Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 có tiềm năng nhưng thận trọng

Mặc dù có nhiều dư địa tăng trưởng nhưng thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 sẽ có nhiều thách thức và biến động khó lường nên các doanh nghiệp thận trọng bởi việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn.

Nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025

Theo ông Ngô Hồng Phong – Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu (XK). Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%, trong khi đó, kim ngạch XK nông lâm thủy sản (NLTS) ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023, với 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch XK trên 1 tỷ USD.

Đạt kết quả này này là nhờ sự đóng góp tích cực của các hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường, đưa thuế quan nhiều mặt hàng xuống thấp hoặc về 0%. Cùng với đó, công tác đàm phát mở cửa thị trường, xúc tiến thương mại cũng được các bộ, ngành tích cực triển khai, giúp NLTS Việt Nam ngày càng vươn xa. Đây cũng là tín hiệu tích cực, là cơ sở để XK NLTS Việt Nam kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong năm 2025.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 ước đạt trên 62 tỷ USD. Anhr: TL

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2024 ước đạt trên 62 tỷ USD. Anhr: TL

TS. Nguyễn Anh Phong - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn dự báo, XK các nhóm hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt trong quý I/2025. Nguyên nhân do nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn.

Trong năm 2024, các thị trường đưa ra 1.029 thông báo về an toàn thực phẩm, bình quân 1 ngày văn phòng SPS phải ra 3 thông báo, có thông báo ra hàng trăm trang. Quy định về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật với các sản phẩm khác, như thanh long, cà phê... đều khác.

Đánh giá thêm về thị trường XK NLTS năm 2025, TS. Nguyễn Anh Phong cho rằng, Hoa Kỳ là địa bàn có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thủy sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu và đặc biệt là những loại trái cây nhiệt đới.

"Hoa Kỳ còn nhiều dư địa cho trái cây Việt Nam mở rộng và phát triển, đặc biệt các loại rau quả, thực phẩm hữu cơ có lợi cho sức khỏe, các loại trái cây lệch mùa vụ, trái cây nhiệt đới mà sản lượng trong nước hạn chế..." - ông Phong nói.

Nhu cầu tiêu thụ rau quả và thủy sản ở Trung Quốc cũng được dự đoán tăng mạnh, rau quả tăng 6,64%/năm và thủy sản tăng 7,56%/năm trong giai đoạn 2024 - 2029. Với vị trí địa lý thuận lợi, các nông sản của Việt Nam như rau, trái cây, thủy sản... vận chuyển đến Trung Quốc vẫn giữ được chất lượng tự nhiên và độ tươi ngon với giá cả hợp lý. Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu lượng lớn cao su, sắn do nguồn cung trong nước hạn chế.

Ngoài ra, đối với các thị trường XK truyền thống, những năm tới nông sản Việt Nam cũng có thêm cơ hội trong mở rộng thị trường XK sang những khu vực tiềm năng như Trung Đông và cả một số nước châu Phi.

Doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là

Tuy nhiên ông Ngô Hồng Phong nhận định, trong thời gian tới, XK NLTS sẽ gặp không ít thách thức, khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu; trong khi thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh, bền vững.

Đối với thị trường Hoa Kỳ, TS Nguyên Anh Phong cũng nhấn mạnh, thời gian tới những biến động về chính trị, xung đột quân sự và đặc biệt là việc Tổng thống Donand Trump tái đắc cử sẽ đặt ra nhiều thách thức. Đó là các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh, bền vững đang đặt ra cho nhiều quốc gia XK NLTS, trong đó có Việt Nam.

Đối với Trung Quốc, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc Nông Đức Lai cho biết, tại thị trường này, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia (vùng lãnh thổ) có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Nhóm hàng thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.

Ông Nông Đức Lai khuyến cáo các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chất lượng hàng XK. Đồng thời, thường xuyên cập nhật, phổ biến thông tin đến doanh nghiệp về quy định, tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm của nước nhập khẩu.

Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: TL

Năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu. Ảnh: TL

Đối với các doanh nghiệp cần phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...

Cũng theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, nhiều sản phẩm XK của Việt Nam hiện đã khẳng định được thương hiệu tại nhiều thị trường lớn trên thế giới nhưng các doanh nghiệp cần tránh tâm lý chủ quan, lơ là và làm nghiêm túc hơn từ khâu sản xuất, chế biến đến XK. Việc tìm kiếm, mở cửa được các thị trường đã khó, việc giữ thị trường sẽ càng khó hơn, vì vậy các doanh nghiệp cần làm ăn bài bản, chuyên nghiệp ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu.

Để tận dụng được các cơ hội XK trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Từ đó giúp đảm bảo sản xuất, nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào để góp phần kiểm soát lạm phát. Đặc biệt, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ tập trung tháo gỡ và mở thêm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như các nước Hồi giáo Halal, Trung Đông, châu Phi.../.

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, cung cấp thông tin về thị trường

Các hiệp hội, doanh nghiệp nông nghiệp kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành, các địa phương cần tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến thương mại, thường xuyên cung cấp các thông tin về thị trường, cập nhật các quy định mới của các đối tác nhập khẩu.

Nam Khánh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2025-co-tiem-nang-nhung-than-trong-166846.html
Zalo