Vẫn có con đường giải tỏa áp lực mức thuế lên tới 46% của Mỹ

Chính phủ Việt Nam sẽ tiến hành đàm phán với Mỹ trước bối cảnh ông Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%.

Với mức thuế 46% mà ông Trump công bố ban đầu, rõ ràng gây áp lực lớn lên nhiều chỉ số kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên các chuyên gia nhận định, vẫn có con đường giải tỏa áp lực mức thuế này.

Những áp lực

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và nghiên cứu thị trường Tập đoàn VinaCapital cho biết, thị trường trước đó đều kỳ vọng mức thuế đối ứng chỉ 10% cho Việt Nam vì nhiều lý do, trong đó việc nhắm mục tiêu vào Việt Nam sẽ đi ngược lại lợi ích của nước Mỹ.

Trước đó, vào ngày 1-4, Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) cũng công bố báo cáo đánh giá về chính sách thương mại, rào cản thương mại cũng như phi thuế quan của gần 60 quốc gia, trong đó khẳng định rằng, phần lớn hàng xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam chỉ chịu mức thuế từ 15% trở xuống.

Ngoài ra, phân tích từ Bloomberg và các nguồn đáng tin cậy khác cũng cho rằng thuế nhập khẩu của Việt Nam đối với hàng hóa từ Mỹ chỉ cao hơn khoảng 7 điểm phần trăm so với thuế nhập khẩu của Mỹ áp lên hàng hóa từ Việt Nam. Mức chênh lệch về thuế nhập khẩu giữa hai nước là tương đương nhau nếu tính tỉ trọng kim ngạch nhập khẩu theo hàng hóa làm trọng số.

Trên thị trường chứng khoán, chỉ số VN-Index đã giảm gần 7% trong phiên 3-4, với lực bán trải đều trên toàn thị trường, cho thấy nhà đầu tư vẫn cần thêm thời gian và thông tin để đánh giá tác động thực sự của chính sách này đến nền kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết.

 DN có thể gia tăng tìm các thị trường mới để giảm ảnh hưởng bởi thuế mới của Mỹ. Ảnh: MP

DN có thể gia tăng tìm các thị trường mới để giảm ảnh hưởng bởi thuế mới của Mỹ. Ảnh: MP

Tuy nhiên, ngày 2-4, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lên tới 46%.

Các nhà đầu tư và các doanh nghiệp lớn tại Mỹ không dự báo mức thuế của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ cao hơn đáng kể so với mức 10%, và đã không đẩy mạnh nhập khẩu từ Việt Nam từ trước thời điểm công bố mức áp thuế, nhưng đã tăng cường nhập khẩu từ Trung Quốc và ô tô từ EU.

Tiến sĩ Chu Thanh Tuấn, Phó chủ nhiệm nhóm ngành cử nhân kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam nhận định, tác động trực tiếp đến Việt Nam là rất rõ nét. Các ngành xuất khẩu chủ lực, bao gồm dệt may, điện tử, da giày, thủy sản và đồ gỗ, đều phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ.

Gần 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam hướng đến người tiêu dùng Mỹ. Việc áp thuế ở mức từ 10% đến 40% có thể làm xói mòn lợi thế cạnh tranh về giá, dẫn đến nguy cơ bị hủy đơn hàng và buộc doanh nghiệp hoặc phải chấp nhận giảm biên lợi nhuận hoặc phải chuyển hoạt động sản xuất sang khu vực khác.

Thuế quan nhắm vào hàng Việt Nam xuất đi Mỹ có thể gây gián đoạn trên toàn bộ chuỗi cung ứng, làm tăng chi phí đầu vào và làm giảm nhu cầu trên nhiều lĩnh vực trong nước.

Tác động gián tiếp cũng không kém phần lo ngại, bao gồm: Gián đoạn chuỗi cung ứng, khi người mua từ phía Mỹ cắt giảm đơn hàng hoặc yêu cầu đàm phán lại mức giá; sụt giảm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đặc biệt từ các nhà sản xuất định hướng xuất khẩu; ảnh hưởng dây chuyền tới các lĩnh vực trong nước như logistics, tài chính, đóng gói và tuân thủ quy chuẩn; và biến động tỉ giá, bắt nguồn từ tâm lý thị trường bất ổn và áp lực vĩ mô gia tăng.

