"Lực lượng vũ trang tỉnh Hải Dương nguyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp", đại tá Vũ Hồng Anh chia sẻ.

NGUYỄN THẢO

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xuc-dong-chuyen-ve-nguon-tham-noi-thanh-lap-quan-doi-nhan-dan-viet-nam-400521.html
Zalo