Xuất khẩu trực tuyến đưa thương hiệu Việt vươn xa

Theo bà Lê Hoàng Oanh - Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), xuất khẩu trực tuyến không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường hiệu quả. Nhờ tận dụng các công cụ tiếp thị số và dịch vụ hậu mãi chuyên nghiệp, doanh nghiệp có thể tạo dựng uy tín cho thương hiệu Việt trên trường quốc tế.

Cà phê - nông sản xuất khẩu nhiều dưới dạng thô, chưa phát triển được thương hiệu mạnh. Ảnh minh họa: ST

Cà phê - nông sản xuất khẩu nhiều dưới dạng thô, chưa phát triển được thương hiệu mạnh. Ảnh minh họa: ST

Tình trạng xuất khẩu bằng thương hiệu của quốc gia khác

Nêu rõ một thực tế hiện nay, lãnh đạo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thương hiệu là yếu tố then chốt cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng đa số sản phẩm nông sản của Việt Nam đang phải dựa vào thương hiệu của các quốc gia khác để xuất khẩu, bởi phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu ở dạng nguyên liệu hoặc bán thành phẩm. Sau khi thu mua, đối tác nước ngoài sẽ chế biến, đóng gói và thành phẩm gắn thương hiệu của họ.

Mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với sản lượng và chất lượng cà phê cao nhưng hiện chưa có thương hiệu cà phê Việt lọt được vào danh sách 10 thương hiệu cà phê đắt nhất thế giới. Bởi phần lớn cà phê xuất khẩu của Việt Nam ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói.

Dẫn chứng từ ngành hàng cà phê cho thấy, đây là một trong những loại nông sản nổi tiếng thế giới nhưng rất ít người tiêu dùng quốc tế biết mình đang uống cà phê xuất xứ từ Việt Nam. Theo số liệu thống kê của ngành cà phê Việt Nam, khoảng 82% sản lượng cà phê trong nước được xuất khẩu ở dạng nhân thô. Nestlé hiện là đối tác thu mua cà phê nhiều nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 25-30% sản lượng.

Vì thế, người tiêu dùng quốc tế chỉ biết đến các thương hiệu cà phê từ các quốc gia như Mỹ (Starbucks) hoặc Thụy Sĩ (Nestlé), trong khi nguyên liệu lại được nhập khẩu từ Việt Nam. Điều này không chỉ làm giảm giá trị gia tăng mà còn làm mất đi cơ hội quảng bá thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.

Hoặc đối với ngành hàng gốm sứ, Việt Nam có truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời và là một trong những nước xuất khẩu lớn. Nhưng phần lớn sản phẩm xuất khẩu ở dạng phôi gốm, chưa qua trang trí, vẽ men và nung… Các nhà thu mua Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu đã nhập khẩu, sản xuất thành phẩm và bán dưới thương hiệu của các nước này. Người tiêu dùng quốc tế thường không biết rằng những sản phẩm họ mua có nguồn gốc xuất xứ ban đầu từ Việt Nam.

Làm sao để tận dụng cơ hội từ môi trường trực tuyến?

Theo bà Lê Hoàng Oanh, trên các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, rất nhiều sản phẩm như hạt điều, tiêu đen và các loại gia vị khác từ Việt Nam được bán dưới thương hiệu của các nhà nhập khẩu nước ngoài. Nhưng gần đây, số lượng các sản phẩm mang thương hiệu Việt đang bắt đầu ngày càng tăng lên nhanh chóng ở các nền tảng thương mại điện tử như Amazon, Etsy, Alibaba...

Việt Nam có truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời. Ảnh: ST

Việt Nam có truyền thống sản xuất gốm sứ lâu đời. Ảnh: ST

Tính từ đầu tháng 9/2022-9/2023, các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon đã bán ra 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt cho khách hàng trên khắp thế giới, giúp tăng cường sự hiện diện của hàng hóa Việt Nam trên toàn cầu. Số lượng đối tác bán hàng Việt Nam qua Amazon tăng 40%, với hàng nghìn doanh nghiệp Việt nắm bắt cơ hội kinh doanh toàn cầu.

Thêm minh chứng xuất khẩu trực tuyến có xu hướng bùng nổ, dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng tới 300% trong 5 năm qua.

