Xuất khẩu nông sản khởi sắc

Theo Bộ NN-PTNT, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 7 tháng đầu năm 2024 của nước ta đạt 34,27 tỷ USD. Trong đó, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT tiếp tục khuyến cáo doanh nghiệp (DN) cần thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt để giảm thiểu rủi ro khi xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế.

 Người dân Bình Phước thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024

Người dân Bình Phước thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024

Tiêu biểu cho các mặt hàng nông sản xuất khẩu là cà phê, hiện đã xuất khẩu đến hơn 80 quốc gia và trong 7 tháng qua thu về hơn 3,1 tỷ USD. Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho biết, hiện Việt Nam là quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu (sau Brazil) và ngày càng được thế giới biết đến, công nhận.

Giá cà phê xuất khẩu đã tăng lên đáng kể và nửa đầu năm nay đạt mức bình quân 3.550 USD/tấn (cùng kỳ năm trước chỉ 2.400 USD/tấn). Sản phẩm nông sản xuất khẩu tiêu biểu tiếp theo là hồ tiêu. Sau nhiều năm có kim ngạch xuất khẩu sụt giảm, trong 7 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hạt tiêu các loại đạt khoảng 162.000 tấn, đem về 746 triệu USD.

Trong khi đó, thống kê từ Hiệp hội Rau quả Việt Nam, 7 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu rau quả nước ta ước đạt hơn 3,8 tỷ USD, tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, dự tính xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

“Điều này cho thấy chất lượng rau quả Việt Nam ngày càng tốt hơn, đáp ứng các yêu cầu của thị trường xuất khẩu”, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhận định. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản..., trong tương lai, Đông Bắc Á là thị trường chiến lược của rau quả Việt Nam.

Có sự khởi sắc trong xuất khẩu nông sản, tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo DN cần quan tâm hơn nữa đến chất lượng để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường quốc tế.

Tại một hội nghị của Bộ NN-PTNT tổ chức tại TPHCM hồi đầu tháng 8, TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ NN-PTNT) chia sẻ, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận sự gia tăng bất thường về số lượng cảnh báo từ Liên minh châu Âu (EU), với tổng cộng 57 cảnh báo, tăng hơn 80% so với cùng kỳ năm 2023. Sự gia tăng cảnh báo này dẫn đến việc EU tăng cường tần suất kiểm tra biên giới đối với nông sản xuất khẩu từ Việt Nam.

Hiện tại, 4 mặt hàng nông sản phải chịu sự kiểm soát nghiêm ngặt hơn, bao gồm thanh long, ớt, đậu bắp và sầu riêng. EU định kỳ rà soát và áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra và quản lý nhập khẩu mỗi 6 tháng. Do đó, nếu không có giải pháp kịp thời, nông sản xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ bị tăng cường kiểm tra biên giới theo quy định của EU, ảnh hưởng đến tiến trình xuất khẩu và sự cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Để đảm bảo việc xuất khẩu nông sản và thủy sản từ Việt Nam sang EU không gặp phải các vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, DN cần chú ý kiểm soát các hoạt chất và vi sinh vật được khuyến cáo bởi các cảnh báo từ EU. Ông Lương Ngọc Quang, Phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, khi một mặt hàng được thị trường mới chấp nhận sẽ mở ra cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu và khẳng định vị thế cho nông sản Việt Nam.

Tuy nhiên, quá trình đàm phán để mở cửa thị trường không hề đơn giản, mất rất nhiều thời gian và công sức. Với một số mặt hàng, thời gian đàm phán, đánh giá rủi ro lên tới 3-5 năm, thậm chí lâu hơn để ký được nghị định thư. Do đó, khi đã mở được cửa, người sản xuất và DN xuất khẩu phải tuyệt đối tuân thủ các tiêu chuẩn mà nước nhập khẩu đưa ra, tránh trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh”.

Trong nửa đầu năm 2024, hệ thống RASFF (Hệ thống thông tin về an toàn thực phẩm và thức ăn) ghi nhận tổng cộng 2.708 cảnh báo, trong đó Việt Nam nhận 57 cảnh báo, chiếm tỷ lệ 2,1%. Mặc dù tỷ lệ này nằm ở mức trung bình so với các quốc gia trong khu vực, nhưng nếu so với khi Việt Nam chỉ nhận 67 cảnh báo từ EU trong cả năm 2023, thì cho thấy sự gia tăng đáng kể.

ĐỨC TRUNG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/xuat-khau-nong-san-khoi-sac-post753684.html
Zalo