Xuất khẩu gạo năm 2025: Tập trung vào chất lượng và xây dựng thương hiệu
Gạo của Việt Nam đã gặt hái những mùa vụ bội thu trong năm 2024 với kim ngạch xuất khẩu đạt kỷ lục. Tuy nhiên, trong tháng đầu năm 2025, mặt hàng này đối mặt với khó khăn khi giá giảm liên tục.
Giá gạo xuất khẩu giảm sâu
Kể từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giảm xuống thấp nhất thế giới. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, giá gạo xuất khẩu đang giảm từng ngày. Cập nhật đến ngày 6-2 vừa qua, giá gạo 5% tấm của Việt Nam chỉ còn 399 USD/tấn; giá gạo 25% tấm cũng chỉ còn 371 USD/tấn; giá gạo 100% tấm giảm còn 313 USD/tấn.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan hiện cao hơn giá gạo Việt Nam tới 34 USD/tấn, giá gạo 25% tấm cao hơn 40 USD/tấn, còn giá gạo 100% tấm cao hơn 64 USD/tấn. Tình trạng tương tự cũng diễn ra khi so sánh giá gạo Việt Nam với giá gạo xuất khẩu từ Ấn Độ và Pakistan.
Bộ Công thương và các chuyên gia kinh tế đánh giá, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm rất mạnh so với mức đỉnh 700 USD/tấn vào giữa tháng 8-2023 (mức cao nhất trong 15 năm qua kể từ năm 2008). Nếu so sánh với mức giá kỷ lục là 700 USD/tấn thì hiện nay, giá gạo Việt Nam đã giảm tới 301 USD/tấn, tương đương mức giảm 43% sau 17 tháng.
Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2024, khối lượng xuất khẩu tăng nhẹ 1%, nhưng giá trị lại giảm tới 10,4% do giá xuất khẩu giảm mạnh.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo sau 2 năm siết chặt. Điều này khiến nguồn cung trên thị trường quốc tế gia tăng, tạo áp lực cạnh tranh cho các nước xuất khẩu khác, trong đó có Việt Nam. Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải cho biết thêm, nhu cầu nhập gạo của các thị trường lớn như Philippines, Indonesia cũng đang giảm sút, khi các nước này đã tích lũy đủ dự trữ trong năm 2024 và chờ giá giảm thêm trước khi tái nhập khẩu.
Duy trì sản lượng, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lâu dài
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 dự kiến đạt 56,3 triệu tấn - tăng 2,3 triệu tấn so với dự báo trước đó. Nguồn cung dồi dào sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh giữa các quốc gia xuất khẩu. Hiện các quốc gia sản xuất gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan đang đẩy mạnh cung ứng để tận dụng cơ hội xuất khẩu. Do đó, Việt Nam phải linh hoạt hơn trong chiến lược, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa thương hiệu.
Trao đổi với PV Báo SGGP, một số doanh nghiệp cho rằng, giá gạo xuất khẩu hiện nay đang ở “giá đáy”, nhưng vẫn tin tưởng giá gạo xuất khẩu sẽ hồi phục trong thời gian tới. Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, giải pháp để thoát khỏi tình trạng hiện nay là phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường. Cụ thể, cùng với các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cần quan tâm thêm các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines.
Dù áp lực gia tăng, Việt Nam vẫn có lợi thế lớn nếu chú trọng vào chất lượng gạo. Các dòng gạo thơm, dẻo cao cấp như ST25 tiếp tục nhận được sự ưa chuộng từ các thị trường khó tính. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh, việc phát triển các giống lúa chịu hạn, chịu mặn và ứng phó với biến đổi khí hậu tại ĐBSCL sẽ giúp duy trì sản lượng ổn định, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu lâu dài.
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cũng lưu ý, xây dựng thương hiệu gạo cần có chiến lược đồng bộ. Các doanh nghiệp cần tập trung không chỉ vào phân khúc gạo cao cấp mà còn mở rộng sang các thị trường tiềm năng mới như Trung Đông, nơi ưa chuộng các loại gạo rời, hạt dài. Việc đa dạng hóa sản phẩm và thị trường là yếu tố sống còn để phát triển bền vững.
Chủ trì cuộc họp báo thường kỳ tổ chức vào tuần đầu tháng 1-2025, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin, ngay từ đầu năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 01/2025/NĐ-CP nhằm sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, quy định báo cáo lượng thóc, gạo tồn kho được điều chỉnh từ hàng tuần sang hàng tháng, giúp giảm áp lực hành chính cho doanh nghiệp. Lãnh đạo Bộ Công thương cũng cho biết, Nghị định số 01/2025/NĐ-CP còn nhấn mạnh việc ưu tiên kinh phí xúc tiến thương mại, phát triển thương hiệu gạo và hỗ trợ vốn vay cho doanh nghiệp.
Theo TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương), những cải cách này không chỉ giúp nâng cao giá trị xuất khẩu gạo mà còn đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong điều hành thị trường.