Xuất khẩu gỗ dự kiến thu về 16 tỷ USD

Với mức tăng trưởng gần 21%, giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ đạt 13,18 tỷ USD trong 10 tháng, ngành chế biến gỗ xuất khẩu kỳ vọng mang về 15,5 - 16 tỷ USD năm nay.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần trên 50%. Trung Quốc và Nhật Bản là hai thị trường lớn tiếp theo.

So với cùng kỳ năm trước, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Hoa Kỳ, Trung Quốc đều tăng trưởng mạnh với hai con số; riêng thị trường Nhật Bản chỉ tăng nhẹ. Trong 15 thị trường xuất khẩu chính, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng mạnh nhất tại Tây Ban Nha với mức tăng trên 63%.

Nắm cơ hội tín hiệu phục hồi tích cực của thị trường, một số sản phẩm xuất khẩu chính đều tăng khá như dăm gỗ (tăng gần 38%), gỗ và sản phẩm gỗ (tăng trên 20%). Các hội, hiệp hội, doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản đã nỗ lực, chủ động trong sản xuất, cũng như tìm kiếm thị trường xuất khẩu.

Tuy nhiên, các sản phẩm gỗ Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ sẽ tiếp tục có nguy cơ phải đối diện các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp của Mỹ.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, cách tốt nhất để cải thiện "sức khỏe" của ngành gỗ là các giải pháp về kỹ thuật, nâng cao công nghệ trong sản xuất; hướng tới sản xuất xanh, giảm phát thải. Đồng thời, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, phát triển các thiết kế, nâng cao chất lượng đồ gỗ Việt Nam. Cùng đó, là có các giải pháp quản trị doanh nghiệp; trong đó, ưu tiên chuyển đổi số.

Trước những thách thức đặt ra cho ngành chế biến và xuất khẩu gỗ, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp cho rằng, cần đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xúc tiến thương mại ngành chế biến gỗ, nhất là qua các hội chợ, triển lãm chuyên ngành.

Đặc biệt, để chuẩn bị nguồn nguyên liệu hợp pháp, chất lượng cho ngành chế biến gỗ xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục triển khai thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển gỗ lớn, gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững, phát triển hợp tác, liên kết trồng rừng sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm lâm sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai cấp thí điểm mã số vùng trồng rừng nguyên liệu tại các tỉnh: Bắc Giang, Lạng Sơn, Phú Thọ, Tuyên Quang và Yên Bái. Sau đó, đánh giá nhân trên diện rộng, nhằm từng bước cung cấp gỗ có nguồn gỗ hợp pháp đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế, đặc biệt là Quy định chống phá rừng (EUDR) của EU.

Theo P.V/VTV

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/xuat-khau-go-du-kien-thu-ve-16-ty-usd/20241203082025235
Zalo