Xuất khẩu nông sản sang EU: Không phải lượng mà là chất

Nhu cầu hàng hóa, nông sản của thị trường EU là rất lớn, tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất để đưa được hàng vào châu Âu đó là tiêu chuẩn, chất lượng.

Thị trường cao, tiêu chuẩn lớn

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo đến các thị trường lớn, trong đó có thị trường EU, chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Phạm Thái Bình, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho biết, hiện các đơn hàng xuất khẩu đến thị trường EU khá đều. Thị phần gạo xuất khẩu vào EU của công ty chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của công ty, tuy nhiên so với tổng lượng gạo Việt Nam xuất khẩu sang EU, con số này vẫn còn khiêm tốn.

Việt Nam hiện đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU. Ảnh minh họa

Việt Nam hiện đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU. Ảnh minh họa

“Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất khẩu hàng chục container gạo sang thị trường EU. Các đơn hàng được duy trì đều đặn hằng tháng nhằm đảm bảo nguồn cung ổn định cho khách hàng tại thị trường này suốt cả năm", ông Phạm Thái Bình nói.

Gạo Việt xuất khẩu đến thị trường EU chủ yếu phục vụ cho cộng đồng người Việt Nam. Người châu Âu cũng đã sử dụng nhiều gạo hơn trong thực đơn bữa ăn của mình. Mỗi năm, thị trường này nhập khẩu trên 2 triệu tấn gạo.

Theo ông Phạm Thái Bình, tiếp cận thị trường này từ khá lâu, nhưng khối lượng gạo xuất khẩu tăng nhanh từ khoảng năm 2020 đến nay. Trong thời gian vừa qua, dù thị trường gạo xuất khẩu có nhiều biến động, nhưng vì doanh nghiệp lựa chọn phân khúc gạo chất lượng cao, do đó, mức giá và khối lượng xuất khẩu khá ổn định. Giá gạo xuất khẩu đến thị trường EU chưa khi nào ở mức dưới 700 USD/tấn, trong đó, riêng với gạo ST đạt mức xấp xỉ 1.200 USD/tấn.

Dù mức giá này cao so với các loại gạo xuất khẩu của Việt Nam nhưng so với mức giá gạo của nhiều nước xuất khẩu gạo vào EU, đây là mức giá bình thường, thậm chí là hơi thấp.

Theo ông Phạm Thái Bình, điều quan trọng nhất để đưa hàng vào châu Âu đó là tiêu chuẩn, chất lượng. Việc này đòi hỏi ngành hàng lúa gạo Việt Nam phải phát triển một cách bền vững. Điều này đồng nghĩa phải sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của EU và chúng ta phải bắt đầu từ ngay khâu sản xuất.

So với các nước xuất khẩu gạo khác như Ấn Độ và Thái Lan, Việt Nam có thể cạnh tranh lớn nhất ở thị trường EU nhờ việc đã ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Dù vậy, theo ông Phạm Thái Bình, việc ký kết EVFTA giúp giảm hàng rào thương mại hay những ưu đãi về thuế quan, nhưng nếu gạo không đạt tiêu chuẩn của thị trường cũng sẽ không vào được.

“Thị trường EU có thể chấp nhận nhập khẩu gạo có phẩm cấp cao với giá lên đến 2.000 USD/tấn, nhưng bù lại, họ yêu cầu về chất lượng, vấn đề an toàn thực phẩm rất cao. Do đó, doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của EU mới đạt được các hợp đồng bán gạo có giá trị cao và trong thời gian dài”, ông Phạm Thái Bình nói.

Xây dựng chiến lược dài hạn cho thị trường EU

Theo cam kết từ Hiệp định EVFTA, EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo mỗi năm. Đặc biệt, liên minh sẽ tự do hóa hoàn toàn đối với gạo tấm, cam kết này giúp Việt Nam có thể xuất khẩu ước khoảng 100.000 tấn vào khối mỗi năm.

Đối với sản phẩm từ gạo, EU sẽ đưa thuế suất về 0% sau 3-5 năm. Điều này mở ra cơ hội để gạo Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khác khi xuất khẩu vào EU. Hiện, Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ 8 trong số các thị trường ngoại khối cung cấp gạo cho EU.

Đáng chú ý, sau 5 năm thực thi EVFTA, xuất khẩu hàng hóa nói chung từ Việt Nam sang EU tăng trưởng mạnh nhờ ưu đãi thuế quan. Năm 2024, Việt Nam duy trì xuất siêu với EU đạt mức cao nhất trong các FTA mà Việt Nam tham gia.

Cơ hội thị trường cho nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng tại thị trường EU là rất lớn. Tuy nhiên, theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, đối với thị trường có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm rất cao như EU, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm cần tăng cường cập nhật thông tin và kịp thời đáp ứng các quy định mới liên quan. Đây là điều kiện tiên quyết để tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa của Việt Nam.

Bên cạnh sự nỗ lực từ chính các doanh nghiệp, ông Ngô Xuân Nam đề xuất, các cơ quan chức năng phải tăng cường cập nhật thông tin và phổ biến các tiêu chuẩn mới của EU đến người sản xuất. Bên cạnh đó, cần có văn bản hướng dẫn chi tiết về thủ tục xuất khẩu, ghi nhãn, chứng nhận an toàn thực phẩm… tới các cơ sở chế biến, đóng gói và doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm.

Các bên liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chuỗi cung ứng, vùng nguyên liệu, các khâu sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, đóng gói, vận chuyển nhằm đảm bảo đáp ứng quy định về các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật.

Trong dài hạn, cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp về nâng cao nhận thức, tổ chức hệ thống SPS Việt Nam, cơ chế chính sách, nguồn lực, hợp tác quốc tế... đặc biệt là xây dựng kế hoạch và chiến lược dài hạn cho thị trường EU.

Các chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, sản xuất cần gắn với thị trường. Do đó, cần xây dựng bộ tiêu chí phân loại thị trường xuất khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực. Đồng thời, cần xây dựng các vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu gắn với nâng cao năng lực chế biến và liên kết theo chuỗi giá trị.

EU là thị trường khó tính. Thị trường này dành cho những doanh nghiệp có lối làm ăn chuyên nghiệp, bài bản. Những yêu cầu cao, chặt chẽ không phải là rào cản mà là tiêu chuẩn thị trường. Một khi đáp ứng tốt, đây chính là ‘thương hiệu’ để doanh nghiệp khẳng định vị thế của mình tại thị trường EU.

Ưu thế gạo thơm và chất lượng cao được ưa chuộng tại các thị trường cao cấp như EU, Hoa Kỳ, và Nhật Bản;… đang là lợi thế cho gạo Việt.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/xuat-khau-nong-san-sang-eu-khong-phai-luong-ma-la-chat-385779.html
Zalo