Kim ngạch xuất nhập khẩu là điểm sáng, đạt gần 800 tỷ USD

Chiều nay (7/1), Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ Quý 4, thông báo kết quả hoạt động của ngành. Lãnh đạo Bộ cho biết, năm 2024 đánh dấu một năm thành công vượt bậc của ngành Công Thương khi đối mặt với bối cảnh kinh tế thế giới đầy biến động.

Quá trình vượt cam go hoàn thành Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã góp phần khẳng định người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm chủ các công nghệ, các dự án lớn

Quá trình vượt cam go hoàn thành Dự án Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 đã góp phần khẳng định người Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm chủ các công nghệ, các dự án lớn

Với những thách thức từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu yếu, lạm phát giảm chậm và sự gia tăng bảo hộ thương mại, ngành Công Thương đã chứng minh năng lực thích ứng thông qua những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực.

Nhiều thành tựu nổi bật năm 2024

Trong lĩnh vực hoàn thiện thể chế, ngành đã đạt được đột phá với việc Quốc hội thông qua Luật Điện lực (sửa đổi), tạo nền tảng pháp lý cho sự phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt, chủ trương tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã đặt nền móng cho việc đáp ứng nhu cầu năng lượng dài hạn của quốc gia. Cùng với đó, ngành đã tháo gỡ các vướng mắc trong các dự án năng lượng tái tạo, giúp cải thiện an ninh năng lượng và giảm phụ thuộc vào các nguồn năng lượng không tái tạo.

Một trong những điểm sáng của năm là kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 800 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, vượt hơn hai lần chỉ tiêu đề ra. Ngành đã duy trì xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp, với mức 25 tỷ USD, góp phần ổn định tỷ giá, nâng cao dự trữ ngoại hối và hỗ trợ kinh tế vĩ mô. Đáng chú ý, khu vực kinh tế trong nước đã tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 114,59 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, chiếm 28,3% tổng kim ngạch, trong khi khu vực FDI đạt 290,94 tỷ USD, chiếm 71,7%.

Sản xuất công nghiệp cũng ghi nhận mức tăng trưởng ngoạn mục với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 8,4%, cao nhất kể từ năm 2020. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn với mức tăng 9,6%, tạo động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Nhiều địa phương công nghiệp trọng điểm như Bắc Giang đạt mức tăng kỷ lục 27,7%, cho thấy sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trên cả nước.

Thương mại điện tử tiếp tục khẳng định vị thế khi đạt doanh thu 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số quốc gia. Lĩnh vực này không chỉ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp mà còn mở ra cơ hội phát triển thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, ngành Công Thương cũng đối mặt với không ít thách thức. Các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp khó khăn trong tiếp cận vốn, chi phí nguyên vật liệu tăng cao và sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Xuất khẩu tuy tăng trưởng mạnh nhưng vẫn chưa bền vững, phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp FDI và một số thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, ASEAN.

Thúc đẩy đổi mới thể chế và chính sách

Về phương hướng nhiệm vụ năm 2025, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị nền tảng cho Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Ngành Công Thương đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững.

Về thúc đẩy đổi mới thể chế và chính sách, Ngành sẽ tập trung triển khai các nghị quyết quan trọng về kinh tế - xã hội, hoàn thiện Luật Hóa chất, Luật Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm, và xây dựng các chính sách mới hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt, ngành đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5-7%, trong đó công nghiệp dẫn đầu với mức tăng 9%. Việc cụ thể hóa các cơ chế phát triển năng lượng tái tạo và điện hạt nhân sẽ tiếp tục là ưu tiên nhằm đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn.

Cùng với đó là đầu tư vào nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Ngành dự kiến dành 5% GDP cho hoạt động R&D, tập trung vào phát triển công nghệ cao và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Các trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ cao sẽ được xây dựng, hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp sáng tạo trong sản xuất và kinh doanh.

Hội nhập tiếp tục là chiến lược trọng tâm với mục tiêu tận dụng tối đa lợi ích từ 15 FTA đã ký kết, phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 450 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2024. Các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được triển khai tại các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu quốc gia.

Ngoài ra, Bộ sẽ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và thương mại nội địa. Thương mại điện tử được kỳ vọng đạt doanh thu 30 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm 2024. Ngành sẽ tập trung đầu tư vào hạ tầng logistics, thanh toán điện tử, và triển khai các chương trình khuyến khích sử dụng thương mại điện tử tại khu vực nông thôn. Trong thương mại nội địa, ngành hướng đến tăng trưởng doanh thu bán lẻ 12%, thông qua việc nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng và hợp tác với các doanh nghiệp quốc tế.

Trong cải thiện quản trị doanh nghiệp và tăng cường liên kết, Ngành sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng, và thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với khu vực FDI. Đây là yếu tố quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu.

Với các giải pháp chiến lược và tầm nhìn dài hạn, ngành Công Thương Việt Nam tự tin bước vào năm 2025 với những mục tiêu tham vọng. Thành công của năm 2024 là động lực mạnh mẽ để ngành tiếp tục phát triển, tạo nền móng vững chắc cho sự thịnh vượng và bền vững trong tương lai.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/kim-ngach-xuat-nhap-khau-la-diem-sang-dat-gan-800-ty-usd-159676.html
Zalo