Xuất khẩu rau quả: Doanh nghiệp cần bình tĩnh ứng phó trước 'bão' thuế quan

Tính chung 3 tháng đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu hàng rau quả đạt hơn 1,1 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong bối cảnh đó, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành mức thuế đối ứng toàn cầu, trong đó đối với Việt Nam là 46% - thuộc top cao thế giới được dự báo sẽ gây áp lực lớn với xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - đã có trao đổi nhanh với Báo Kiểm toán về vấn đề này.

Doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả cần linh hoạt thích ứng với thị trường để giảm thiểu rủi ro. Ảnh TL

Doanh nghiệp xuất khẩu rau, quả cần linh hoạt thích ứng với thị trường để giảm thiểu rủi ro. Ảnh TL

Thưa ông, ông có nhận định ra sao về tình hình xuất khẩu rau quả trong quý I/2025 theo số liệu vừa được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố?

Vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã chính thức công bố kết quả xuất khẩu các ngành hàng nông, lâm, thủy sản với những tín hiệu tích cực, như tổng kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm 2025 đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, trong bức tranh đó, xuất khẩu rau, quả chưa đạt được như kỳ vọng.

Giá trị xuất khẩu hàng rau quả tháng 3 năm 2025 ước đạt 450 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu hàng rau quả 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,14 tỷ USD, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2024.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam. Ảnh: N.Lộc

Việc xuất khẩu rau quả sụt giảm trong quý I là bức tranh trái ngược hoàn toàn so với năm trước, khi trước đó xuất khẩu rau quả liên tục tăng từ đầu năm, giúp ngành hàng rau quả thu doanh số kỷ lục với hơn 7,1 tỷ USD vào năm 2024.

Nguyên nhân chính dẫn đến sụt giảm xuất khẩu rau quả là do mặt hàng chủ lực là sầu riêng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi của thị trường quốc tế. Đơn cử, từ đầu năm nay, Trung Quốc bất ngờ yêu cầu tất cả các lô hàng sầu riêng nhập khẩu phải có kết quả phân tích dư lượng Cadimi và chất vàng 0 tại các phòng thí nghiệm được nước này công nhận. Quy định này không chỉ áp dụng với Việt Nam mà với tất cả các nước xuất khẩu, khiến quy trình xuất khẩu trở nên phức tạp, kéo dài thời gian thông quan.

Trung Quốc hiện là thị trường tiêu thụ lớn nhất của nông sản Việt Nam, chiếm 44,5% giá trị xuất khẩu của nông sản ra nước ngoài nên những thay đổi từ thị trường này sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến giá trị xuất khẩu nông sản nói chung.

Phản ứng từ thị trường nói chung hiện nay khá hoảng loạn sau thông tin về thuế quan của Mỹ. Ảnh hưởng của vấn đề thuế quan đến xuất khẩu nông sản, rau quả của Việt Nam ra sao, thưa ông?

Theo tôi, các doanh nghiệp chưa nên quá hoang mang, lo lắng vào lúc này vì tôi cho rằng Mỹ sẽ không áp dụng mức thuế 46% cho tất cả các mặt hàng của Việt Nam đang xuất khẩu sang Mỹ mà họ sẽ lựa chọn những mặt hàng nào đang xuất siêu hoặc nghi ngờ có xuất xứ nguyên liệu từ nước thứ ba. Kết quả cụ thể về các mặt hàng bị áp thuế sẽ chính thức được Mỹ công bố dự kiến vào ngày 09/4.

Với lĩnh vực nông nghiệp, tôi cho rằng, trước mắt, chính sách thuế của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến một số mặt hàng như gỗ, thủy sản, bởi đây là các mặt hàng được xuất khẩu với giá trị lớn sang Mỹ.

Xuất khẩu rau quả sang Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 5% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam nên nguy cơ bị áp thuế là không cao. Tuy nhiên, trước những thay đổi chính sách thuế của Mỹ, các doanh nghiệp cần theo dõi thận trọng, cũng như phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất để giảm giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh và đảm bảo chất lượng của sản phẩm, tiêu chuẩn của thị trường.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam

Đối với ngành hàng rau quả, tôi cho rằng, chính sách thuế hiện nay của Mỹ không đáng lo ngại và có thể gần như không chịu ảnh hưởng. Bởi, hiện nay, cán cân thương mại đang nghiêng về phía Mỹ nên sẽ không bị áp mức thuế này. Đơn cử như năm 2024, xuất khẩu rau quả sang Mỹ của Việt Nam đạt 360 triệu USD, trong khi chúng ta nhập khẩu từ Mỹ 540 triệu USD.

Trước những thay đổi về chính sách thuế quan, từ phía Hiệp hội, ông có lời khuyên gì dành cho doanh nghiệp?

Đây không phải là lần đầu tiên Tổng thống Donald Trump ban hành các chính sách thuế quan như vậy, mà ngay từ nhiệm kỳ đầu tiên của vị Tổng thống này, nhiều chính sách thuế quan cũng đã được áp dụng cũng như thị trường Việt Nam thời điểm đó cũng có những sức ép nhất định.

Nhưng sự kiên trì, linh hoạt, mềm dẻo trong chính sách ngoại giao, cũng như năng lực của doanh nghiệp đã giúp thị trường vượt qua khó khăn.

Và lần này, tôi nghĩ cũng không ngoại lệ. Điều quan trọng lúc này là các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cần phải bình tĩnh, nắm bắt thông tin; bên cạnh đó cần chủ động chuẩn bị tài liệu chứng minh rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần đặc biệt lưu ý về những đòi hỏi, yêu cầu ngày càng cao của thị trường đối với hàng nông sản nhập khẩu. Đơn cử các quy định của EU về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm thay đổi liên tục, có những quy định đã được sửa đổi bổ sung hơn 100 lần.

Trong đàm phán với phía Mỹ, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần cố gắng bảo vệ các ngành hàng mà Việt Nam chủ động trong tự sản xuất được, đặc biệt là nông sản để đảm bảo tránh ảnh hưởng quá lớn đến đời sống của người dân

Ông Đặng Phúc Nguyên

Do đó, trong bối cảnh đầy biến động như hiện nay, các doanh nghiệp phải thực sự nhạy biến, nhanh nhạy thích ứng và điều chỉnh kịp thời trong quản lý, kinh doanh để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu nông sản của doanh nghiệp.

Ngành hàng rau, quả "nín thở" trước nguy cơ bị áp thuế. Ảnh: N.Lộc

Ngành hàng rau, quả "nín thở" trước nguy cơ bị áp thuế. Ảnh: N.Lộc

Cụ thể, doanh nghiệp phải chủ động thích ứng bằng cách tính toán, xem xét lại tất cả mọi khâu trong quá trình sản xuất, từ nguyên liệu đầu vào đến bảo quản, chế biến, chi phí logistics để giảm giá thành xuống mức thấp nhất, đảm bảo tính cạnh tranh với các quốc gia có mức thuế bị áp thấp hơn.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm; chủ động ứng phó, thích nghi với sự thay đổi từ phía các thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, các ngành chức năng, các doanh nghiệp phải chủ động, tích cực hơn nữa trong việc xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống theo hướng đa dạng hóa, tránh lệ thuộc vào một vài thị trường như trước đây.

Hiện Việt Nam đã ký 17 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia, đây cũng là thuận lợi mà các doanh nghiệp cần đặc biệt lưu tâm để khai thác, mở rộng thị trường, nơi hàng hóa Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/xuat-khau-rau-qua-doanh-nghiep-can-binh-tinh-ung-pho-truoc-bao-thue-quan-39252.html
Zalo