Xuất khẩu lao động - 'con đường ngắn' thoát nghèo ở vùng biên (Bài 1): Những người tiên phong đi tìm no ấm

Quang Chiểu từ một xã biên giới nghèo khó của huyện Mường Lát nay đã khởi sắc rõ rệt . Có được sự đổi thay ấy, công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) được xem là 'bước đệm' mở ra cơ hội thoát nghèo cho người dân.

Căn nhà khang trang của gia đình ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) nhờ cho con đi XKLĐ.

Căn nhà khang trang của gia đình ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) nhờ cho con đi XKLĐ.

Trong ký ức của ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, cách đây hơn 10 năm về trước, quê hương Quang Chiểu là vùng đất nghèo khó, lạc hậu giữa núi rừng heo hút. Đồng bào các dân tộc thiểu số trong xã chủ yếu sống dựa vào rừng, đời sống mang tính tự cung tự cấp, không có sản phẩm nông nghiệp hàng hóa. Đất đai bạc màu, khí hậu khắc nghiệt khiến cái nghèo đeo bám dai dẳng. Nhà ông Inh đông con, ruộng nương lại ít ỏi không giúp gia đình ông thoát được nghèo. Giữa năm 2015, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với chính quyền xã và Công ty CP Thuận An DMC tại TP Thanh Hóa về tổ chức tuyên truyền, tư vấn XKLĐ tại địa phương đã mang theo hy vọng thoát nghèo cho bà con dân bản. Tuy nhiên, với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, XKLĐ là một khái niệm còn xa lạ. Nhiều người vẫn giữ suy nghĩ: ở nhà làm nông, nuôi con trâu, con bò còn có cái ăn, chứ đi XKLĐ là xa gia đình, đôi khi mất người thân.

Đi ngược với nếp suy nghĩ ấy, ông Inh tin vào sự thay đổi đời sống gia đình từ việc XKLĐ. Dù trong lòng còn chút lo lắng, nhưng ông vẫn động viên người con trai thứ 2 là anh Vi Văn Hiếu rời quê hương đi XKLĐ ở đất nước Hàn Quốc. Để có tiền cho con học tiếng, làm thủ tục XKLĐ, ông phải xuống trung tâm huyện Mường Lát tìm hiểu chính sách vay vốn ưu đãi. Tuy nhiên, khoản vay 100 triệu đồng không đủ để chi trả các chi phí cho con đi XKLĐ. Thế rồi, ông bàn với vợ quyết định bán đi cặp bò duy nhất của gia đình để bù vào khoản kinh phí còn thiếu. “Lúc ấy, vợ tôi không phản đối nhưng cũng chẳng đồng tình. Bà ấy nói, bán cả gia sản, lại vay số tiền lớn, nhỡ đi XKLĐ làm không ra tiền thì lấy gì trả nợ?” - ông Inh nhớ lại.

Dẫu vậy, ông Inh vẫn tin vào quyết định của mình. Niềm tin ấy đã được đền đáp khi anh Hiếu gửi về tháng lương đầu tiên, hơn 20 triệu đồng, một số tiền mà cả đời ông chưa từng nghĩ tới. Nhờ thu nhập từ công việc ở nước ngoài, anh Hiếu đã xây dựng được căn nhà khang trang trị giá hơn 1 tỷ đồng. Câu chuyện thành công của anh Hiếu đã truyền cảm hứng cho người em trai là Vi Văn Hào. Sau khi học xong lớp 12, anh Hào cũng học tiếng, làm hồ sơ đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Đến nay, anh đã tích lũy được khoản tiền đủ để mua đất và xây nhà mới. Dự tính sau khi về nước, với số vốn có được, anh sẽ mở một cửa hàng buôn bán nhỏ.

Ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) kể về hành trình cho con đi XKLĐ.

Ông Vi Hồng Inh ở bản Pùng, xã Quang Chiểu (Mường Lát) kể về hành trình cho con đi XKLĐ.

Thành công của gia đình ông Inh khiến cho bà con ở bản Pùng tin rằng, đi XKLĐ mang lại thu nhập hơn ở nhà trồng ngô, sắn, nuôi con trâu, con bò. Và đây là “con đường ngắn” để thoát nghèo bền vững.

Xã Quang Chiểu giờ đây đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới. Trên những con đường vào bản Pùng, bản Xim, bản Sáng,... những ngôi nhà mái bằng, nhà tầng khang trang thi nhau mọc lên. Chẳng cần hỏi cũng biết, đó là những hộ có con em đi XKLĐ. Ông Vi Văn Thứ, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Chiểu, phấn khởi cho biết: "Trong những năm gần đây, nhờ chương trình XKLĐ, đời sống của người dân trong xã đã có thay đổi tích cực. Lượng kiều hối gửi về từ nước ngoài ngày càng tăng, góp phần quan trọng vào việc cải thiện kinh tế hộ gia đình, khởi sắc cho địa phương. Nhờ có thu nhập ổn định, bà con đã mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân còn mở rộng kinh doanh, buôn bán các mặt hàng dịch vụ, tạo thêm công ăn việc làm tại chỗ".

Xã Quang Chiểu có 1.235 hộ dân, với gần 6.000 nhân khẩu. Nếu như năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm hơn 60%, thì đến cuối năm 2024, giảm xuống còn 20,7%; thu nhập bình quân đầu người hiện đạt trên 35 triệu đồng/năm. Tính đến nay, toàn xã có hơn 300 người đi XKLĐ, tập trung chủ yếu ở các nước như: Nga, Romania, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Lượng kiều hối mà người lao động địa phương gửi về qua các năm từ 70 đến 80 tỷ đồng.

Từ suy nghĩ ngại và sợ đi XKLĐ, nay bà con xã Quang Chiểu xem XKLĐ như “cánh cửa” để thoát nghèo, mở ra tương lai no ấm. Những người đi XKLĐ không chỉ đang viết nên câu chuyện cổ tích của chính mình, mà còn truyền cảm hứng, khát vọng đổi đời đến bà con dân bản.

Bài và ảnh: Đình Giang

Bài 2: Trở thành nguồn lực cho sự phát triển

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xuat-khau-lao-dong-con-duong-ngan-thoat-ngheo-o-vung-bien-bai-1-nhung-nguoi-tien-phong-di-tim-no-am-235888.htm
Zalo