Xuất nhập khẩu Bình Thạnh: Doanh thu giảm mạnh, báo lỗ hơn 38 tỷ trong quý 1/2023

Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh – Gilimex vừa báo lỗ 38,61 tỷ đồng trong quý 1/2023 trong bối cảnh doanh thu giảm mạnh và chi phí vận hành chung của mảng bất động sản công nghiệp tăng.

Ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết do tình hình kinh tế quý 1/2023 còn khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán của công ty giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết do tình hình kinh tế quý 1/2023 còn khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán của công ty giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Mới đây, Công ty Cổ phần Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh - Gilimex (mã chứng khoán: GIL - sàn: HoSE) đã công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý 1/2023 với doanh thu thuần chỉ đạt gần 157 tỷ đồng, giảm gần 89% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đồng thời, công ty kinh doanh dưới giá vốn khi giá vốn hàng bán trong quý 1/2023 là 161 tỷ đồng. Điều này, khiến lợi nhuận gộp của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh ở mức âm 161 tỷ đồng, so với mức lãi 245 tỷ đồng của quý 1/2022.

Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh trong quý 1/2023 đạt hơn 27 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.

Đối với các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2023, chi phí tài chính của công ty giảm hơn 42%, còn 16,4 tỷ đồng và chi phí bán hàng giảm 98%, còn 1 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp ở mức hơn 42 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh báo lỗ 38,61 tỷ đồng trong quý 1/2023, so với mức lãi 107,1 tỷ đồng ghi nhận trong quý 1/2022.

Theo giải trình của ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, do tình hình kinh tế quý 1/2023 còn khó khăn, đơn hàng sụt giảm nên doanh thu xuất bán của công ty giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, đối với mảng kinh doanh bất động sản khu công nghiệp, công ty đang trong quá trình đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng để kịp bàn giao đất cho nhà đầu tư thứ cấp vào quý 2/2023 do đó chi phí vận hành chung của mảng bất động sản khu công nghiệp tăng mạnh trong quý 1/2023; trong khi đó, doanh thu mảng kinh doanh này sẽ được ghi nhận vào các quý tiếp theo. Do đó, lợi nhuận sau thuế khi hợp nhất kinh doanh của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh trong quý 1/2023 đã giảm mạnh.

 Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: Tradingview.com)

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh từ đầu năm 2022 đến nay. (Nguồn: Tradingview.com)

Trên thị trường chứng khoán, kết thúc phiên giao dịch ngày 5/5, giá cổ phiếu GIL của Xuất nhập khẩu Bình Thạnh tăng 2,4%, đạt 23.000 đồng/cổ phiếu.

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 vừa diễn ra cuối tháng 4, ban lãnh đạo Xuất nhập khẩu Bình Thạnh cho biết điểm rơi lợi nhuận đối với mảng bất động sản khu công nghiệp sẽ nằm trong năm 2025 và hiện nay công ty đang đặt mục tiêu bảo toàn vốn. Trong năm nay, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh sẽ phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Gilimex Phú Bài 4 tại Huế với diện tích khoảng 460 ha, Khu công nghiệp Gilimex Vĩnh Long (tên cũ là KCN Bình Tân) với diện tích 400 ha. Công ty sẽ phát triển các dịch vụ như nhà xưởng cho thuê, kho cho thuê, dịch vụ logistics để phục vụ cho các khu công nghiệp.

Liên quan đến vụ kiện đòi Amazon Robotics LLC (“Amazon”) bồi thường 280 triệu USD, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh hiện đặt mục tiêu giải quyết dứt điểm vụ việc trong năm 2023. Đồng thời, công ty cũng chưa tiến hành trích lập dự phòng lượng tồn kho liên quan đến Amazon.

Trong năm nay, Xuất nhập khẩu Bình Thạnh hiện đặt mục tiêu doanh thu là 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 103,5 tỷ đồng. Nếu so với kế hoạch này, công ty mới chỉ thực hiện được gần 10,5% mục tiêu doanh thu và còn cách rất xa mục tiêu về lợi nhuận cả năm.

Tính đến thời điểm 31/3/2023, tổng tài sản của công ty giảm gần 15% so với thời điểm đầu năm, đạt 3.399 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do tiền và các khoản tương đương tiền giảm mạnh 61%, xuống còn hơn 295 tỷ đồng và khoản đầu tư tài chính ngắn hạn giảm hơn 12%, còn 872 tỷ đồng.

Xuất nhập khẩu Bình Thạnh đang có cơ cấu nguồn vốn lành mạnh khi nguồn vốn chủ sở hữu chiếm đến 73% tổng nguồn vốn. Đồng thời, nợ phải trả vào cuối quý 1/2023 giảm gần 38% so với thời điểm đầu năm, còn 918 tỷ đồng; chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn đã giảm hơn 68%.

Minh Trang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/xuat-nhap-khau-binh-thanh-doanh-thu-giam-manh-bao-lo-hon-38-ty-trong-quy-12023-104803.htm
Zalo