Giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe ô tô sản xuất lắp ráp trong nước: Cú hích duy trì sản xuất nội địa, phát huy nguồn lực trong nước

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, ngành cơ khí chế tạo của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn.

Điều này có thể nhìn thấy rõ từ thị trường ô tô năm 2023 và 4 tháng đầu năm 2024 với doanh số bán ô tô đã sụt giảm mạnh, kéo theo sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cơ khí và công nghiệp hỗ trợ trong nước khó khăn. Doanh nghiệp tiếp tục đối diện với các thách thức như gián đoạn sản xuất, đơn hàng bị sụt giảm đáng kể và khó khăn để duy trì nhịp sản xuất, nhằm đảm bảo công ăn việc làm và thu nhập cho người lao động.

Doanh số bán xe ô tô sụt giảm mạnh

Chia sẻ của Chủ tịch VAMI thể hiện sự lo ngại đối với ngành sản xuất ô tô trong nước trước sự sụt giảm doanh số. Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán ô tô 2023 của các hãng trong nước năm 2023 cũng chỉ đạt 343.827 chiếc, giảm 22% so với năm 2022 và dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục giảm sâu nếu không có các chính sách hỗ trợ kịp thời, đồng bộ từ Chính phủ. Trong đó, doanh số bán xe ô tô của Tập đoàn Thành Công trong 4 tháng đầu năm 2024 đã sụt giảm nghiêm trọng, chỉ đạt 82.515 xe, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2023 và giảm 38% so với cùng kỳ năm 2022.

 Xe ô tô lắp ráp trong nước cần cú hích mạnh để duy trì sản xuất trước thực trạng sụt giảm doanh số (ảnh Internet)

Xe ô tô lắp ráp trong nước cần cú hích mạnh để duy trì sản xuất trước thực trạng sụt giảm doanh số (ảnh Internet)

Trước thực trạng trên, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã buộc phải thực hiện các giải pháp cứu vãn trước mắt là liên tục đề ra nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi nhằm khuyến khích người tiêu dùng mua sắm. Tuy nhiên, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam đã có Công văn số 34/2024/ VAMI gửi Thủ tướng Chính phủ mới đây nêu: “Chỉ dựa vào nguồn lực và giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng doanh nghiệp sẽ là không đủ để tạo sức bật giúp thị trường ô tô hồi phục và tăng trưởng trở lại một cách ổn định và bền vững”.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 44/2024/NQ-CP đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ xem xét ban hành quy định gia hạn nhiều loại thuế (giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân, tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất trong nước…), giảm lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… nhằm mục tiêu tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện tại việc gia hạn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2024 cũng đã được triển khai với với quy mô dự kiến khoảng 8.560 tỷ đồng. Theo các chuyên gia kinh tế và đánh giá của Bộ Tài chính, quá trình triển khai thực hiện chính sách giảm mức thu lệ phí trước bạ với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được thực hiện 3 lần trước cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra khi ban hành, có tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung.

Giảm lệ phí trước bạ phát huy nguồn lực, kích thích tăng trưởng

Chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đã góp phần tăng quy mô của thị trường ô tô nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su... phù hợp với Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút khoa học công nghệ hiện đại vào Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Một yếu tố quan trọng khác được các chuyên gia xác định rằng, giảm lệ phí trước bạ vừa kích cầu, vừa giúp tăng sức tiêu thụ năng lượng được cung ứng từ 2 nhà máy lọc dầu hiện có là Dung Quất và Nghi Sơn, gián tiếp giúp hoạt động sản xuất ổn định, đóng góp nguồn thu lớn (gần 10%) cho Ngân sách Nhà nước cũng như tiếp tục triển khai được các kế hoạch đầu tư mở rộng, nâng chất lượng xăng dầu lên đạt EURO5 nhằm giảm ngay giảm phát thải trên các xe dùng động cơ xăng.

 Xe sản xuất lắp ráp trong nước đang gặp khó do doanh số sụt giảm. Ảnh minh họa

Xe sản xuất lắp ráp trong nước đang gặp khó do doanh số sụt giảm. Ảnh minh họa

Hiện tại, nhiều mẫu xe hybrid đã được đưa vào thị trường Việt Nam và đây là những con đường giúp đa dạng giảm phát thải trong ngành ô tô cho Việt Nam. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong điều kiện thúc đẩy, duy trì được sản xuất ô tô hiện tại thì các doanh nghiệp mới tiếp tục đầu tư mở rộng để sản xuất nhiều hơn xe hybrid tại Việt Nam. Chính những loại xe hybrid có lượng tiêu thụ nhiên liệu giảm 30-45% so với các mẫu xe động cơ đốt trong thông thường sẽ là đòn bẩy để giảm nhanh lượng phát thải từ ngành ô tô trong điều kiện chưa thể có thêm các nguồn điện mới xanh sạch hơn hay phải bỏ ra nhiều tiền để đầu tư hạ tầng sạc điện của quốc gia trong điều kiện kinh tế chưa dồi dào về nguồn lực.

“Đây chính là vừa giữ được sản xuất, phát triển ổn định, vừa đóng góp thiết thực và nhanh chóng về giảm phát thải cho các cam kết của Việt Nam tại COP26 mà lại phù hợp với điều kiện kinh tế thực tế của đất nước”, Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch VAMI nêu nhận định.

TRUNG KIÊN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/giam-50-le-phi-truoc-ba-cho-xe-o-to-san-xuat-lap-rap-trong-nuoc-cu-hich-duy-tri-san-xuat-noi-dia-phat-huy-nguon-luc-trong-nuoc-784029
Zalo