Linh hoạt

Tâm điểm sắp tới sẽ là cách Việt Nam đối thoại với Mỹ và các đối tác thương mại lớn khác để giảm thiểu tác động ngắn hạn và dài hạn của mức thuế đối ứng này.

Theo ông Michael Kokalari, phản ứng ban đầu của các chuyên gia về đàm phán thương mại đều cho rằng cho rằng mức thuế đối ứng 46% chỉ là điểm khởi đầu trong chiến lược đàm phán của chính quyền Tổng thống Trump, và dự kiến sẽ có các cuộc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ sẽ diễn ra trong những tuần tới về vấn đề này.

Tuy nhiên, ngay cả trong giới chuyên gia cũng chưa có sự đồng thuận về mức thuế cuối cùng mà Việt Nam có thể phải đối mặt. Với việc ông Trump đưa ra mức khởi điểm rất cao trong đàm phán, rất khó để hình dung rằng con số cuối cùng có thể thấp hơn 25%.

“Do đó, Việt Nam cần khẩn trương nhập khẩu hàng hóa nhiều hơn từ Mỹ. Trước đó, chúng tôi đã nghe từ các nguồn tin thứ cấp cho biết giới chức chính quyền Tổng thống Trump đánh giá cao các nỗ lực ban đầu của Việt Nam trong việc giảm thâm hụt thương mại song phương.

Bước đầu, thông tin tích cực trong ngành năng lượng khi Việt Nam sẽ nhanh chóng nhập khẩu khoảng 35 tỉ USD khí hóa lỏng (LNG) mỗi năm bằng cách sử dụng các tàu chứa khí hóa lỏng nổi (Floating Storage Regasification Units - FSRU) vì việc xây dựng các cảng LNG có thể sẽ mất nhiều năm” – ông Michael Kokalari nói.

Tiến sĩ Scott McDonald, Đại học RMIT khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam có thể cân nhắc nhiều cách tiếp cận khác nhau để điều hướng môi trường thuế quan mới này. Họ có thể đẩy nhanh nỗ lực đa dạng hóa thị trường để giảm sự phụ thuộc vào hàng xuất khẩu sang Mỹ.

Việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do mang lại những giải pháp thay thế tiềm năng.

Doanh nghiệp có thể tận dụng các khuôn khổ thương mại hiện có bao gồm: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cung cấp quyền được ưu tiên tiếp cận các thị trường như Nhật Bản, Canada, Australia và New Zealand.

Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cung cấp các khoản giảm và miễn thuế quan cho nhiều sản phẩm của Việt Nam khi nhập khẩu vào Liên minh châu Âu.

Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại với các nước láng giềng ASEAN và các thị trường châu Á khác. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) duy trì quyền tiếp cận ưu đãi vào thị trường Anh.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể đánh giá liệu sản phẩm của họ có thể được phân loại lại theo các mã thuế quan khác, hoặc có thể điều chỉnh nguồn cung ứng linh kiện để giảm thiểu tác động từ thuế quan của Mỹ hay không.

Việc chính quyền Mỹ tập trung vào “các rào cản phi thuế quan” được đề cập trong thông báo cho thấy các cuộc đàm phán thương mại có thể tiếp tục. Theo tuyên bố của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã nói với các quốc gia phải đối mặt với thuế rằng họ “hãy chấm dứt thuế, dỡ bỏ rào cản”. Điều này chỉ ra những hướng đi tiềm năng để điều chỉnh cách ứng phó trong tương lai.

Doanh nghiệp cũng có thể tìm hiểu và thiết lập quan hệ đối tác sản xuất ở các quốc gia chịu mức thuế thấp hơn hoặc được miễn khỏi khuôn khổ thuế quan mới.

“Với việc Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent kêu gọi không trả đũa và nhấn mạnh tiềm năng đàm phán, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước quyết định phức tạp về cách lập kế hoạch tài chính. Các tác động tài chính ngắn hạn phải được cân bằng với định vị chiến lược dài hạn, trong đó cần đặc biệt lưu ý đến việc quản lý dòng tiền trong giai đoạn điều chỉnh chính sách thương mại hiện nay” - tiến sĩ Scott McDonald nói.

PHƯƠNG MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/van-co-con-duong-giai-toa-ap-luc-muc-thue-len-toi-46-cua-my-post842546.html
Zalo