Amazon Global Selling Việt Nam

Mới đây, ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam đã chia sẻ, thống kê của Amazon cho thấy, hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đang xuất khẩu trực tuyến trên nền tảng của Amazon với số lượng doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1 triệu USD/năm tăng gấp gần 10 lần. Kết quả này không chỉ giúp các doanh nghiệp Việt Nam phát triển mà còn đóng góp tích cực vào tiến trình chuyển đổi số của nền kinh tế.

Hơn thế, theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C (giao dịch trực tuyến giữa doanh nghiệp với khách hàng cá nhân) của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027.

Theo ông Bùi Trung Kiên - Phó chủ tịch, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM), Chính phủ rất quan tâm đến việc thúc đẩy tiềm năng xuất khẩu trực tuyến của Việt Nam. Trong đó, việc tạo môi trường phát triển các mối quan hệ hợp tác kinh doanh, nắm bắt quy trình vận hành trên nền tảng số và hiện đại hóa hoạt động thương mại đóng vai trò quan trọng, mở ra cơ hội mở rộng thị trường cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi quy mô.

Đáng chú ý, VECOM còn giúp các doanh nghiệp định hướng, xây dựng chiến lược dài hạn khi tham gia thị trường thương mại điện tử xuyên biên giới. Theo đó, bước đi, cách phát triển sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp sẽ bài bản hơn, bền vững hơn, đem lại nhiều giá trị cho sản phẩm Việt vươn ra thị trường toàn cầu.

Mang thương hiệu Việt vươn ra thế giới

Tuy nhiên, ông Gijae Seong cho rằng, bên cạnh những cơ hội, việc phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới cũng đặt ra những khó khăn, thách thức từ thực tiễn, hay các vấn đề pháp lý đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp Việt phải quan tâm xây dựng thương hiệu. Ảnh minh họa

Để thúc đẩy xuất khẩu trực tuyến, doanh nghiệp Việt phải quan tâm xây dựng thương hiệu. Ảnh minh họa

Để hỗ trợ đưa thương hiệu Việt vươn ra thị trường quốc tế, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới và các đối tác có nguồn lực, giải pháp kỹ thuật cũng như quy trình vận hành triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu qua thương mại điện tử - Go Export.

Đây là một trong những giải pháp thiết thực để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và xuất khẩu sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Sau khi trao đổi và tư vấn cho nhiều doanh nghiệp, kết quả được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ghi nhận: một số doanh nghiệp xuất khẩu theo phương thức truyền thống, các đối tác nước ngoài sẽ mua sản phẩm hoặc nguyên liệu thô từ các doanh nghiệp Việt Nam, sau đó đóng gói dưới thương hiệu quốc tế.

Phương thức này khiến các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các đối tác nước ngoài và trong một số trường hợp, doanh nghiệp Việt còn bị ép giá thấp hơn so với các đợt xuất khẩu trước đó. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp bày tỏ mong muốn đưa được sản phẩm mang thương hiệu của mình ra thị trường quốc tế.

Một vấn đề nữa là các nhà sản xuất truyền thống hoặc chủ thương hiệu tại Việt Nam thường có năng lực sản xuất tốt nhưng thiếu kỹ năng xây dựng thương hiệu trên môi trường trực tuyến. Họ chủ yếu tập trung vào kinh nghiệm xây dựng thương hiệu trong nước thông qua các phương pháp truyền thống.

Theo các chuyên gia của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, để thành công, các doanh nghiệp cần biết cách kể câu chuyện của mình qua thương hiệu kết hợp với áp dụng các công cụ số; đồng thời cần được hỗ trợ xây dựng và bảo vệ thương hiệu, lên kế hoạch các chương trình khuyến mãi trên môi trường trực tuyến và tìm hiểu nhu cầu thị trường một cách bài bản và lâu dài.

Tuy nhiên, khi kinh doanh trên môi trường trực tuyến, để thâm nhập được vào các thị trường quốc tế như Mỹ và châu Âu thì doanh nghiệp phải thay đổi cách làm thương hiệu.

Theo xu thế của thời đại, xuất khẩu trực tuyến ngày càng bùng nổ, phương thức này không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam tiết kiệm chi phí mà còn mở rộng thị trường một cách hiệu quả. Bằng cách tận dụng các công cụ tiếp thị số và dịch vụ hậu mãi, doanh nghiệp có thể tạo dựng uy tín thương hiệu trên thị trường quốc tế./.

ĐỨC ANH

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-truc-tuyen-dua-thuong-hieu-viet-vuon-xa-33100.html
Zalo