Xuất nhập khẩu năm 2024 chính thức đạt 786,29 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1/2025. Năm 2024, nước ta xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng 14,3% xuất siêu 24,77 tỷ USD
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 12, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 70,53 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Về xuất khẩu hàng hóa, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,68 tỷ USD, tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,85 tỷ USD, tăng 4,0%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12 tăng 12,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,9%.
Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%.
Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).
Về nhập khẩu hàng hóa, tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 140,11 tỷ USD, tăng 19,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 240,65 tỷ USD, tăng 15,1%.
Trong năm 2024, có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 54,0%).
Kết quả xuất nhập khẩu của năm 2024 cũng đánh dấu Hoa Kỳ chính là thị trường lớn nhất của nước ta với kim ngạch 119,6 tỷ USD.
Chia sẻ về tiềm năng thị trường Hoa Kỳ đối với hàng Việt Nam, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu, châu Mỹ - Bộ Công Thương - cho biết, việc hai nước chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023 đã tạo nền tảng vững chắc, giúp cho hoạt động hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu, thực chất trên tất cả các trụ cột, trong đó trụ cột kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục đóng vai trò là động lực trung tâm thúc đẩy quan hệ hai nước.
Về các nhóm ngành hàng chủ lực, ngành công nghệ cũng chứng kiến sức bật trở lại sau giai đoạn khó khăn của năm 2023. sự bứt phá trong xuất khẩu công nghệ của Việt Nam phần lớn nhờ vào sự hiện diện của các tập đoàn nước ngoài. Những nhà máy sản xuất của các "ông lớn" Hàn Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã đóng vai trò then chốt, giúp Việt Nam duy trì kim ngạch xuất khẩu công nghệ vượt ngưỡng 100 tỷ USD mỗi năm từ sau 2020.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan (từ 1/1/2024 - 15/12/2024), giá trị xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện của Việt Nam đạt 51,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thành tích này có sự góp công không nhỏ từ các nhà máy sản xuất điện thoại của Samsung, Foxconn hay DBG Technology (một trong những công ty sản xuất điện thoại cho Xiaomi).
Samsung đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của mình tại Khu công nghiệp Yên Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên, với tổng mức đầu tư khoảng 7,5 tỷ USD.
Foxconn, một tên tuổi không kém phần quan trọng, đã hiện diện tại Việt Nam từ rất sớm, thậm chí trước cả Samsung. Với khoảng 6 nhà máy hoạt động, tập đoàn này tiếp tục mở rộng quy mô trong năm 2024 bằng việc công bố khoản đầu tư 550 triệu USD để xây dựng thêm hai nhà máy mới tại Quảng Ninh.
Hay với ngành hàng dệt may, năm 2024 cũng đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ. Ông Cao Hữu Hiếu - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) - cho hay, với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng đã trải qua năm 2024 với nhiều cung bậc. Nửa đầu năm 2024, thị trường và đơn hàng, giá xuất khẩu vẫn trên nền thấp của năm 2023 (đơn hàng nhỏ lẻ, yêu cầu khắt khe, thời gian giao hàng nhanh và đơn giá rất thấp), nhưng nửa cuối năm 2024, tình hình đã khởi sắc trở lại, nhờ đó, giúp ngành "thoát hiểm", về đích với các chỉ tiêu tăng trưởng 11%.
Nỗ lực cho mục tiêu tăng trưởng 12% kim ngạch xuất khẩu năm 2025
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương tổ chức mới đây, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu - nhận định, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 dự báo sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đã và đang phục hồi.
Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu đề ra, Cục Xuất nhập khẩu sẽ tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo, cảnh báo đối với hàng hóa xuất khẩu; theo dõi sát tình hình xuất nhập khẩu, tình hình thương mại biên giới, phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp xuất khẩu, kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.
Thường xuyên nắm bắt thông tin về những vấn đề có khả năng tác động, ảnh hưởng đến vận chuyển, lưu thông, xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam để tăng cường công tác dự báo, cảnh báo, khuyến nghị cho các hiệp hội, doanh nghiệp và báo cáo lãnh đạo Bộ các giải pháp ứng phó, giảm thiểu các tác động tiêu cực đối với hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.
Tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn kịp thời các cam kết theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, các hiệp định đang và sẽ tiếp tục đàm phán, ký kết trong thời gian tới; tuyên truyền, phổ biến về cam kết, thúc đẩy doanh nghiệp tận dụng cơ hội từ các FTA, các hiệp định thương mại, thúc đẩy đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu.
Về các ngành hàng cụ thể, năm 2025, xuất khẩu dệt may được nhận định có cơ hội tăng trưởng tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện với triển vọng cho ngành dệt may tốt hơn. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận, các doanh nghiệp dệt may đang theo dõi chính sách của Mỹ sau khi Tổng thống Mỹ, Donald Trump lên nắm quyền điều hành. Theo đó, Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10-20%. Với khả năng đó, Việt Nam có thể chịu thêm 10% thuế với hàng hóa xuất khẩu vào thị trường này. Đây là rào cản khá lớn cho dệt may trong năm tới.
Hoặc với mặt hàng rau quả, sau kết quả ấn tượng khi đạt gần 7,1 tỷ USD trong năm 2024 được dự báo có thể sẽ mang về hơn 8 tỷ USD vào năm 2025 từ nhiều yếu tố mới xuất hiện như mặt hàng sầu riêng đông lạnh, dừa tươi xuất khẩu đi Trung Quốc, chanh dây dự kiến chính thức được cấp phép xuất khẩu sang thị trường Mỹ vào năm 2025… Tuy nhiên, Hiệp hội Rau quả Việt Nam chỉ rõ, xung đột thương mại Mỹ - Trung, xung đột địa chính trị toàn cầu… vẫn là những thách thức lớn. Để ngành hàng này xuất khẩu bền vững hơn, đòi hỏi cần quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch, nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực tuân thủ của doanh nghiệp với những đòi hỏi lớn của thị trường.
Tại Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 do Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân đề nghị năm 2025, cần tăng cường ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C)...