Quân đội anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng!

Hiếm có đội quân xuất thân từ Nhân dân cần lao đau khổ, nhưng đã đánh bại những cường quốc quân sự hàng đầu thế giới trong thế kỷ XX. Những chiến thắng lẫy lừng ấy đã tô thắm trang vàng lịch sử và làm dày thêm truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần tự cường mạnh mẽ và khát khao hòa bình, độc lập cháy bỏng của dân tộc. Quân đội ấy là đội quân anh hùng của dân tộc Việt Nam anh hùng!

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu được tái hiện qua bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu được tái hiện qua bức tranh Panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Cách đây tròn 80 năm, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo (thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng; nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân – tiền thân của quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập theo Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trong chỉ thị, Người chỉ rõ: “Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác. Tuy lúc đầu quy mô nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam”.

Đồng chí Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Lãnh tụ Hồ Chí Minh ủy nhiệm tổ chức, lãnh đạo, chỉ huy, tuyên bố thành lập đội, gồm 34 người, biên chế thành 3 tiểu đội do đồng chí Hoàng Sâm làm đội trưởng, đồng chí Xích Thắng làm Chính trị viên, có chi bộ đảng lãnh đạo. Tại sự kiện có ý nghĩa hết sức đặc biệt này, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc, thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân giải phóng sẽ tỏ ra mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng của dân tộc”!

Kể từ thời khắc lịch sử đầu tiên ấy, ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Và rồi, “tiền đồ vẻ vang” của quân đội ta đã ngay lập tức có được minh chứng sinh động. Đó là 17 giờ ngày 25/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, táo bạo, bất ngờ đột nhập vào đồn Phai Khắt và 7 giờ sáng hôm sau (26/12) lại đột nhập đồn Nà Ngần (đều đóng tại châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), tiêu diệt hai tên đồn trưởng, bắt sống toàn bộ binh lính địch, thu vũ khí, quân trang, quân dụng. Chiến thắng Phai Khắt, Nà Ngần mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của quân đội Nhân dân Việt Nam.

Tháng 4/1945, Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ của Đảng đã quyết định hợp nhất các tổ chức vũ trang cách mạng trên cả nước thành Việt Nam giải phóng quân. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Việt Nam giải phóng quân đã cùng lực lượng vũ trang (LLVT) các địa phương và Nhân dân tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam giải phóng quân được đổi tên thành Vệ quốc đoàn, rồi Quân đội quốc gia Việt Nam (1946). Từ năm 1950 được gọi là Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai, dưới sự lãnh đạo của Đảng, LLVT phát triển mạnh mẽ, cùng Nhân dân ta nhất tề đứng lên, quyết chiến đấu với quân xâm lược. Đêm 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, quân và dân ta đã đánh hàng trăm trận, loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn tên địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Mùa xuân năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ lên Việt Bắc, nơi đây trở thành trung tâm chỉ đạo kháng chiến của cả nước.

Từ giữa năm 1949, Bộ Tổng Tư lệnh chủ trương rút các đại đội độc lập về xây dựng các trung đoàn, đại đoàn chủ lực. Ngày 28/8/1949, Đại đoàn 308 ra đời; ngày 10/3/1950, Đại đoàn 304 được thành lập. Sau chiến dịch biên giới, các đại đoàn chủ lực tiếp tục được thành lập, gồm Đại đoàn 312 (12/1950), Đại đoàn 320 (1/1951), Đại đoàn công pháo 351 (3/1951), Đại đoàn 316 (5/1951)... Tính đến cuối năm 1952, đội quân chủ lực trực thuộc Bộ Tổng Tư lệnh đã có 6 đại đoàn bộ binh (308, 304, 312, 320, 316, 325) và 1 đại đoàn công binh, pháo binh (351). Cùng với sự ra đời của các đại đoàn chủ lực và qua các cuộc vận động “luyện quân lập công”, “rèn cán chỉnh quân”; đặc biệt là trải qua nhiều chiến dịch lớn từ Việt Bắc năm 1947, Biên Giới năm 1950, Hòa Bình năm 1951, Tây Bắc năm 1952, Đông Xuân 1953-1954... LLVT không ngừng phát triển và ngày càng lớn mạnh.

“Các quả đấm chủ lực cách mạng” ra đời và kinh qua thực tiễn chiến đấu, chính là cơ sở để Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm (13/3 - 7/5/1954) liên tục chiến đấu, chiến thắng Điện Biên Phủ đã giáng một đòn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến dịch Điện Biên Phủ là một điển hình xuất sắc, là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp; đồng thời là minh chứng cho sự phát triển vượt bậc của quân đội ta sau 10 năm xây dựng, chiến đấu và chiến thắng vẻ vang (1944-1954).

