Xuất khẩu thủy sản tự tin cán mốc 10 tỷ USD, tôm và cá tra là hai trụ cột chính
Lũy kế đến cuối tháng 11/2024, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu 10 tỷ USD cho cả năm 2024, tăng 11,5% so với năm 2023.
Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong 2 tháng gần nhất, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lần lượt đạt 1 tỷ USD (tháng 10) và 924 triệu USD (tháng 11).
Ngay trong tháng 10, xuất khẩu thủy sản đã đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Lần đầu tiên sau hơn 2 năm (kể từ tháng 6/2022), xuất khẩu thủy sản theo tháng đã trở lại đạt mức 1 tỷ USD.
Lũy kế tính đến cuối tháng 11, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt gần 9,2 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước.
Trong đó, xuất khẩu tôm vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, đạt mức tăng 22% trong tháng 11 và dự báo sẽ cán mốc 4 tỷ USD vào cuối năm.
Các sản phẩm khác như cá tra, cá ngừ cũng ghi nhận sự tăng trưởng khả quan. Trong đó, cá tra đạt 1,84 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm và dự báo sẽ chạm mốc 2 tỷ USD vào cuối năm 2024. Cá ngừ mặc dù tăng trưởng chậm lại nhưng vẫn tăng 8% so với tháng 11/2023 và có thể đạt 1 tỷ USD như kỷ lục năm 2022.
Ngoài ra, một số sản phẩm như cua ghẹ, nhuyễn thể có vỏ và mực bạch tuộc cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, trong đó nhuyễn thể có vỏ có mức tăng trưởng ấn tượng tới 180%.
Cũng theo VASEP ngoài các ngành hàng chủ lực trên, xuất khẩu thủy sản Việt Nam còn phát triển mạnh các sản phẩm phụ như bột cá. Cụ thể, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu bột cá đạt 220,4 triệu USD, và dự báo cả năm sẽ đạt 264,6 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm gần 90% kim ngạch xuất khẩu bột cá của Việt Nam.
Bà Nguyễn Thúy An, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá thông tin, tình hình xuất khẩu của DN dịp cuối năm rất khả quan. Trong đó, các thị trường đang yêu cầu doanh nghiệp giao hàng nhanh, số lượng lớn.
“Tính đến thời điểm hiện tại, đơn hàng tại Hùng Cá đã tăng từ 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng ở các thị trường như Ai Cập, Malaysia, Trung Quốc… Chúng tôi vẫn đang chuẩn bị chuẩn bị nguồn nguyên liệu đầu vào khá tốt để sẵn sàng đáp ứng đơn hàng cho các đối tác quốc tế”, bà An cho hay.
Đánh giá về xuất khẩu thủy sản thời gian qua, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết sau 4 năm bị xáo trộn bởi dịch Covid-19, chiến tranh, lạm phát, diễn biến của các thị trường đang dần ổn định, xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2024 đã quay trở lại quỹ đạo thông thường là tăng tốc trong nửa cuối năm.
Theo đó, xuất khẩu tôm và cá tra đều có kết quả tích cực nhờ sự hồi phục về nhu cầu và giá tại các thị trường Mỹ, Trung Quốc cùng với thế mạnh sản phẩm giá trị gia tăng tại các thị trường khác như Nhật Bản, Australia… Sự hồi phục và bứt phá của các thị trường nhập khẩu chính, nhất là Mỹ, Trung Quốc đã thúc đẩy xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong những tháng qua và những tháng cuối năm.
Thị trường Trung Quốc – Hồng Kông đã vượt lên dẫn đầu trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt Nam, với mức tăng trưởng 61% trong tháng 11, nâng tổng kim ngạch lũy kế lên hơn 1,7 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Mỹ cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, với 21% trong tháng 11, đạt 1,67 tỷ USD sau 11 tháng, và dự báo sẽ tiếp tục khả quan trong tháng cuối năm trước khi chính quyền Mỹ có thể áp dụng các mức thuế mới.
“Mặc dù thị trường Nhật Bản, EU và Hàn Quốc không có sự bứt phá lớn trong tháng 11, nhưng vẫn đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản”, VASEP nhận định.
Điều đáng lưu ý, mới đây, Bộ Thương mại Mỹ đã công bố thuế chống trợ cấp sơ bộ cho tôm nhập khẩu từ Ecuador, Ấn Độ và Việt Nam. Trong đó, mức thuế suất cho tôm Việt Nam là 2,84%, thấp hơn đáng kể so với 4,36% của Ấn Độ và 7,55% của Ecuador. Đây là lợi thế cạnh tranh quan trọng cho tôm Việt Nam tại thị trường Mỹ thời gian tới.
Ngoài ra, hiện thủy sản Việt Nam đang có thuận lợi lớn từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA). Những mặt hàng thủy sản được hưởng ưu đãi ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, đã cho những kết quả tăng trưởng xuất khẩu khả quan.
Đơn cử, thuế hầu hết tôm nguyên liệu (tươi, đông lạnh, ướp lạnh) vào EU được giảm xuống 0% ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong khi Thái Lan, Ấn Độ chưa có FTA, Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%...
“Tính đến cuối năm, với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng trưởng 11,5% so với năm 2023. Trong đó, tôm và cá tra sẽ tiếp tục là hai trụ cột chính đóng góp vào thành công này, với tôm dự báo đạt 4 tỷ USD và cá tra có thể cán mốc 2 tỷ USD”, đại diện VASEP chia sẻ.
Bước sang năm 2025, xuất khẩu thủy sản có thể đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt là từ chính sách thuế mới của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhập khẩu dồn dập trong các tháng cuối năm 2024, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, nhưng cũng đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng để đối phó với những rủi ro như tăng cước vận tải.