Xuất khẩu sang Mỹ: Doanh nghiệp nội địa đang chiếm ưu thế so với FDI ở những nhóm ngành nào?
Chính sách thuế quan đối ứng từ Mỹ không chỉ tạo ra áp lực tức thời lên cán cân thương mại mà còn đặt doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là khu vực nội địa, trước bài toán sống còn về năng lực cạnh tranh, khả năng thích ứng và sức chống chịu tài chính.
Doanh nghiệp nội địa chiếm gần 22% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ năm 2024
Theo số liệu FiinGroup (đơn vị cung cấp và phân tích dữ liệu) vừa công bố, Việt Nam nằm trong nhóm ba quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ năm 2024, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico.
Tuy nhiên, phân tích kỹ hơn về cơ cấu giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ theo nhóm doanh nghiệp, có thể thấy sự chênh lệch lớn giữa khu vực doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa. Doanh nghiệp nội địa chỉ chiếm gần 22% trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đi Mỹ trong năm 2024.
Khối FDI tại Việt Nam – với các đại diện tiêu biểu đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đang thể hiện ưu thế áp đảo trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đáng chú ý, chính các doanh nghiệp FDI có gốc Mỹ cũng xuất khẩu về nước họ với giá trị hơn 6,6 tỷ USD, chiếm khoảng 5,5% tổng kim ngạch.
Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp từ các doanh nghiệp FDI Singapore sụt giảm mạnh sau khi áp dụng phương pháp xác định quốc tịch theo chủ sở hữu cuối cùng, từ mức 18,45% xuống chỉ còn 3,2%.
Trong bức tranh này, các doanh nghiệp nội địa chỉ thực sự 'áp đảo' ở một lĩnh vực duy nhất là thủy sản, với gần 88% cơ cấu xuất khẩu trong năm 2024. Ở các ngành đòi hỏi ít công nghệ như dệt may, da giày, đồ gỗ hay túi xách, doanh nghiệp nội vẫn chia sẻ tỷ trọng lớn cho FDI. Còn ở những lĩnh vực cần vốn lớn, công nghệ cao và năng lực sản xuất hiện đại như điện tử, máy móc, thì hầu như đều chi phối bởi các doanh nghiệp FDI với tỷ trọng trên 90%.

Doanh nghiệp FDI từ Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) chủ yếu tập trung vào xuất khẩu sản phẩm điện tử, lần lượt chiếm 60% và 35% tổng giá trị. Với doanh nghiệp Mỹ, máy móc thiết bị và hàng điện tử chiếm tổng tỷ trọng hơn 85%. Tỷ trọng mặt hàng chủ lực của ba quốc gia có sự khác biệt lớn, nhưng đều tập trung vào các sản phẩm yêu cầu kỹ thuật sản xuất cao, cho thấy năng lực chuyên sâu của khối FDI tại Việt Nam.
Doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam tập trung xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy móc tương tự xu hướng chung của khối FDI. Bên cạnh đó là các mặt hàng như gỗ, dệt may, da giày cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa.

Doanh nghiệp FDI Trung Quốc tại Việt Nam tập trung xuất khẩu sản phẩm điện tử, máy móc tương tự xu hướng chung của khối FDI. Bên cạnh đó là các mặt hàng như gỗ, dệt may, da giày cạnh tranh với các doanh nghiệp xuất khẩu nội địa.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong nhóm này nhập khẩu từ Trung Quốc 2,7 tỷ USD, chỉ tương đương 10,8% giá trị xuất khẩu sang Mỹ. Phần lớn các mặt hàng này là để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, đặc biệt là hàng điện tử và máy móc.
Về xuất khẩu từ khối doanh nghiệp nội địa, ngành dệt may, gỗ và thủy sản là ba ngành hàng chủ lực, với tổng tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 46% giá trị xuất khẩu sang Mỹ.

Ngành dệt may xuất khẩu sang Mỹ có 1.525 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 1,4 triệu lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 0,59 % đến 34,84% (trung bình 13,37%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ –30,96% đến 4,81% (trung bình –3,06%).
Ngành thủy sản xuất khẩu sang Mỹ có 323 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 322 nghìn lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 3,81% đến 27,49% (trung bình 10,9%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ –9,16% đến 4.34% (trung bình –0,14%).
Ngành gỗ xuất khẩu sang Mỹ có 1.736 doanh nghiệp nội địa, sử dụng 416 nghìn lao động và có dư nợ tín dụng khoảng 59 nghìn tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp dao động từ 2,78% đến 26% (trung bình 11,86%), nhưng biên lợi nhuận ròng chỉ từ –14,63% đến 3,37% (trung bình –1,10%).
Đa dạng sang các thị trường ngách để giảm phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ
Chia sẻ với báo chí tại tọa đàm: “Chính sách thuế quan đối ứng của Mỹ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” tổ chức sáng 8/5, GS. TS Nguyễn Thành Hiếu, Phó Giám đốc Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, việc áp thuế đối ứng của Mỹ ảnh hưởng rất lớn đến xuất khẩu và cả khu vực FDI, tức đánh trực tiếp vào những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Từ đó tác động lớn đến tăng trưởng và gây bất ổn kinh tế vĩ mô.
“Cho dù kết quả thế nào thì đây là khoảng thời gian để Việt Nam chuẩn bị những giải pháp ứng phó với những thay đổi và tác động từ chính sách thuế quan mới của Mỹ, và đây là thời cơ để tái cấu trúc lại để nền kinh tế tự chủ, phát triển bền vững, gia tăng khả năng chống chịu đối với những bất ổn từ thế giới”, Phó Giám đốc NEU nói.
Trước bối cảnh đó, các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng các chiến lược ứng phó kịp thời và phù hợp đối với Việt Nam trong bối cảnh này.
PGS.TS. Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng Việt Nam cần theo đuổi các mục tiêu như giảm thiểu tác động tiêu cực của thuế đối ứng tới doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo sự ổn định của thị trường nội địa và chuỗi cung ứng trong nước, duy trì niềm tin của nhà đầu tư quốc tế; từ đó biến thách thức thành động lực cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các khu vực như EU, Ấn Độ, Trung Đông, Châu Phi… thông qua tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP, UKVFTA…, từ đó gia tăng tính tự chủ và giảm phụ thuộc vào một thị trường đơn lẻ.
PGS.TS. Phan Hữu Nghị cũng đề xuất Việt Nam cần chủ động rà soát lại các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), cân nhắc kỹ lưỡng tác động về thuế, môi trường, chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia để thu hút FDI có chọn lọc.
“Đẩy mạnh chiến lược phát triển bền vững kinh tế địa phương thông qua đầu tư hạ tầng, đào tạo lao động tại chỗ, phục hồi tài nguyên thiên nhiên và gắn kết cộng đồng địa phương, nhằm tăng cường sức chống chịu trước các cú sốc bên ngoài cũng là một trong những hướng đi rất quan trọng”, ông bổ sung thêm.