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của cách mạng Việt Nam. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH. Miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, yêu cầu đặt ra là phải “tích cực xây dựng một quân đội Nhân dân hùng mạnh, tiến dần từng bước đến chính quy hóa và hiện đại hóa”. Đến năm 1960, quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, từ lực lượng chủ yếu là bộ binh với tổ chức chưa thật thống nhất, vũ khí, trang bị còn thiếu thốn, đã trở thành quân đội chính quy, ngày càng hiện đại, bao gồm các lực lượng lục quân, hải quân, phòng không - không quân. Đây là bước phát triển rất quan trọng, tạo nền móng cho xây dựng quân đội tiến tới chính quy, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhiệm vụ mới của cách mạng.

Sự lớn mạnh của quân đội Nhân dân đã trở thành chỗ dựa vững chắc và tin cậy của cách mạng Việt Nam. Nhờ đó, ta đã lần lượt làm phá sản các chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, “chiến tranh cục bộ”, “Việt Nam hóa chiến tranh” và các đợt leo thang đánh phá miền Bắc của đế quốc Mỹ và tay sai. Những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam, cùng với chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”, đã buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/1/1973), rút quân về nước. Tuy nhiên, ngụy quyền Sài Gòn ngang nhiên vi phạm Hiệp định, ráo riết thực hiện kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ”, đẩy mạnh lấn chiếm vùng giải phóng của ta.

Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các Quân đoàn 1 (10/1973), Quân đoàn 2 (5/1974), Quân đoàn 4 (7/1974), Quân đoàn 3 (3/1975) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, tháng 2/1975). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đồng thời, trong hai năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta. Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và đầu năm 1975 đã chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, ngày 4/3/1975, bộ đội ta mở chiến dịch Tây Nguyên, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

Hình ảnh bộ đội kéo vào chiến trường Điện Biên Phủ được tái hiện và trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Hình ảnh bộ đội kéo vào chiến trường Điện Biên Phủ được tái hiện và trưng bày trong Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Sau nhiều chiến thắng giòn giã tại Tây Nguyên, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng... Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn được lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26/4/1975, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ của quân giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân binh chủng. Đây cũng là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Sau đại thắng mùa Xuân 1975, quân đội ta lại phải tiến hành cuộc chiến tranh chính nghĩa bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Đồng thời, chiến đấu anh dũng để bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Những thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử rất to lớn, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước.

Gần 40 năm đất nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, quân đội luôn thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung của đất nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, khi cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được củng cố, góp phần tạo dựng thế và lực để đưa dân tộc bước vào kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ, thì vai trò và sự đóng góp của Quân đội Nhân dân Việt Nam càng được khẳng định. Nổi bật trong đó phải kể đến vai trò nòng cốt của quân đội trong thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, nhất là trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” và khu vực phòng thủ vững chắc...

Khi nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam, Raoul Salan, tác giả của cuốn “Đông Dương đỏ”, đã chỉ ra: “Quân đội của họ (Việt Minh) – quân đội giỏi nhất trên thế giới hiện nay, đã chiến đấu kể từ năm 1945. Được trưởng thành trong khói lửa, quân đội này đã đạt tới đỉnh cao...”. Quân đội Nhân dân Việt Nam là đội quân “chân trần, chí thép”, với nền tảng làm nên sức mạnh vô địch biết đánh và đánh thắng, đó là luôn gắn bó máu thịt với Nhân dân - quân dân cùng một ý chí. Với sự trung thành và kiên định, sự thông minh và quả cảm, sự kỷ luật và nghiêm minh, đặc biệt là luôn giữ vững và phát huy truyền thống vẻ vang, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” và nghệ thuật quân sự Việt Nam, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã hiện thực hóa sự tin tưởng và kỳ vọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ ngày đầu thành lập, rằng đây sẽ là đội quân có tiền đồ rất vẻ vang. Để từ nền tảng ấy, trải qua 8 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, lá cờ Quyết chiến – quyết thắng của quân đội ta sẽ tiếp tục tô thắm truyền thống yêu nước, anh dũng, kiên cường của dân tộc Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Bài và ảnh: Lê Dung

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/quan-doi-anh-hung-cua-dan-toc-viet-nam-anh-hung-233776.htm
Zalo