Thủ tướng lưu ý không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm trong các dự án luật

Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý việc xây dựng pháp luật phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm.

Ngày 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 9-2024.

Kết luận chung phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay tại kỳ họp thứ 8, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội thông qua 15 dự án luật, trình Quốc hội cho ý kiến 10 dự án luật. Đây là khối lượng công việc rất lớn, do đòi hỏi của thực tiễn trong khi phải dành thời gian, công sức cho nhiều nhiệm vụ quan trọng khác.

Không để xảy ra tình trạng khoảng trống pháp lý

Lưu ý thêm, Thủ tướng cho rằng quá trình xây dựng, hoàn thiện các dự án Luật phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; đổi mới tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động được các nguồn lực, tạo không gian phát triển mới cho đất nước trong giai đoạn mới.

Xây dựng pháp luật phải xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, bám sát thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo. Đồng thời, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mọi chính sách phải hướng tới người dân và doanh nghiệp, khuyến khích người dân và doanh nghiệp, các chủ thể liên quan tham gia đóng góp xây dựng, hoàn thiện pháp luật…

 Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc xây dựng pháp luật cần tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc xây dựng pháp luật cần tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ việc xây dựng các dự án luật cần cố gắng chuẩn bị, trình trong thời gian ngắn nhất có thể, đáp ứng kịp thời các diễn biến nhanh chóng và yêu cầu cấp bách của thực tiễn; nỗ lực, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc pháp lý trong thực tiễn và trình bày, lập luận thuyết phục, tạo sự đồng thuận của xã hội, người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng.

Đồng thời, xây dựng quy định phải rõ ràng nhưng không quá cứng nhắc; tăng cường phân cấp, phân quyền triệt để, đồng thời huy động, phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế công cụ để tăng cường giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực.

Cùng với đó, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính góp phần giảm chi phí cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xóa bỏ cơ chế xin- cho, giảm các khâu trung gian.

Ông cũng lưu ý việc kiểm soát quyền lực; không để xảy ra tình trạng cài cắm quy định lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ hoặc tạo môi trường cho tham nhũng, tiêu cực trong các dự án luật.

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý, vướng mắc gây khó khăn cho địa phương, doanh nghiệp, người dân, ảnh hưởng đến hiệu lực thi hành của luật do chậm ban hành văn bản quy định chi tiết.

Mạnh dạn thí điểm những vấn đề mới

Về nội dung cụ thể, trong buổi sáng, Chính phủ cho ý kiến về hai dự án luật do Bộ KH&ĐT chủ trì xây dựng, gồm: Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật PPP và Luật Đấu thầu.

Buổi chiều, Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Tài chính và hai đề nghị xây dựng luật.

Dự án luật do Bộ Tài chính chủ trì xây dựng là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Chứng khoán, Luật Quản lý thuế.

Hai đề nghị xây dựng Luật gồm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Luật Báo chí (sửa đổi).

 Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý. Ảnh: NHẬT BẮC

Thủ tướng yêu cầu việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh phải kịp thời, không để xảy ra khoảng trống pháp lý. Ảnh: NHẬT BẮC

Với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thủ tướng Phạm Minh Chính lưu ý quá trình xây dựng luật này cần thể chế hóa kịp thời, đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng về công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Thủ tướng nhấn mạnh cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện, luật hóa.

Những vấn đề mới, chưa chín, chưa rõ, chưa có quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội.

Những vấn đề đang trong quá trình vận động, chưa rõ ràng, thực tiễn đang biến động, hay những vấn đề cụ thể cấp bách cần xử lý trong phạm vi hẹp, thời gian ngắn thì đề xuất giao Chính phủ căn cứ tình hình thực tế để quy định, hướng dẫn bảo đảm linh hoạt, phù hợp.

Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý tăng cường phân cấp, phân quyền trong công tác xây dựng pháp luật, gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu; cắt giảm tối đa thủ tục rườm rà, không cần thiết, làm chậm tiến độ soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Đề xuất năm 2025 sửa đổi toàn diện Luật Báo chí

Liên quan đến đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) do Bộ TT&TT chủ trì xây dựng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh cần bám sát và thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về quản lý và phát triển hoạt động báo chí.

Ông yêu cầu sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Báo chí hiện hành nhằm khắc phục vướng mắc, bất cập, bảo đảm phù hợp thực tiễn; thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực báo chí phù hợp với tình hình thực tiễn, xu hướng chuyển đổi số báo chí và giữ vững bản chất, phát huy vai trò báo chí cách mạng.

Thủ tướng cũng nhắc tới yêu cầu hoàn thiện các cơ quan báo chí chuyên nghiệp, hiện đại, giữ vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội.

Mục tiêu là xây dựng các cơ quan báo chí chủ lực, truyền thông đa phương tiện phục vụ đắc lực, hiệu quả lợi ích quốc gia, dân tộc.

Cạnh đó, nâng cao chất lượng người làm báo, lãnh đạo cơ quan báo chí; đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí; xây dựng cơ chế, chính sách để bảo đảm cho các cơ quan báo chí hoàn thành sứ mệnh, nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao trong công tác thông tin tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Luật sửa đổi cũng cần khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan báo chí tăng cường tiềm lực, cơ sở vật chất, có thêm nguồn thu nhập hợp pháp, chính đáng cho các cơ quan báo chí và người hoạt động báo chí; khen thưởng, kỷ luật kịp thời, phù hợp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thừa ủy quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung Đề nghị xây dựng Luật Báo chí (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, trình Quốc hội trong năm 2025.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/thu-tuong-luu-y-khong-de-xay-ra-tinh-trang-cai-cam-quy-dinh-loi-ich-nhom-trong-cac-du-an-luat-post810104.html
Zalo