Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2024: Không 'ngủ quên' sau chiến thắng

Năm 2024, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt kỷ lục cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn vào năm 2025.

Năm 2024, xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản dự báo cán mốc 62 tỷ USD.

Năm 2024, xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản dự báo cán mốc 62 tỷ USD.

Xuất khẩu ngành đạt kỷ lục

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sau 11 tháng đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Con số này đã vượt qua mục tiêu Chính phủ giao từ đầu năm (54 - 55 tỷ USD).

Đây là thành tích nổi bật mà ngành nông, lâm, thủy sản đạt được. Dự tính, hết năm 2024 sẽ cán mốc 62 tỷ USD. Năm 2025, Việt Nam kỳ vọng vào sự tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực này.

Năm 2024, ngành nông nghiệp Việt Nam bứt phá về sản xuất và xuất khẩu. Giá trị sản xuất tăng trưởng trên 3,2%; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước cán mốc 62 tỷ USD tăng trên 18% so với năm 2023. Đáng chú ý, thặng dư thương mại ước đạt 18,6 tỷ USD, tăng trưởng 53,1%. Có 11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Trong đó, có 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 16,1 tỷ USD; rau quả ước 7,1 tỷ USD; gạo ước 5,7 tỷ USD; cà phê ước 5,4 tỷ USD, hạt điều 4,3 tỷ USD; tôm 3,8 tỷ USD và cao su ước 3,2 tỷ USD.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, nếu duy trì được kim ngạch sẽ cán mốc 62 tỷ USD trong năm 2024.

Thị phần xuất khẩu ngành nông nghiệp tại thị trường Mỹ chiếm 21,7%, tại Trung Quốc chiếm 21,6% và tại Nhật Bản chiếm 6,6%. Đây là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. So với cùng kỳ năm 2023, giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ tăng 24,6%, Trung Quốc tăng 11% và Nhật Bản tăng 5,5%.

Đáng chú ý, năm 2024, các mặt hàng xuất khẩu rau quả đạt 6,6 tỷ USD; xuất khẩu gạo đạt 8,5 triệu tấn, giá trị 5,31 tỷ USD; xuất khẩu cà phê đạt gần 1,2 triệu tấn, giá trị 4,84 tỷ USD; xuất khẩu hạt điều đạt 674.200 tấn, giá trị 4 tỷ USD...

TS Nguyễn Anh Phong, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định: Quý I/2025, xuất khẩu hàng nông sản có thể tăng trưởng tốt.

“Dẫn chứng tại thị trường Mỹ, đây là quốc gia có dân số đông và nhu cầu tiêu dùng cao nên các mặt hàng còn nhiều dư địa tăng trưởng, nhất là thủy sản, đồ gỗ, cà phê, tiêu, trái cây nhiệt đới. Nhu cầu nhập khẩu lương thực, thực phẩm của thế giới có thể tăng do nguồn cung bị đứt gãy ở nhiều quốc gia bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, cạnh tranh thương mại giữa các nước lớn”, TS Nguyễn Anh Phong phân tích.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết: Năm 2025, triển vọng xuất khẩu ngành thủy sản rất khả quan.

“Tuy nhiên, để đạt mục tiêu thì đòi hỏi các doanh nghiệp phải thích nghi với những quy định và yêu cầu mới từ các thị trường. Từ năm 2023 đến nay, các ngân hàng đã triển khai 3 gói tín dụng cho thủy sản. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp chuẩn bị kế hoạch sản xuất và xuất khẩu trong năm tới”, ông Nam nói.

 Dự báo năm 2025, xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng mạnh hơn.

Dự báo năm 2025, xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản tăng trưởng mạnh hơn.

Giữ đà tăng trưởng, tránh chủ quan

Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại thị trường Trung Quốc khẳng định, Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng thủy sản, nước trái cây, bánh các loại bị cảnh báo nhiều nhất.

Được biết, Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu ngành nông, lâm, thủy sản lớn thứ 2 của Việt Nam. Cơ hội để sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường 1,4 tỷ dân này còn rất nhiều.

Tham tán Nông Đức Lai đưa ra khuyến cáo, doanh nghiệp Việt Nam cần tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của nước nhập khẩu; chú trọng xây dựng thương hiệu; cần có nhân lực hiểu biết chuyên môn, thông thạo ngôn ngữ, am hiểu thị trường nước nhập khẩu...

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, những xung đột về địa chính trị sẽ là một trong những thách thức lớn cần phải được tính toán. Mặt khác, các chính sách bảo hộ về thuế quan, về kinh tế xanh… được áp dụng tại nhiều quốc gia đối với mặt hàng nông, lâm, thủy sản sẽ là rào cản.

Bộ NN&PTNT cho biết, nhiều sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam hiện đã tạo được chỗ đứng và có thương hiệu tại các thị trường lớn trên thế giới. Vì vậy, Bộ NN&PTNT cho biết, các doanh nghiệp cần nghiêm túc xây dựng chất lượng từ khâu sản xuất, chế biến đến xuất khẩu, tránh tâm lý chủ quan, lơ là. Cần làm ăn bài bản, chuyên nghiệp ngay từ khâu sản xuất đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cơ sở đóng gói... theo đúng quy định của các nước nhập khẩu.

Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT) cho hay: Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ gặp không ít thách thức, khi sản xuất đối mặt với diễn biến khó lường từ thiên tai, biến đổi khí hậu. Thị trường liên tục biến động thì các quy định kỹ thuật cũng ngày càng cao với yêu cầu về phát triển xanh, bền vững.

Tại buổi tọa đàm với chủ đề: “Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản năm 2024 - Kỷ lục mới, vị thế mới”, nhiều chuyên gia đưa ra đánh giá năm 2025 ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội, nhưng cũng đầy thách thức.

Đơn cử, sản phẩm nông nghiệp trái cây như sầu riêng, thanh long… hiện nay xuất khẩu chủ yếu qua thị trường lớn là Trung Quốc. Việc duy trì được sản lượng, chất lượng tại các địa phương cần phải thận trọng trong việc mở rộng diện tích, đặc biệt là những khu vực nhạy cảm với xâm nhập mặn hoặc thiếu nước tưới.

Để ổn định sản xuất và duy trì xuất khẩu trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả.

Mặt khác, cần đẩy mạnh việc liên kết chuỗi giá trị, từ sản xuất đến tiêu thụ, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Việc đầu tư công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhất là đối với những mặt hàng nhạy cảm như trái cây tươi là hết sức cần thiết.

Ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (SPS Việt Nam), cho biết: Xu hướng hoàn thiện và nâng cấp các tiêu chuẩn SPS trong khu vực ASEAN, Trung Quốc và Canada sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. An toàn thực phẩm đang nhận được quan tâm lớn của thế giới. Nâng cao tiêu chuẩn này là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất và giữ được đà tăng trưởng xuất khẩu ngành nông nghiệp.

Hà Long

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-2024-khong-ngu-quen-sau-chien-thang-post713432.html
Zalo