Doanh nghiệp Nhật Bản ngại rót vốn vào Việt Nam vì thủ tục phức tạp

Đây là thông tin được đại diện JETRO nhấn mạnh trong buổi họp báo công bố kết quả 'Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024'.

 Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng vẫn chần chừ vì thủ tục hành chính còn phức tạp. Ảnh: S.T.

Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng vẫn chần chừ vì thủ tục hành chính còn phức tạp. Ảnh: S.T.

Chiều 21/1, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024". Đây là khảo sát được thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á và Châu Đại Dương.

Đáng chú ý, trong số hơn 5.000 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có tới 863 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam - con số cao nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực này.

Muốn mở rộng nhưng chưa rót tiền

Tại buổi họp báo, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM cho biết tỷ lệ doanh nghiệp Nhật kỳ vọng "có lãi" tại thị trường Việt Nam năm 2024 đạt hơn 64%. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, kể từ trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ này vượt qua mốc 60%.

Về triển vọng kinh doanh năm 2025, hơn 50% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ cải thiện, trong khi chỉ 9,2% cho rằng tình hình sẽ xấu đi. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về việc tiếp tục đạt kết quả kinh doanh khả quan nối tiếp từ năm 2024.

Thêm vào đó, hơn 56% doanh nghiệp Nhật cho biết mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về số lượng doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng.

Tuy vậy, đại diện JETRO cũng thừa nhận dù Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, thực tế đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng

Theo ông Matsumoto, số vốn Nhật Bản đổ vào Việt Nam năm 2024 đã giảm một nửa so với năm trước. "Các doanh nghiệp Nhật vẫn xem Việt Nam là điểm đến tiềm năng, nhưng họ đang chần chừ để tìm thời điểm phù hợp", ông nhấn mạnh

Theo ông, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp do dự là những rào cản về thủ tục hành chính và pháp lý.

Thực tế, kết quả khảo sát cho thấy 62% doanh nghiệp cho rằng việc xin giấy phép và thực hiện thủ tục hành chính tại Việt Nam rất phức tạp - tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình 38% của khu vực ASEAN.

"Văn phòng chúng tôi thường xuyên tiếp nhận phản ánh từ các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Một số doanh nghiệp Nhật cho biết phải mất tới một năm để xin giấy phép đầu tư, trong khi các thủ tục liên quan đến xây dựng hoặc sửa chữa nhà xưởng cũng có thể kéo dài tới 6 tháng", đại diện JETRO cho biết thêm.

 Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM. Ảnh: Liên Phạm.

Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM. Ảnh: Liên Phạm.

Dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn quan tâm và mong muốn mở rộng tại Việt Nam. Theo ông Matsumoto, đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính và pháp luật nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư thực tế từ Nhật Bản.

"Khi mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật với Việt Nam vẫn đang ở mức cao, việc cải thiện các vấn đề này sẽ giúp Việt Nam không chỉ là một điểm đến tiềm năng mà còn là một nơi thu hút đầu tư hiệu quả hơn", ông Matsumoto nhấn mạnh.

Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao TP.HCM

Chia sẻ bên lề họp báo, ông Nobuyuki Matsumoto cho biết hiện JETRO có 76 văn phòng đại diện trên toàn thế giới, trong đó, văn phòng tại TP.HCM có số lượng doanh nghiệp đến hỏi thông tin cao thứ hai, chỉ sau Bangkok (Thái Lan), còn Hà Nội đứng ở vị trí thứ 4.

"TP.HCM sở hữu thế mạnh đặc biệt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Địa phương này có nhiều trường đại học hàng đầu, là yếu tố hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Nobuyuki Matsumoto nói với Tri Thức - Znews.

Ông Matsumoto nhấn mạnh rằng cần tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín có cơ hội tìm được công việc giá trị cao, phù hợp với năng lực. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM khai thác tối đa lợi thế về nhân lực, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc phát triển các ngành chất lượng cao cần được cân bằng với các ngành thâm dụng lao động, vốn tạo ra nhiều việc làm hơn.

Nhìn chung, dù chi phí nhân công đang tăng, ông cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).

Ông Matsumoto nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm kết nối khu vực và toàn cầu nếu tận dụng tốt các lợi thế này.

Ngoài ra, ông cho rằng việc cải thiện thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý sẽ giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản, thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Về phía JETRO, đơn vị này cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Nhật Bản, từ việc tìm văn phòng làm việc đến hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Đồng thời, JETRO sẽ không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác hai chiều giữa hai quốc gia.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-ngai-rot-von-vao-viet-nam-vi-thu-tuc-phuc-tap-post1526388.html
Zalo