Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm và thủy sản
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn hóa quy trình sản xuất.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Tùng Đinh)
Cho rằng việc Mỹ xem xét áp thuế đối ứng ở mức cao đang đặt ra sức ép không nhỏ cho ngành, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh: “Không thể chỉ trông chờ vào ưu đãi thuế hay thuận lợi tạm thời. Nếu không thay đổi, thị trường Hoa Kỳ sẽ không còn là lợi thế mà có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng.”
Tại Hội nghị thúc đẩy thương mại nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, ngày 9/5, ông Duy nhấn mạnh yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực cạnh tranh, chuẩn hóa sản xuất và tăng cường minh bạch chuỗi cung ứng, trong bối cảnh hàng Việt có nguy cơ bị áp thuế đối ứng tới 46% từ phía Hoa Kỳ.
Sức ép không nhỏ
Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, Hoa Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Số liệu thống kê cho thấy năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Hoa Kỳ đạt hơn 13,7 tỉ USD (chiếm 22% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành). Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2025, con số này tiếp tục tăng lên 4,34 tỉ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ.
Các mặt hàng chủ lực như gỗ và sản phẩm gỗ, thủy sản, hạt điều, hồ tiêu, trái cây tươi đều đã xây dựng được chỗ đứng vững chắc và nhận được sự đón nhận tích cực từ người tiêu dùng Hoa Kỳ. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường dẫn đầu với thị phần 20,5%, theo sau là Trung Quốc (17,1%), EU (13%) và Nhật Bản (7,5%).
Ông Duy nhấn mạnh việc Mỹ xem xét áp thuế đối ứng ở mức cao đang đặt ra sức ép không nhỏ cho ngành. Thời gian qua, Chính phủ đã khẩn trương triển khai các biện pháp đối phó: Từ xây dựng kế hoạch hành động, tham gia đoàn đàm phán với Hoa Kỳ đến việc tổ chức đoàn doanh nghiệp sang Mỹ vào tháng Sáu tới đây nhằm tăng cường giao thương và thể hiện thiện chí cân bằng cán cân thương mại.
“Đến nay đã có gần 40 doanh nghiệp đăng ký tham gia, với tổng giá trị dự kiến nhập khẩu nguyên vật liệu khoảng 2 tỉ USD, chưa tính đến gỗ nguyên liệu,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy thông tin.
Tuy vậy, ông Duy cũng chỉ rõ một thực tế hệ thống quản lý nội bộ trong chuỗi cung ứng của Việt Nam còn thiếu minh bạch, phân tán, chưa đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường, truy xuất nguồn gốc. Bởi đây là một trong những nguyên nhân chính khiến hàng Việt dễ bị đưa vào diện điều tra, áp thuế.
“Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào ưu đãi thuế hay thuận lợi tạm thời. Nếu không thay đổi, thị trường Hoa Kỳ sẽ không còn là lợi thế mà có thể trở thành điểm nghẽn tăng trưởng,” Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cảnh báo.
Cần đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, logistics
Trước thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh và chuẩn hóa quy trình sản xuất.
Cụ thể, theo ông Duy, các doanh nghiệp cần phải tập trung vào đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, logistics lạnh, hệ thống kiểm soát chất lượng; tăng cường liên kết bền vững với nông dân và hợp tác xã theo chuỗi giá trị.

Tăng cường liên kết bền vững với nông dân và hợp tác xã theo chuỗi giá trị. (Ảnh: TTXVN)
Các doanh nghiệp cũng cần tích cực cập nhật quy định mới của thị trường Mỹ, sẵn sàng ứng phó với điều tra thương mại; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa và các FTA đã ký kết; tham gia phản biện chính sách, phối hợp với cơ quan nhà nước tháo gỡ khó khăn, đặc biệt trong các vụ việc pháp lý quốc tế.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nỗ lực tìm giải pháp tăng mua hàng hóa nông, lâm, thủy sản từ Hoa Kỳ, tập trung vào các hàng hóa là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất trong nước, góp phần hài hòa hóa thương mại hai chiều Việt Nam - Hoa Kỳ.
Về phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, ông Duy cho biết bộ cũng đã ban hành Đề án thúc đẩy xuất khẩu sang Hoa Kỳ với các định hướng gồm: Minh bạch hóa chuỗi cung ứng và vùng nguyên liệu, ứng dụng công nghệ số trong truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng; xây dựng thương hiệu ngành hàng dựa trên tính tuân thủ và phát triển bền vững; thúc đẩy các chương trình chuyển đổi xanh trong ngành nông nghiệp để đáp ứng tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.
“Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp bằng những hỗ trợ cụ thể về thể chế, chính sách và kỹ thuật nhất là trong những giai đoạn khó khăn,” ông Duy nhấn mạnh.
Tuy vậy, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng lưu ý thành công hay thất bại trong việc duy trì thị trường Hoa Kỳ và rộng hơn là vị thế nông sản Việt Nam trên toàn cầu, phụ thuộc rất lớn vào sự thay đổi chiến lược và hành động cụ thể từ chính các doanh nghiệp./.