Xuất khẩu rau quả tích cực nhưng còn nhiều nỗi lo

Trong 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng cao, đạt 2,59 tỷ USD. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm của mặt hàng này còn chưa cao thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao… nên cần có giải pháp để xử lý để đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chuyên gia từ Công ty Aeon global Merchandising (Nhật Bản) thăm, khảo sát vườn trồng vải xuất khẩu tại Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: TTXVN

Chuyên gia từ Công ty Aeon global Merchandising (Nhật Bản) thăm, khảo sát vườn trồng vải xuất khẩu tại Thanh Hà, Hải Dương. Ảnh: TTXVN

Dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng 28,1% so với cùng kỳ năm 2023. Nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao như sầu riêng, thanh long, chuối... còn theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, tính riêng Quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu một số loại quả đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2023, trong đó sầu riêng tăng 63,3%, đạt gần 251,94 triệu USD; thanh long tăng 4,9%, đạt 171,85 triệu USD; chuối tăng 25,6%, đạt 142,37 triệu USD... Đáng chú ý, tốc độ xuất khẩu nhiều loại trái cây ghi nhận mức tăng trưởng 3 con số như: dừa tăng 112,6%; nhãn tăng 159,9%; hạt mắc-ca tăng 113,9%.

Thị trường xuất khẩu chính của các loại rau quả Việt Nam là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Thái Lan... Tại thị trường Trung Quốc, Việt Nam đã vượt Thái Lan và Philippines, trở thành nhà cung cấp sầu riêng và chuối lớn nhất cho thị trường này. Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.

Cụ thể như, tại thị trường xuất khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, thị phần hàng rau quả của Việt Nam đã tăng mạnh từ 7,9% năm 2022 lên 13,99% năm 2023. Ngoài thị trường Trung Quốc, những tháng đầu năm 2024 cũng ghi nhận bước phát triển mới trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam vào Thái Lan mặc dù đây là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới và có nhiều loại sản phẩm tương đồng với Việt Nam.

Với thị trường EU, Tham tán nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Văn Công cho biết, hàng năm, EU nhập khẩu rau quả khoảng 101,9 tỷ USD, chiếm gần 40% kim ngạch nhập khẩu toàn cầu. Trong đó rau 36,4 tỷ USD và trái cây đạt 65,5 tỷ USD. EU nhập khẩu rau quả từ các nước bên ngoài khối khoảng 35 tỷ USD, trong đó nhập khẩu từ Việt Nam là 228 triệu USD trong năm 2023. Đây được xem là dư địa thị trường rất lớn cho ngành rau quả Việt Nam khai thác trong thời gian tới nhằm hướng tới mục tiêu tăng trưởng cao hơn.

Sản xuất ống hút từ rau củ phục vụ xuất khẩu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng

Sản xuất ống hút từ rau củ phục vụ xuất khẩu tại Hợp tác xã Nông nghiệp Sông Hồng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội). Ảnh: Trọng Tùng

Đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch

Có thể thấy, thông qua hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường thì hoạt động xuất khẩu mặt hàng rau quả tiếp tục thuận lợi, nhu cầu tại các thị trường truyền thống tiếp tục tăng…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Nguyễn Thanh Bình, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý.

Cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Nguyễn Anh Sơn cũng cho hay, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; rủi ro khi nội lực của ngành còn yếu vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ, tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị chưa cao, sản phẩm không có thương hiệu, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế, chủ yếu là công đoạn sản xuất, giá trị gia tăng thấp...

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị, các cơ quan chức năng cần phối hợp với địa phương, hiệp hội làm tốt công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các sản phẩm khi thu hoạch.

Đồng thời, quản lý tốt lực lượng thương lái, không để xảy ra hiện tượng tranh mua, tránh bán. Việc cấp mã vùng trồng đúng, hiệu quả và quản lý tốt mã số vùng trồng cũng là hoạt động cấp thiết nhằm duy trì chất lượng rau quả Việt Nam.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh đàm phán xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam với nhiều thị trường khác nhằm nâng cao hiệu quả xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, bộ sẽ tiếp tục tái cơ cấu ngành rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản. Hiện nay, bộ đang xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.

Phúc Nguyễn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xuat-khau-rau-qua-tich-cuc-nhung-con-nhieu-noi-lo-383758.html
Zalo