Xuất khẩu rau quả - nỗ lực để thành công hơn

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt kỷ lục mới với giá trị khoảng 7,2 tỷ USD. Đáng chú ý, Trung Quốc tiếp tục là thị trường lớn nhất, chiếm 66,5% thị phần, tăng 28,7% so với năm trước. Các thị trường quan trọng khác như Mỹ và Hàn Quốc cũng ghi nhận mức tăng trưởng tích cực, lần lượt chiếm 4,7% và 4,3% thị phần.

Một trong những điểm sáng của ngành chính là sự bứt phá mạnh mẽ của mặt hàng sầu riêng, dự kiến đóng góp từ 3,2 đến 3,4 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2024. Ngoài ra, các loại trái cây khác như chuối, xoài và mít cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể, lần lượt tăng 24%, 40% và 25% so với năm trước. Thành tựu này không chỉ phản ánh năng lực cạnh tranh, mà còn thể hiện nỗ lực của các doanh nghiệp và nông dân trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe từ thị trường quốc tế.

Ông Nguyên cũng cho biết, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường lớn đều tăng trưởng khả quan, trong đó khai thác tốt nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, UAE.

Tuy nhiên, để duy trì thành công và hướng tới phát triển bền vững, các doanh nghiệp cần nâng cao nội lực và thực hiện những giải pháp đồng bộ để vượt qua các thách thức trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt.

Hiện nay, ngành rau quả Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Trước tiên là sự cạnh tranh từ các quốc gia xuất khẩu khác như Thái Lan, Philippines hay Trung Quốc. Các thị trường nhập khẩu ngày càng yêu cầu cao về chất lượng, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.

Bên cạnh đó, vấn đề bảo quản và vận chuyển cũng là một hạn chế khi cơ sở hạ tầng logistics chưa đáp ứng đủ nhu cầu; biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng cũng tác động không nhỏ đến năng suất và chất lượng sản phẩm, ông Đặng Phúc Nguyên cho biết thêm.

Ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá

Ngành xuất khẩu rau quả Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá

Để vượt qua thách thức và hướng tới phát triển bền vững, ngành rau quả cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Trong đó, doanh nghiệp xuất khẩu đóng vai trò then chốt và cần nâng cao nội lực để đảm bảo cạnh tranh và phát triển dài hạn. Đồng thời, để cạnh tranh trên thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm cần được ưu tiên hàng đầu. Doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ sản xuất hiện đại, ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến trong trồng trọt, thu hoạch và bảo quản. Việc đạt được các chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, VietGAP, HACCP hay ISO sẽ giúp sản phẩm thâm nhập dễ dàng hơn vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản.

Ông Nguyễn Phong Phú, Giám đốc kỹ thuật Công ty Vina T&T Group chia sẻ, đầu tư vào nghiên cứu-phát triển giúp doanh nghiệp tạo ra các giống cây trồng mới, có năng suất cao và khả năng kháng bệnh tốt hơn. Đồng thời, cần nghiên cứu các phương pháp chế biến hiện đại để gia tăng giá trị cho sản phẩm.

Doanh nghiệp cũng cần tăng cường liên kết với nông dân và hợp tác xã để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu ổn định, đạt chất lượng cao. Chuỗi cung ứng cần được quản lý hiệu quả từ khâu sản xuất đến xuất khẩu để giảm thiểu lãng phí và tối ưu hóa chi phí.

Việc phụ thuộc vào một vài thị trường lớn sẽ tiềm ẩn rủi ro khi có biến động. Do đó, doanh nghiệp cần tích cực tìm kiếm cơ hội tại các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi hay Mỹ Latinh. Đồng thời, tham gia các hội chợ quốc tế và sử dụng nền tảng thương mại điện tử để quảng bá sản phẩm là cách hiệu quả để tiếp cận khách hàng tiềm năng.

Cùng với đó, xây dựng thương hiệu mạnh cho rau quả Việt Nam trên thị trường quốc tế là một yếu tố quan trọng. Các sản phẩm cần có bao bì đẹp mắt, thân thiện với môi trường và thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ. Việc tạo dựng lòng tin với người tiêu dùng quốc tế sẽ góp phần nâng cao giá trị và vị thế cho sản phẩm Việt Nam.

Doanh nghiệp cần chú trọng đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn cao, am hiểu về kỹ thuật sản xuất, thương mại quốc tế và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này giúp cải thiện năng lực quản lý và khả năng thích nghi với những thay đổi trên thị trường.

Để giải quyết vấn đề bảo quản và vận chuyển, cần đầu tư xây dựng hệ thống kho lạnh hiện đại và nâng cao năng lực vận tải, đặc biệt là qua đường biển và đường hàng không. Chính phủ cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển cơ sở hạ tầng logistics.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Giám đốc Công ty CP Công nghệ phần mềm AutoAgri cho biết, hiện nay nhu cầu rau quả từ Việt Nam của thị trường Trung Quốc vẫn còn rất lớn. Nhiều rau quả vụ đông của miền bắc Việt Nam được bạn hàng Trung Quốc tìm kiếm, mong muốn nhập khẩu. Nhưng hiện nay, phần lớn các loại rau củ này vẫn chưa được cấp phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc nên quá trình đàm phán với đối tác và triển khai xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện được.

Đức Hiền

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-rau-qua-no-luc-de-thanh-cong-hon-159313.html
Zalo