Xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng nửa cuối năm

Với kim ngạch đạt 54,3 tỷ USD, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 và được kỳ vọng sẽ tăng trưởng trong thời gian tới.

Đứng đầu về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 54,3 tỷ USD, tăng 22,1%, đứng đầu về tốc độ tăng trưởng kim ngạch, vượt qua các thị trường khác như EU, ASEAN hay Hàn Quốc. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Hoa Kỳ đạt 7,1 tỷ USD, tăng 2,8%; xuất siêu ước đạt 47,2 tỷ USD.

Hoa Kỳ đứng đầu về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Hoa Kỳ đứng đầu về tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu

Theo đó, hiện tại Việt Nam có 8 mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ có giá trị trên 1 USD, trong đó, máy vi tính và linh kiện đạt trên 10 tỉ USD, hàng dệt may đạt 6 tỉ USD. Với tốc độ gia tăng như vậy, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – Hoa Kỳ có thể sớm vượt 100 tỷ USD trong năm nay.

Ông Trần Minh Thắng – Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) – thông tin, Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, thặng dư thương mại đứng thứ 3, chỉ sau Trung Quốc và Mexico.

Ông Trần Minh Thắng nhận định, 6 tháng cuối năm 2024, tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ có thể đạt mức 1,5% trước khi tăng lên 1,7% vào năm 2025, lạm phát sẽ giữ ổn định ở mức 2,5%, do đó, rất có thể FED sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa cuối của năm 2024.

Một số yếu tố và định hình chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam, theo dự đoán, chính sách thương mại của Hoa Kỳ trong năm bầu cử tổng thống (năm 2024) sẽ chưa có gì thay đổi. Theo đó, sẽ tiếp tục để cao các yếu tố như bảo vệ nền công nghiệp trong nước, tăng cường an ninh kinh tế, đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương cũng như thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp của Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng sẽ tiếp tục mở rộng chiến tranh thương mại với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, đầu tư ra khỏi Trung Quốc. Tăng cường mua hàng từ các nước khác và giảm sự phụ thuộc quá nhiều vào các nhà cung ứng Trung Quốc. “Trong năm nay, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục các chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước và tăng cường phòng vệ thương mại, đồng thời đẩy mạnh một số đạo luật liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, ông Trần Minh Thắng chia sẻ.

Bà Trần Thanh Huyền - Trưởng phòng Đầu tư Cấp cao VinaCapital – nhận định, so với nửa đầu năm 2023, các yếu tố vĩ mô của Việt Nam đáng tốt lên rất nhiều. Đặc biệt, có nhiều chỉ số cải thiện rất là tích cực như, đặc biệt là chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 6 đạt 54,7 điểm, cao nhất kể từ tháng 6/2022.

Bà Huyền phân tích, một cấu thành quan trọng trong chỉ số PMI, mang tính dẫn dắt rất là cao, đó là chỉ số đơn đặt hàng mới. Chỉ số này đang đạt mức cao gần kỷ lục với 59,2 điểm. Đây cũng là mức mà cao nhất trong vòng 13 năm trở lại đây cho thấy triển vọng phục hồi của ngành sản xuất với đơn hàng đang quay trở lại.

“Triển vọng phục hồi của ngành sản xuất chính là sự quay lại của các đơn hàng xuất khẩu mà đa phần đến từ thị trường Hoa Kỳ, bà Huyền cho hay.

Khả năng tăng xuất khẩu các tháng cuối năm cóchiều hướng tốt lên

Theo đánh giá của chuyên gia, các doanh nghiệp bán lẻ tại Hoa Kỳ đang kết thúc giai đoạn xả hàng tồn kho và quay trở lại đặt hàng. Thu nhập của người dân Hoa Kỳ đang tăng trở lại;… Tiêu dùng tăng lên, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động mua hàng của các nhà nhập khẩu và kéo xuất khẩu của Việt Nam tăng trở lại.

Riêng với mặt hàng gỗ, hiện Hoa Kỳ đang chiếm khoảng 53% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, theo chu kỳ hàng năm, xu hướng tăng nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, đặc biệt là các nhóm hàng đồ nội thất bằng gỗ tại các thị trường lớn thường tăng mạnh vào 3 tháng cuối năm, khi thị trường nhà ở bước vào hoàn thiện và nhu cầu sắm sửa, cải tạo lại trang thiết bị nội thất để đón chào năm mới. Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ dự báo tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số.

Nhìn nhận bức tranh xuất khẩu hàng hóa nói chung, PSG. TS Đinh Trọng Thịnh – chuyên gia kinh tế - cho biết, các đơn đặt hàng xuất khẩu mới trong lĩnh vực sản xuất tiếp tục tăng lên. Về đơn đặt hàng xuất khẩu, theo Tổng cục Thống kê, quý II/2024 so với quý I/2024, có 28,8% số doanh nghiệp khẳng định số đơn hàng xuất khẩu mới cao hơn; 49,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới ổn định và 21,6% số doanh nghiệp có đơn hàng xuất khẩu mới giảm.

Xu hướng quý III/2024 so với quý II/2024, có 33,1% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 50,6% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 16,3% số doanh nghiệp dự kiến giảm. Khả năng tăng xuất khẩu trong các tháng cuối năm có chiều hướng tốt lên sẽ giúp đẩy mạnh sản xuất và tăng nguồn thu ngoại tệ, giảm áp lực tỷ giá, giảm lạm phát các tháng cuối năm.

“FED có thể hạ lãi suất sớm nhưng mức hạ sẽ không quá 0,5%. Đồng USD giảm giá một chút sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động kinh tế xã hội, đầu tư và xuất nhập khẩu của Việt Nam, PSG. TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ thêm.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-sang-hoa-ky-ky-vong-tiep-tuc-tang-truong-nua-cuoi-nam-331992.html
Zalo