EU chốt áp thuế mạnh tay với xe điện Trung Quốc

Liên minh châu Âu (EU) công bố áp thuế quan mạnh đối với xe điện Trung Quốc. Mức thuế sẽ có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày 5/7 nhưng thấp hơn đôi chút so với dự kiến ban đầu.

Ngày 4/7, Ủy ban châu Âu chính thức ra quyết định áp thuế mạnh mẽ đối với xe điện chạy bằng pin (BEV) sản xuất tại Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 5/7.

Theo đó, mức thuế đối với mỗi hãng xe sẽ có sự khác biệt, được tính toán dựa trên doanh thu hàng năm và số tiền trợ cấp nghi vấn nhận được của công ty mẹ. Khoản thuế phải này sẽ được cộng thêm vào mức thuế 10% hiện tại.

Hãng xe điện BYD phải chịu thêm khoản thuế 17,4%, Geely 19,9%, SAIC 37,6%. Các công ty xe điện khác ở Trung Quốc có hợp tác điều tra nhưng không được lấy mẫu riêng biệt là 20,8%. Các hãng không hợp tác điều tra sẽ phải chịu thuế 37,6%.

Ủy ban châu Âu chính thức ra quyết định áp thuế mạnh mẽ đối với xe điện chạy bằng pin (BEV) sản xuất tại Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 5/7. (Ảnh: Fortune)

Ủy ban châu Âu chính thức ra quyết định áp thuế mạnh mẽ đối với xe điện chạy bằng pin (BEV) sản xuất tại Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 5/7. (Ảnh: Fortune)

Trước đó vào ngày 12/5, Ủy ban châu Âu (EC) công bố kế hoạch áp thuế lên đến 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc.

Kế hoạch áp thuế xe điện Trung Quốc được ban hành sau nhiều tháng EU tiến hành điều tra về khoản trợ cấp chính phủ Trung Quốc dành cho các công ty xe điện của nước này.

Các quan chức EU cho biết, các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc được phát hiện ở mọi công đoạn, từ giai đoạn khai thác nguyên liệu thô sản xuất pin đến khâu vận chuyển sản phẩm đã hoàn thiện đến châu Âu.

Họ cho rằng, nhờ các khoản trợ cấp khổng lồ nên các nhà sản xuất Trung Quốc có thể đưa ra thị trường các sản phẩm có mức giá thấp hơn đáng kể so với ô tô lắp ráp trong EU. Thị phần ô tô Trung Quốc tại EU đã tăng từ 3,9% vào năm 2020 lên 25% vào cuối năm 2023.

Do đó các cơ quan EU cảnh báo làn sóng nhập khẩu giá rẻ này là mối đe dọa thiệt hại kinh tế, có thể gây ra thua lỗ, đe dọa hơn 12 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp. Vì vậy, cần áp thuế quan để bù đắp lợi thế do trợ cấp Trung Quốc mang lại.

Các biện pháp thuế này mang tính tạm thời cho đến đầu tháng 11, khi các cơ quan châu Âu hoàn tất điều tra và đưa ra quyết định cuối cùng về mức thuế chính thức. EU sẽ tổ chức bỏ phiếu quyết định cuối cùng. Mức thuế này chỉ có thể bị bác bỏ khi có ít nhất 15 quốc gia thành viên tán thành.

Trước mắt, cơ quan hải quan sẽ yêu cầu các nhà xuất khẩu Trung Quốc cung cấp bảo lãnh ngân hàng thay vì trả tiền mặt, do đó khách mua xe có thể không nhận thấy thay đổi trong giá tiền ngay lập tức.

Trung Quốc đã lên án gay gắt cuộc điều tra và đe dọa trả đũa đối với nông dân châu Âu, các công ty sản xuất máy bay của châu Âu và tiến hành điều tra chống bán phá giá nhằm vào ngành rượu mạnh của Pháp, ngành thịt lợn và theo chuyên gia, tiếp theo có thể là ngành sữa.

Lưu Gia Huy

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/eu-chot-ap-thue-manh-tay-voi-xe-dien-trung-quoc-192240704163333443.htm
Zalo