Xuất siêu nông lâm thủy sản tăng 60% sau 7 tháng đầu năm

Nhờ sự đóng góp từ hầu hết các nhóm hàng, xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 7 tháng đầu năm đạt 34,2 tỷ đồng, tăng gần 19% so với cùng kỳ.

Mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã công bố báo cáo kết quả sản xuất nông lâm thủy sản trong 7 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm trong tháng tới.

Đánh giá chung kết quả thực hiện kế hoạch 7 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: "Các cân đối cung - cầu, an ninh lương thực quốc gia được bảo đảm vững chắc; nguồn cung sản lượng lúa gạo, thịt hơi, thủy sản… đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu".

Cụ thể, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt 34,27 tỷ USD, tăng 18,8% nhờ đóng góp của hầu hết các nhóm hàng đều tăng. Trong đó xuất siêu 9,42 tỷ USD, tăng 60%.

Chi tiết, nông sản ghi nhận đạt 18,21 tỷ USD, tăng 23,4%; lâm sản đạt 9,41 tỷ USD, tăng 21,1%; thủy sản đạt 5,29 tỷ USD, tăng 7,3%; chăn nuôi đạt 288 triệu USD, tăng 4,8%. Riêng đầu vào sản xuất ghi nhận 1,07 tỷ USD, giảm 4,2%.

Theo Bộ NN&PTNT, một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao bao gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 8,78 tỷ USD (tăng 21,9%); Cà phê 3,54 tỷ USD (tăng 30,9% với lượng 964 nghìn tấn, giảm 13,8%);

Xuất khẩu gạo ghi nhận đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với lượng 5,18 triệu tấn; Hạt điều đạt 2,37 tỷ USD, tăng 22,1% với lượng 424 nghìn tấn, tăng 26,4%. Ngoài ra, mặt hàng rau quả ghi nhận tăng 24% lên 3,83 tỷ USD…

Về thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT cho biết, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất. Trong đó, giá trị xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 21,1%, tăng 21,6%; Trung Quốc chiếm 20,5%, tăng 11,3% và Nhật Bản chiếm 6,6%, tăng 4%.

Nhận định về những tồn tại hạn chế, Bộ NN&PTNT cho biết: "Tuy đạt được một số kết quả như trên, nhưng ngành nông nghiệp vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển mạnh; việc duy trì và phát triển bền vững các liên kết chuỗi giá trị còn hạn chế".

Về nhiệm vụ, giải pháp trong tháng tới, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ triển khai đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết, luật, chiến lược, chương trình, đề án, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, trọng tâm là Nghị quyết "Tam nông", Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững, kế hoạch tái cơ cấu ngành.

Cụ thể, tập trung các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi.

Xuất khẩu gạo ghi nhận đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với lượng 5,18 triệu tấn.

Xuất khẩu gạo ghi nhận đạt 3,27 tỷ USD, tăng 25,1% với lượng 5,18 triệu tấn.

Phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ liên kết theo chuỗi giá trị. Định hướng sản xuất phù hợp thị trường; theo dõi sát diễn biến thời tiết, phòng cháy chữa cháy rừng; phòng, chống dịch bệnh. Thực hiện hiệu quả Đề án "Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030".

Phối hợp với Bộ Công Thương và các bộ, ngành theo dõi sát diễn biến giá cả, nguồn cung để tăng cường các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, không để thiếu các mặt hàng lương thực, thực phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường, trong đó đẩy nhanh các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi... hỗ trợ các địa phương kết nối, tiêu thụ nông sản qua chuỗi phân phối bán lẻ, sàn thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ đẩy nhanh thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Chú trọng phát triển thủy lợi và nâng cao năng lực phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, ngập, lụt do mưa bão; thích ứng biến đổi khí hậu, không để bị động bất ngờ.

Cùng với đó là phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ các rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số. Chú trọng đào tạo, huấn luyện hình thành đội ngũ nông dân thế hệ mới có kiến thức kinh tế, kỹ năng thích ứng với nền nông nghiệp xanh và thị trường…

Nguyễn Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/xuat-sieu-nong-lam-thuy-san-tang-60-sau-7-thang-dau-nam-204240731113118822.htm
Zalo