Doanh thu tăng, thị phần giảm: Bức tranh của Grab tại thị trường Việt Nam
Báo cáo doanh thu mới nhất của Grab Holdings Ltd cho thấy, tốc độ tăng trưởng tại thị trường Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại đáng kể so với các ứng dụng gọi xe khác như Be hay Xanh SM..

Thị phần các ứng dụng gọi xe công nghệ tại Việt Nam, Quý 1/2024. Ảnh: Q&Me
Theo báo cáo thường niên năm 2024 vừa công bố, Grab ghi nhận doanh thu 228 triệu USD tại Việt Nam trong năm 2024, tăng gần 23% so với 185 triệu USD của năm 2023. Tuy nhiên, mức tăng này giảm rõ rệt so với giai đoạn 2022–2023, khi doanh thu tăng tới 70% từ 108 triệu USD lên 185 triệu USD. Điều này cho thấy đà tăng trưởng của Grab tại Việt Nam đang có xu hướng giảm rõ rệt so với các thị trường khác trong khu vực Đông Nam Á.
Tỷ trọng đóng góp của Việt Nam vào tổng doanh thu khu vực của Grab cũng ở mức khiêm tốn khi chỉ chiếm khoảng 8,15% trong năm 2024 – thấp hơn đáng kể so với các thị trường chính. Trong khi đó, Grab Malaysia tiếp tục dẫn đầu khu vực với doanh thu đạt 816 triệu USD, Indonesia xếp thứ hai với 643 triệu USD, theo sau là Singapore (578 triệu USD) và Philippines (265 triệu USD). Một số thị trường nhỏ hơn như Campuchia và Myanmar chỉ mang lại dưới 15 triệu USD doanh thu.
ÁP LỰC GIA TĂNG TỪ ĐỐI THỦ NỘI ĐỊA
Nguyên nhân khiến thị phần tại Việt Nam của Grab không còn ở vị trí “bá chủ” là do thị trường gọi xe công nghệ đang ngày càng cạnh tranh tại đây. Theo báo cáo năm 2024 từ Mordor Intelligence, áp lực cạnh tranh thể hiện rõ trong số liệu thị phần quý IV/2024. Lần đầu tiên, Grab để mất vị trí dẫn đầu về thị phần taxi vào tay Xanh SM – hãng xe điện nội địa. Cụ thể, Xanh SM chiếm 37,41% thị phần, trong khi Grab giảm xuống còn 36,62%. Sự tăng trưởng của Xanh SM gắn liền với xu hướng dịch chuyển sang các phương tiện thân thiện môi trường và phản hồi tích cực từ người dùng về chất lượng dịch vụ.
Be Group – một doanh nghiệp công nghệ Việt khác – cũng đang ghi nhận đà tăng trưởng đáng chú ý. Trong đầu năm 2024, Be huy động thành công 30 triệu USD để tăng năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp này cho biết đã tăng trưởng doanh thu gấp 8 lần trong giai đoạn 2022–2024 và hiện chiếm khoảng 5,5% thị phần.

