Xuất khẩu sầu riêng giảm, đâu là nguyên nhân?

Hiện đang là chính vụ sầu riêng, nhưng so với những vụ trước, giá sầu riêng giảm mạnh. Không chỉ trong nước, sầu riêng xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, nguyên nhân chủ yếu do Trung Quốc siết chặt nhập khẩu loại quả này.

Xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 70%

Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy, quý I-2025, xuất khẩu rau quả chỉ đạt 1,14 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, nguyên nhân chính của sự sụt giảm này là do mặt hàng sầu riêng giảm mạnh. Năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt 3,2 tỷ USD, chiếm gần 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành hàng rau, quả. Sự sụt giảm của trái cây "vàng" này đã kéo kim ngạch xuất khẩu ngành hàng rau, quả giảm theo.

Sầu riêng là trái cây "vàng" của ngành hàng rau, quả Việt Nam. Ảnh: Đỗ Phong

Sầu riêng là trái cây "vàng" của ngành hàng rau, quả Việt Nam. Ảnh: Đỗ Phong

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, hiện sầu riêng Việt Nam xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc (chiếm hơn 70%). Từ cuối năm 2024 đến nay, Trung Quốc siết chặt các lô hàng sầu riêng xuất khẩu, khiến mặt hàng này gặp khó khăn. Trung Quốc kiểm tra 100% lô hàng sầu riêng nhập từ Việt Nam và việc này áp dụng với cả Thái Lan. Nông dân Thái Lan đang kiến nghị Chính phủ đàm phán với Trung Quốc giảm tỷ lệ kiểm tra này còn khoảng 30%. Với tốc độ kiểm tra như vậy, hàng hóa của chúng ta nằm chờ tại cửa khẩu, dẫn đến tình trạng hư hỏng, xuống cấp. Chỉ tính riêng quý I-2025, sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm gần 70%...

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, có hai vấn đề chính khi xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Trung Quốc phải lưu ý là chất vàng O và nhiễm cadimi. Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường Ngô Hồng Phong cho biết, đối với chất vàng O dễ kiểm soát hơn bởi nằm ở khâu sơ chế, bảo quản (một số cơ sở nhúng vàng O để làm đẹp cho quả sầu riêng). Việc thị trường nhập khẩu kiểm soát chặt, các cơ sở này được yêu cầu không sử dụng. Tuy nhiên, đối với cadimi, cần kiểm tra từ khâu sản xuất. Các nhà vườn cần chủ động kiểm tra chất lượng đất trồng để có hướng xử lý, nếu trường hợp nguồn đất bị nhiễm cadimi...

Sầu riêng đang vào chính vụ, giá bán giảm so với thời điểm năm trước. Ảnh: Đỗ Phong

Sầu riêng đang vào chính vụ, giá bán giảm so với thời điểm năm trước. Ảnh: Đỗ Phong

Tránh phá vỡ quy hoạch

Thị trường trong nước, giá sầu riêng cũng giảm khá nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tại Cần Thơ, Hậu Giang, giá sầu riêng Ri6 chỉ còn 30.000-35.000 đồng/kg, giảm 5.000-10.000 đồng/kg so với đầu tháng 4; sầu riêng giống Monthong (Thái Lan) 60.000-65.000 đồng/kg, mức giá này chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tổng diện tích trồng sầu riêng cả nước là 150.000ha, cao gấp đôi so với định hướng đến năm 2030. Trong khi đó, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số mới chỉ đạt 25.000ha. Đáng chú ý, sản xuất, xuất khẩu sầu riêng còn đứt đoạn, rời rạc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với các vùng trồng…

Các doanh nghiệp cần phân loại sản phẩm sầu riêng xuất khẩu, như xuất khẩu tươi, đông lạnh và sấy. Ảnh: Đỗ Phong

Các doanh nghiệp cần phân loại sản phẩm sầu riêng xuất khẩu, như xuất khẩu tươi, đông lạnh và sấy. Ảnh: Đỗ Phong

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Giang, thị trường sầu riêng đang đối mặt với một số thách thức đáng kể, đặc biệt liên quan đến chất lượng, giá cả và tiêu thụ. Giá sầu riêng đang có xu hướng giảm mạnh bởi các yếu tố, như nguồn cung ngày càng lớn do nông dân mở rộng diện tích sản xuất, biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến mùa vụ và thương lái thu trái khi chưa đạt độ chín, ảnh hưởng đến chất lượng; một số nước siết chặt kiểm soát chất lượng sầu riêng nhập khẩu...

Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Quang Hiếu thông tin: Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp cho Việt Nam hơn 700 mã số vùng trồng sầu riêng và cấp mã số cho gần 200 cơ sở đóng gói trái sầu riêng. Tuy nhiên, diện tích vùng trồng sầu riêng đã được cấp mã số chỉ 25.000ha trên tổng số 150.000ha - đây là vấn đề khiến trái sầu riêng cần giải quyết từ khâu sản xuất.

Ngoài ra, sầu riêng Việt Nam cũng đang chịu sự cạnh tranh lớn từ nhiều nước. Mới đây, Trung Quốc và Campuchia ký nghị định thư cho phép nước này xuất khẩu tổ yến, sầu riêng và cá sấu nuôi sang thị trường tỷ dân. Điều này có nghĩa sầu riêng Việt Nam thêm “đối thủ” cạnh tranh...

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho biết, Bộ cùng các địa phương siết chặt quản lý vùng trồng. Các địa phương cần xác định gốc rễ vẫn là khâu sản xuất và chất lượng; cần kiểm soát chất lượng và diện tích trồng để không phá vỡ quy hoạch; các vùng trồng sầu riêng cần chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ để bảo đảm chất lượng; tập trung phân bố theo hướng xuất khẩu tươi, xuất khẩu đông lạnh và chế biến, sấy… Từ định hướng đó sẽ xây dựng vùng trồng quy chuẩn và nhà máy chế biến phù hợp. Còn về thị trường, Bộ sẽ kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành đàm phán, tháo gỡ vướng mắc từ thị trường Trung Quốc. Về lâu dài, để trái sầu riêng Việt Nam đạt hiệu quả như mong muốn, vấn đề chất lượng và kiểm soát vùng trồng là yếu tố "sống-còn"...

Đỗ Minh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xuat-khau-sau-rieng-giam-dau-la-nguyen-nhan-700551.html
Zalo