Xuất nhập khẩu năm 2024 cao nhất từ trước tới nay, tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.
Năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn thách thức, kinh tế xã hội đất nước đã có bước phát triển tích cực với nhiều điểm sáng; hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu đề ra, tăng trưởng GDP hơn 7%, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế, tạo niềm tin mới cho sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.
Theo Bộ Công Thương, năm 2024 là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt Luật, Nghị định, Thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp, tái khởi động Chương trình phát triển điện hạt nhân và các dự án điện hạt nhân Ninh Thuận; tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng tái tạo; tách A0 ra khỏi EVN để đổi mới vận hành hệ thống điện và thị trường điện quốc gia; giải quyết nhiều dự án tồn đọng của ngành, tạo đột phá chiến lược cho phát triển năng lượng trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu tiến tới mốc lịch sử khoảng 800 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay; xuất siêu năm thứ 9 liên tục với mức thặng dư gần 25 tỷ USD.
Hoạt động xuất nhập khẩu hàng năm 2024 đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hướng tới mốc 800 tỷ USD, tăng 15%, cao gần gấp 2,5 lần so với mục tiêu kế hoạch Chính phủ giao là khoảng 6%; trong đó xuất khẩu trên 400 tỷ USD, tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%, cán cân thương mại duy trì xuất siêu ở mức cao, khoảng gần 25 tỷ USD, ghi nhận xuất siêu năm thứ 9 liên tiếp.
Cả nước có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (cùng kỳ năm trước chỉ có 33 mặt hàng), chiếm 94,1% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 66,5%). 44 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 92,6% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 5 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 51,4%).
Đạt kết quả ngoạn mục trên có vai trò quan trọng của Bộ Công Thương trong triển khai Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hóa Việt Nam, khai mở các thị trường, lĩnh vực mới, có tiềm năng, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; đơn giản hóa thủ tục cấp chứng nhận xuất xứ, đẩy mạnh chuyển đổi số cấp chứng nhận xuất xứ điện tử... Đặc biệt, đổi mới mạnh mẽ công tác xúc tiến thương mại theo hướng đa dạng hóa phương thức triển khai..
Năm 2024, công nghiệp phục hồi mạnh mẽ, tăng trưởng ngoạn mục 8,4% trong đó ngành chế biến chế tạo tăng gần 10% (so với năm 2023 chỉ dưới 1%), tạo động lực lớn thúc đẩy tăng trưởng vĩ mô.
Sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục gặp nhiều thách thức lớn do sự phục hồi chậm của thị trường bất động sản cũng như nhu cầu tiêu dùng giảm đã ảnh hưởng tới sức cầu của nhiều ngành công nghiệp; tình hình bão lũ, thiên tai - đặc biệt là ảnh hưởng từ cơn bão số 3 cũng đã có nhiều tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhờ các nỗ lực chỉ đạo, điều hành chính sách của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp năm 2024 không chỉ phục hồi tích cực mà còn có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 11 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp ước tăng 8,4%, cao hơn rất nhiều so với con số tăng trưởng 0,9% của cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung, trở lại vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp cũng phục hồi và tăng trưởng trên diện rộng, với chỉ số sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.