Thị phần gọi xe công nghệ tại Việt Nam năm 2021 và Quý 1/2024. Tại thời điểm này, tuy Grab vẫn đứng đầu về thị phần nhưng đã giảm từ 60% xuống còn 42% so với năm 2021. Trong khi đó, Be đã vươn lên từ 19% tới 32%. Đặc biệt trong năm 2024 đã có sự xuất hiện của Xanh SM (chiếm 19%). Ảnh và số liệu: Q&ME
Áp lực dành cho Grab có thể tiếp tục gia tăng khi Xanh SM đang cân nhắc mở rộng sang lĩnh vực giao đồ ăn – một phân khúc vốn đang do GrabFood và ShopeeFood chiếm lĩnh. Đầu năm nay, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc toàn cầu của GSM, cho biết doanh nghiệp đang tìm kiếm nhân sự có kinh nghiệm để đánh giá khả năng tham gia thị trường này, đặt câu hỏi mở: “Liệu Xanh SM có nên gia nhập thị trường giao đồ ăn hay không?”.
Kể từ khi gia nhập thị trường Việt Nam năm 2014 dưới pháp nhân Công ty TNHH GrabTaxi, Grab đã liên tục mở rộng quy mô và doanh thu. Từ mức doanh thu 1,5 tỷ đồng trong năm đầu tiên, Grab nhanh chóng vươn lên mức hàng nghìn tỷ đồng những năm sau, đặc biệt sau thương vụ sáp nhập Uber tại Đông Nam Á vào năm 2018.
Tuy nhiên, doanh thu tăng không đồng nghĩa với hiệu quả tài chính. Từ năm 2014 đến năm 2019, Grab Việt Nam liên tục báo lỗ với mức lỗ lũy kế đến cuối năm 2019 lên tới khoảng 4.300 tỷ đồng.
Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng và các đối thủ nội địa ngày càng vươn lên mạnh mẽ, đà tăng trưởng chậm lại của Grab tại Việt Nam có thể là chỉ dấu cho thấy doanh nghiệp này cần tái định hình chiến lược nếu muốn duy trì vị thế cạnh tranh lâu dài.
Báo cáo của Mordor Intelligence cũng cho biết quy mô thị trường gọi xe công nghệ tại Việt Nam dự kiến đạt 1,05 tỷ USD năm 2025 và có thể tăng lên 2,56 tỷ USD vào năm 2030, tương ứng tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) 19,5%.
CỤC DIỆN THỊ TRƯỜNG GỌI XE VIỆT NAM SẮP THAY ĐỔI?
Khi thị trường gọi xe công nghệ tại Đông Nam Á bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết, một loạt diễn biến mới đang gợi mở khả năng thay đổi lớn về mặt cấu trúc và quyền lực trong ngành.
Theo các nguồn tin khu vực, hai tập đoàn công nghệ hàng đầu là Grab Holdings (Singapore) và GoTo Group (Indonesia) – công ty mẹ của nền tảng gọi xe GoJek – đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán sáp nhập. Mục tiêu của hai bên là có thể hoàn tất thỏa thuận ngay trong năm 2025.
Nếu thương vụ này thành hiện thực, một thực thể có quy mô cực lớn sẽ hình thành, kết hợp các nền tảng gọi xe, giao đồ ăn, dịch vụ tài chính số và vận chuyển hàng hóa đang hoạt động tại gần như toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á. Tác động của nó không chỉ giới hạn trong nội bộ hai doanh nghiệp, mà còn lan rộng đến toàn bộ thị trường bao gồm Việt Nam, nơi mà sự cạnh tranh vốn đã rất gay gắt giữa các ứng dụng địa phương và quốc tế.
Đối với Việt Nam – một trong những thị trường được cả Grab và GoJek chú trọng – sự kiện này có thể làm thay đổi tương quan lực lượng trong phân khúc gọi xe lẫn giao đồ ăn. Tính đến cuối năm 2024, Grab vẫn là một trong hai cái tên thống trị thị phần gọi xe, nhưng đã bắt đầu chịu sức ép mạnh từ các đối thủ nội địa như Xanh SM và Be Group. Một liên minh với GoTo có thể giúp Grab củng cố lại vị thế, đặc biệt trong các lĩnh vực mà GoJek từng có lợi thế về công nghệ hoặc tệp người dùng trẻ, tiếp cận đa dạng đối tượng.
Không chỉ dừng ở các diễn biến nội khối, thị trường gọi xe tại Việt Nam có thể sớm đón nhận một nhân tố mới đến từ châu Âu. Đầu tháng 1/2025, xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy Bolt – nền tảng gọi xe lớn đến từ Estonia, hiện hoạt động tại hơn 45 quốc gia – đang chuẩn bị gia nhập thị trường Việt Nam.
Dù chưa có thông báo chính thức, các thông tin tuyển dụng liên tục xuất hiện trên các nền tảng việc làm và mạng xã hội, tập trung vào các vị trí quản lý vận hành, phát triển mạng lưới tài xế và chăm sóc khách hàng tại Hà Nội và TP.HCM. Đây được xem là bước đi đầu tiên trong kế hoạch thâm nhập thị trường, tương tự chiến lược mở rộng mà Bolt từng áp dụng tại châu Phi và một số nước Đông Âu.

Thương hiệu gọi xe công nghệ Bolt đến từ châu Âu đã có nhiều động thái chuẩn bị tiến vào thị trường Việt Nam khi đăng tuyển dụng nhiều vị trí việc làm trên các trang mạng xã hội vào tháng 1/2025.
Nếu tham gia thị trường, Bolt sẽ phải đối mặt với một hệ sinh thái đã có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các tên tuổi lớn và doanh nghiệp nội địa có lợi thế bản địa. Tuy nhiên, với kinh nghiệm triển khai dịch vụ linh hoạt, mô hình đa dịch vụ (bao gồm gọi xe, giao hàng, thuê xe điện) và chiến lược giá cạnh tranh tại nhiều quốc gia, sự xuất hiện của Bolt có thể khiến cán cân cạnh tranh tại Việt Nam thêm phần phức tạp.
Thị trường gọi xe tại Việt Nam và Đông Nam Á đang đứng trước một ngã rẽ mới, nơi mà các “tay chơi” lớn đang chủ động tái cấu trúc để thích nghi với áp lực lợi nhuận, xu hướng số hóa, cạnh tranh nội địa ngày càng tăng.
Trong viễn cảnh thương vụ Grab – GoTo thành công, sẽ không chỉ tạo ra một tập đoàn công nghệ khổng lồ mà còn có thể dẫn đến làn sóng sáp nhập hoặc liên minh chiến lược khác trong khu vực. Cùng lúc đó, việc Bolt quan tâm đến thị trường Việt Nam cho thấy sức hấp dẫn dài hạn của quốc gia này 100 triệu dân đối với các nền tảng quốc tế, bất chấp những rào cản về quy định, cơ sở hạ tầng và mức độ trung thành thương hiệu của người dùng.
Trong bối cảnh đó, bài toán cho các doanh nghiệp – cả trong nước lẫn quốc tế – sẽ không chỉ là tăng trưởng, mà là khả năng thích ứng linh hoạt, tối ưu chi phí, và định vị giá trị khác biệt trong một thị trường đang tái định hình từng ngày.