Xuất khẩu trái cây chủ lực sụt giảm mạnh, giá nông sản lao dốc

Trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản chủ lực suy giảm nghiêm trọng, thị trường trái cây Việt Nam đang đối mặt với áp lực lớn. Các loại trái cây như sầu riêng, mít và dưa hấu ghi nhận mức giảm giá sâu, thậm chí có loại chỉ còn vài nghìn đồng mỗi kg tại vườn.

Theo số liệu mới công bố của Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm 2025, nhóm hàng quả và quả hạch chỉ mang lại cho Việt Nam hơn 1 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong số 8 loại trái cây xuất khẩu chủ lực, phần lớn ghi nhận sự sụt giảm mạnh, ngoại trừ xoài và dừa có mức tăng trưởng nhẹ về kim ngạch.

Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng từng tạo đột phá trong năm 2024, hiện đang dẫn đầu đà giảm với kim ngạch chỉ đạt 183 triệu USD, giảm tới 61%. Dưa hấu theo sau với mức giảm 52%, chỉ đạt 33 triệu USD. Mít cũng không khả quan hơn khi chỉ mang về gần 98 triệu USD, giảm 20%. Chuối và thanh long lần lượt giảm nhẹ 2,2% và 7,2%, còn lại 174 triệu USD và gần 210 triệu USD.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nguyên nhân chính đến từ việc các thị trường lớn như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hà Lan và Thái Lan đồng loạt siết chặt chính sách nhập khẩu. Trong đó, thị trường Trung Quốc, chiếm tỷ trọng cao nhất, đã nâng cao yêu cầu về kiểm dịch và kiểm hóa.

Riêng với sầu riêng, Trung Quốc tăng cường kiểm tra dư lượng Cadimi và chất vàng O (chất bị cấm do có nguy cơ gây ung thư), đồng thời áp dụng tỷ lệ kiểm tra lên đến 100%. Điều này không chỉ làm đội chi phí doanh nghiệp mà còn kéo dài thời gian thông quan, khiến nhiều nhà xuất khẩu e ngại ký kết hợp đồng mới.

Đối với mít, mặt hàng phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc cũng gặp nhiều trở ngại khi quốc gia này thắt chặt việc kiểm soát các hoạt chất ethephon và paclobutrazol. Việc thông quan kéo dài buộc doanh nghiệp hạn chế thu mua, trong khi thương lái chỉ tập trung tiêu thụ trong nước.

Trước áp lực từ thị trường xuất khẩu, giá nhiều loại trái cây tại nội địa đã rớt mạnh. Sầu riêng nghịch vụ hiện chỉ còn 40.000 - 80.000 đồng/kg, bằng khoảng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Mít Thái tại vườn rơi xuống mức 4.000 - 10.000 đồng/kg, thấp kỷ lục trong nhiều năm. Dưa hấu tại Quảng Nam cũng giảm sâu, chỉ còn 4.000 đồng/kg.

Riêng đối với thanh long, Trung Quốc hiện đã cơ bản chủ động được nguồn cung nội địa nên chỉ tăng nhập vào thời điểm Việt Nam trái vụ.

Tình trạng sụt giảm xuất khẩu đã tác động nghiêm trọng đến sinh kế của người nông dân, đặc biệt tại các vùng mở rộng diện tích trồng cây ăn trái một cách tự phát, không theo quy hoạch bài bản. Nhiều hộ nông dân rơi vào cảnh “thu không đủ bù chi”, đối mặt với nguy cơ thua lỗ kéo dài.

Trước thực trạng này, tại cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã yêu cầu rà soát lại toàn bộ quy hoạch vùng trồng, tránh tình trạng mở rộng tràn lan, đặc biệt trên đất rừng và đất dốc. Đồng thời, Bộ cũng sẽ siết chặt quy hoạch nhằm đảm bảo an toàn sản xuất, gắn liền với bảo vệ sinh thái.

Về lâu dài, Bộ sẽ hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến xuất khẩu nông sản, bao gồm các quy định về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm nghiệm và giám định.

Mục tiêu là chuẩn hóa quy trình kỹ thuật từ khâu sản xuất đến xuất khẩu, đẩy mạnh chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu trái cây tươi. Các doanh nghiệp cũng được khuyến khích đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm giảm thiểu rủi ro trước biến động chính sách từ các thị trường lớn.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/xuat-khau-trai-cay-chu-luc-sut-giam-manh-gia-nong-san-lao-doc-318351.html
Zalo