Xuất khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2023

Theo thông tin từ Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn, kim ngạch xuất, nhập khẩu từ đầu năm đến cuối tháng 8/2024 đạt hơn 40,4 tỉ USD, tăng 22,73% so với cùng kỳ năm 2023.

Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ tăng năng lực thông quan lên gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay vào năm 2030. Ảnh: Bích Nguyên

Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) được kỳ vọng sẽ tăng năng lực thông quan lên gấp 4-5 lần so với thời điểm hiện nay vào năm 2030. Ảnh: Bích Nguyên

Số liệu thống kê cho thấy, tổng lượng phương tiện chở hàng hóa xuất, nhập khẩu thông quan qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn trong tuần qua là hơn 8.800 xe, tương đương so với tuần trước đó, trong đó, số xe chở hàng xuất khẩu là 2.417 xe giảm 7%; số xe chở hàng nhập khẩu 6.410 xe tăng 3,2%.

Tính chung, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu các loại hình trong tuần đạt 1.183 triệu USD. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu mở tờ khai tại Cục Hải quan tỉnh trong tuần đạt 116 triệu USD (trong đó: Kim ngạch xuất khẩu đạt 68,1 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 47,9 triệu USD), giảm 4,88% so với tuần trước. Lũy kế từ ngày 1/1 đến 29/8/2024 kim ngạch xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn đạt hơn 40,4 tỉ.

Để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa qua cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, ngày 17/8/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đã ký Quyết định số 865/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 thuộc cặp cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc).

Theo đó, việc triển khai thí điểm xây dựng cửa khẩu thông minh áp dụng hình thức giao nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu mới dựa trên cơ sở ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại vào quy trình thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hóa, xuất nhập cảnh phương tiện vận tải trong quá trình giao, nhận hàng hóa xuất, nhập khẩu. Phấn đấu xây dựng Lạng Sơn sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ, du lịch và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, đồng thời là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác; xây dựng cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”, cửa khẩu đường bộ tiên tiến nhất ASEAN phát triển dựa trên ứng dụng công nghệ cao, có hệ thống giao thông đường bộ hiện đại kết nối với cảng biển, sân bay; hình thành trung tâm thương mại giao thương hàng hóa đường bộ lớn nhất của Việt Nam với các nước ASEAN, Trung Quốc và ngược lại.

Đề án đạt mục tiêu phấn đấu đến năm 2027, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 2-3 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 800-1.200 xe/ngày.

Phấn đấu đến năm 2030, nâng cao năng lực thông quan tại đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 và đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 gấp 4 đến 5 lần so với thời điểm hiện nay. Đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 tăng từ 800 xe/ngày lên 3.000-3.500 xe/ngày; đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 tăng từ 400 xe/ngày lên 2.000-2.500 xe/ngày. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tất cả các loại hình qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1119-1120 đạt khoảng 85 tỷ USD, qua đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa khu vực mốc 1088/2-1089 đạt khoảng 25 tỷ USD.

Các mặt hàng lựa chọn thực hiện thí điểm thông quan theo mô hình cửa khẩu thông minh bao gồm: Mặt hàng hoa quả, linh kiện điện tử xuất khẩu của Việt Nam, các nước ASEAN và mặt hàng linh kiện điện tử nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong thời gian thí điểm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục trao đổi với phía Trung Quốc mở rộng các mặt hàng xuất nhập khẩu để đảm bảo mục tiêu, hiệu quả của Đề án.

Thời gian thực hiện Đề án: Từ Quý III/2024 đến hết Quý III/2029. Trong đó, giai đoạn 1 (xây dựng cơ sở hạ tầng): Từ Quý III/2024 đến hết Quý II/2026; giai đoạn 2 (thực hiện thí điểm): Từ Quý III/2026 đến hết Quý III/2029.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xuat-khau-qua-cac-cua-khau-tinh-lang-son-tang-hon-22-so-voi-cung-ky-nam-2023-post480190.html
Zalo