Thấy gì từ việc giá gạo 'chạm đáy', giảm mạnh nhất sau 9 năm?
Giá gạo xuất khẩu liên tiếp giảm, hiện đã giảm xuống còn 399 USD một tấn, thấp nhất trong 9 năm qua. Các doanh nghiệp cho biết đây là mức giảm chưa từng có, trong khi trước đây, giá gạo xuất khẩu Việt Nam luôn dao động 420-535 USD một tấn. Điều này có đáng lo ngại cho ngành xuất khẩu gạo Việt?
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cập nhật thông tin giá gạo xuất khẩu mới nhất cho thấy ngày 7/2, giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam giảm 25 USD so với cuối năm 2024, xuống còn 399 USD một tấn, thấp hơn gạo cùng loại của Thái Lan 32 USD, Ấn Độ 14 USD và Pakistan 5 USD.
![Giá gạo giảm khoảng 43%, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_594_51440832/c0f4522f66618f3fd670.jpg)
Giá gạo giảm khoảng 43%, xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua.
Như vậy, từ mức đỉnh cao vào giữa tháng 8/2023 với con số 700 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tụt dốc và xuống mức thấp nhất trong vòng 9 năm qua. So với mức giá hiện tại là 399 USD/tấn, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã giảm 301 USD/tấn, tương ứng với mức giảm khoảng 43%.
Bình luận về sự đảo chiều của giá gạo xuất khẩu, trước đó, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nói: "Giá gạo không thể tăng mãi được, khi đã lên đến đỉnh, thì sẽ giảm. Giá gạo giảm theo xu hướng của thế giới trong bối cảnh kho gạo của thế giới là Ấn Độ đang ‘xả hàng’ sau khi dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo cũng như bỏ thuế xuất khẩu. Sản lượng gạo trên thế giới dồi dào sẽ tác động đến giá gạo của thế giới, trong đó có cả các nước như Thái Lan, Pakistan, chứ không riêng Việt Nam”.
Hiện, Việt Nam sắp bước vào vụ thu hoạch Đông Xuân - vụ có sản lượng lớn nhất năm. Đặc biệt, năm nay thời tiết thuận lợi nên sản lượng dự báo dồi dào, khiến nhiều nhà nhập khẩu đang chờ giảm thêm để mua với giá thấp hơn.
Bởi vậy, năm 2025 xuất khẩu gạo Việt được dự báo sẽ đối mặt cạnh tranh khốc liệt hơn năm 2024, giá xuất khẩu cũng khó duy trì ở mức cao. Trong một diễn biến liên quan, mới đây, Bangladesh sẽ nhập khẩu 100 nghìn tấn gạo trắng từ Việt Nam theo thỏa thuận giữa chính phủ với chính phủ (G2G), do Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Việt Nam) cung cấp với giá 474,25 USD/tấn. Đề xuất mua hàng từ Bộ Lương thực Bangladesh đã được Ủy ban Quốc hội về Mua sắm công tại Dhaka chấp thuận vào ngày 28/1/2025.
Theo ông Trần Thanh Hải, thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu khá tốt, nhờ đó ngoài mở rộng một số thị trường mới, gạo Việt vẫn giữ được những thị trường truyền thống như Indonesia, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc,…
![Ông Phan Trọng Tuệ - đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất chi nhánh tại miền Bắc cho rằng, gạo có thương hiệu và chất lượng cao sẽ không phải lo ngại đầu ra.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_594_51440832/16778aacbee257bc0ef3.jpg)
Ông Phan Trọng Tuệ - đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất chi nhánh tại miền Bắc cho rằng, gạo có thương hiệu và chất lượng cao sẽ không phải lo ngại đầu ra.
Chia sẻ thêm với VnBusiness xung quanh câu chuyện giá gạo đang xu hướng giảm, ông Phan Trọng Tuệ - đại diện Công ty TNHH Gạo Ngon Nhất chi nhánh tại miền Bắc, doanh nghiệp trung bình hàng tháng công ty xuất khẩu khoảng 300 tấn gạo đi Mỹ, Úc, Nhật Bản,… và thị trường trong nước nói rằng, giá gạo đang xu hướng giảm mạnh, song từ kinh nghiệm xuất khẩu hàng chục năm của DN cho thấy, dù giá gạo tăng hay giảm thì cũng không ảnh hưởng quá nhiều với hoạt động sản xuất, đặc biệt là với các loại gạo có thương hiệu và chất lượng cao.
“Gạo đảm bảo chất lượng thì thị trường tiêu thụ cũng luôn ổn định. Hàng vụ, chúng tôi đều ký kết giá lúa ổn định với nông dân. Cung ứng giống đến đâu thu mua lúa hết đến đó. Hiện chúng tôi đảm bảo nguồn lúa gạo xuất khẩu cũng như cung ứng nội địa ổn định theo đơn đặt hàng. Tất cả sản phẩm gạo đều có mã truy xuất nguồn gốc vùng trồng, tiêu chuẩn chất lượng, do đó từ người sản xuất tới DN đều không phải quá lo lắng” – ông Tuệ nói thêm.
Hơn nữa, theo đại diện doanh nghiệp này, lúa gạo là lương thực mà gia đình nào cũng cần, song lúa gạo cũng vẫn phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm 2025, dự báo nhiệt độ toàn cầu có xu hướng tăng, do vậy Việt Nam khả năng sẽ phải đối mặt với hạn hán, nắng nóng gay gắt và khốc liệt. Chưa kể là mưa lớn cục bộ, lũ quét, sạt lở đất, bão và bão lớn xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Do đó, chúng ta cũng cần phải lưu ý tích trữ, sẵn sàng ứng phó với thiên tai ngày càng cực đoan. “Việc giá gạo tăng hay giảm cũng không có gì đáng lo ngại quá” - ông Tuệ nói thêm.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 1, Việt Nam xuất khẩu khoảng 500.000 tấn gạo, thu về 308 triệu USD, tăng 1% về lượng nhưng giảm 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
VFA dự báo xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ gặp khó khăn, có thể chỉ đạt 7,5 triệu tấn, giảm so với mức kỷ lục hơn 9 triệu tấn năm 2024.