Xuất khẩu rau quả: Mừng ít, lo nhiều

Mặc dù có kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong 5 tháng đầu năm 2024, nhưng ngành hàng rau quả vẫn còn nhiều tồn tại bất cập cần tháo gỡ để nâng cao chất lượng sản phẩm và tính cạnh tranh trên thị trường.

Xuất khẩu rau quả: Mừng ít, lo nhiều. Ảnh: TL

Xuất khẩu rau quả: Mừng ít, lo nhiều. Ảnh: TL

Xuất khẩu rau quả đạt hơn 2,5 tỷ USD trong 5 tháng

Xuất khẩu ngành rau quả trong 5 tháng đầu năm tăng trưởng 2 con số. Theo số liệu sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 5/2024, xuất khẩu rau quả đạt 665 triệu USD, tăng 10,3% với tháng trước nhưng chỉ tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch hơn 2,5 tỷ USD tăng 25,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm, thị trường tiềm năng đều đạt tăng trưởng đáng khích lệ.

Các mặt hàng xuất khẩu chính mang lại giá trị cao vẫn là sầu riêng, thanh long, mít, chuối… Hiện cả nước đang bước vào đầu giai đoạn thu hoạch chính vụ nhiều loại cây ăn quả như vải, xoài, sầu riêng, mít, nhãn, thanh long…, nên nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu rất cao. Tuy đạt nhiều kết quả tích cực nhưng một số ý kiến cũng chỉ ra những tồn tại của ngành hàng rau quả hiện nay.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định, việc có hơn 80% sản phẩm trái cây xuất khẩu là hàng tươi cũng đang là điều bất lợi. Để nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị, đòi hỏi ngành hàng tỷ đô này phải mạnh dạn đầu tư chế biến sâu, đa dạng được sản phẩm thay vì chỉ bán hàng thô.

Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, vấn đề về chất lượng, nhất là rau quả còn chưa cao, thể hiện ở sự đồng đều của sản phẩm, vẫn tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nên cần có giải pháp để xử lý. Bên cạnh đó, còn có hiện tượng tranh mua, tranh bán khi thị trường biến động, nhất là ở vùng nguyên liệu xảy ra nghiêm trọng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu, dù có nhiều giải pháp nhưng chưa giải quyết tốt được khi thị trường biến động, nhất là sầu riêng.

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Nguyễn Anh Sơn cũng cho hay, quy trình sản xuất, chế biến của các hộ sản xuất và doanh nghiệp chưa hoàn toàn tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về chất lượng, yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán, thiếu liên kết, chất lượng chưa ổn định, phần lớn sản phẩm xuất khẩu còn ở dạng thô, thiếu chế biến sâu.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch. Ảnh: TL

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch. Ảnh: TL

Nâng cao chất lượng để giữ thị trường

Dư địa từ thị trường còn khá lớn, tuy nhiên, để cạnh tranh xuất khẩu bền vững đòi hỏi sản phẩm rau quả của Việt Nam phải nâng cao hơn nữa về chất lượng. Về giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan thông tin, Bộ NN&PTNT tiếp tục tái cơ cấu ngành rau quả theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Đồng thời, làm tốt việc định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức sản xuất, cơ cấu giống, kỹ thuật canh tác ứng dụng công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản.

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang xây dựng các tiêu chuẩn sản xuất, chế biến, chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh, khẳng định trên thị trường truyền thống cũng như mở rộng tại các thị trường tiềm năng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang thúc đẩy sớm ký Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi sang thị trường Trung Quốc...; xúc tiến đàm phán với Ấn Độ để xuất khẩu sầu riêng quả tươi.

Ông Nguyễn Như Cường – Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cũng cho biết thêm, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các địa phương kiểm soát, hạn chế gia tăng diện tích, sản lượng với một số trái cây đang tăng trưởng nóng, vượt quy hoạch (sầu riêng...) thông qua việc khuyến cáo các điều kiện vùng trồng, giống, quy trình canh tác, thu hoạch…. Cùng với đó, tăng cường hoạt động thanh kiểm tra, giám sát các mã vùng trồng, đóng gói xuất khẩu theo các yêu cầu thị trường nhập khẩu. Cơ quan chức năng không ngừng hoàn thiện hệ thống các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để chuẩn hóa các quy trình thu hoạch, sơ chế, chế biến sản phẩm theo yêu cầu thị trường.

Ông Nguyễn Thanh Bình khẳng định, xuất khẩu rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào. Nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng có xu hướng tăng, đặc biệt một số loại trái cây đã bước vào vụ thu hoạch chính như sầu riêng, thanh long, dứa, dưa hấu, xoài, nhãn, vải… Tại một số thị trường, nhà nhập khẩu yêu cầu cao về khâu chế biến, do vậy, các doanh nghiệp và nhà sản xuất cần quan tâm đến thị hiếu của khách hàng để đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 5/2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 5,06 tỷ USD, tăng 11,2% so với tháng 5/2023; trong đó, nông sản chính 2,73 tỷ USD (tăng 14,3%).

Khánh Linh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-rau-qua-mung-it-lo-nhieu-152209.html
Zalo