Xuất khẩu gạo chịu áp lực lớn bởi nguồn cung và biến động giá

Giới chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Vì vậy, việc duy trì thị phần tại các thị trường truyền thống, tập trung vào phân khúc chất lượng cao được xem là giải pháp then chốt để giữ vị thế của gạo Việt.

Giảm giá trị, tăng cạnh tranh

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu gạo đạt 4,9 triệu tấn và 2,54 tỷ USD, tăng 7,6% về khối lượng nhưng giảm 12,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Xuất gạo năm 2025 gặp khó về áp lực nguồn cung. Ảnh minh họa

Xuất gạo năm 2025 gặp khó về áp lực nguồn cung. Ảnh minh họa

Giá gạo xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2025 ước đạt 517,5 USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2024. Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với thị phần chiếm 43,4%. Bờ Biển Ngà và Gana là 2 thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 10,7% và 10,5%.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho hay, xuất khẩu gạo đang có xu hướng sụt giảm ngay từ đầu năm 2025 do nguồn cung trên thị trường lớn, giá xuất khẩu thấp và các thị trường nhập khẩu đang hạn chế mua vào để chờ giá xuống thấp.

Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu năm 2025 ước đạt 5,7 tỷ USD, giảm 0,9% so với cùng kỳ 2024, trong đó 6 tháng đầu năm cần đạt 2,6 tỷ USD, 6 tháng cuối năm cần đạt 3,1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo số liệu xuất khẩu ước tính vào thời điểm tháng 6/2025, khả năng kim ngạch xuất khẩu ngành hàng gạo có thể sụt giảm hơn so với mục tiêu đặt ra, ước tính chỉ đạt khoảng 5,5 tỷ USD, giảm 4,4% so với cùng kỳ năm 2024.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 của Việt Nam nhiều khả năng sẽ giảm cả lượng và giá so với năm 2024. Do dư địa cho xuất khẩu gạo năm 2025 còn rất ít trong bối cảnh mức nền của năm 2024 vốn đã ở mức cao, trong khi có quá nhiều yếu tố bất lợi liên quan đến thị trường, đặc biệt là khi Ấn Độ nới lỏng lệnh hạn chế xuất khẩu gạo.

“Thị trường gạo thế giới dự kiến tiếp tục chịu áp lực từ nguồn cung lớn và cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu chủ lực như Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam. Giá xuất khẩu gạo nhiều khả năng sẽ dao động trong biên độ hẹp và khó phục hồi rõ rệt, do tồn kho tại nhiều nước nhập khẩu vẫn ở mức cao” – ông Đỗ Hà Nam nhận định.

Duy trì thị phần, tận dụng lợi thế cạnh tranh

Trên thị trường thế giới, giá gạo bình quân tháng 6/2025 tại các quốc gia xuất khẩu lớn tiếp tục giảm nhẹ so với tháng trước, đồng thời giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2024. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ở mức 398 USD/tấn, giảm giảm 35,71% so với tháng 6/2024; giá gạo 5% tấm của Ấn Độ ở mức 383,1 USD/tấn, giảm 30,08% so với cùng kỳ; giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 390 USD/tấn, giảm 31,87% so với cùng kỳ năm 2024.

Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025 đạt 5,7 tỷ USD. Ảnh minh họa

Mục tiêu kế hoạch xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2025 đạt 5,7 tỷ USD. Ảnh minh họa

Tại thị trường trong nước, giá lúa gạo tháng 6/2025 diễn biến trái chiều so với tháng trước. Giá lúa nguyên liệu giảm mạnh do áp lực nguồn cung sau thu hoạch chính vụ Đông Xuân, trong khi giá gạo thành phẩm cơ bản giữ ổn định.

Cụ thể, tại An Giang, lúa OM18 có giá 6.000 - 6.200 đồng/kg (giảm 12% so với tháng 5/2025); lúa IR50404 ở mức 5.400 - 5.600 đồng/kg (giảm 10%); gạo thường dao động 13.000 - 14.000 đồng/kg (giảm 1-2%); gạo thơm Jasmine duy trì ổn định ở mức 16.000 - 18.000 đồng/kg…

Thời điểm hiện tại, nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào và giá có xu hướng giảm. Cập nhật số liệu mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho thấy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam ở mức 377 USD/tấn; gạo 25% tấm của Việt Nam hiện đứng ở mức 357 USD/tấn, thấp hơn gạo cùng phẩm cấp của Thái Lan và Ấn Độ; gạo 100% tấm ở mức 317 USD/tấn.

Điều đáng lưu ý là trong thời gian gần đây, Chính phủ Philippines luôn bày tỏ mong muốn đa dạng hóa nguồn cung gạo và sự gia tăng sản lượng gạo nhập từ một số quốc gia khác, tuy nhiên lại gặp khó khăn về chất lượng và giá cả. Trong khi đó, người dân Philippines nhiều năm qua đã quen thuộc với chất lượng của gạo Việt Nam và giá hợp túi tiền.

Để đạt mục tiêu xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng, cần tiếp tục duy trì thị phần xuất khẩu, tận dụng lợi thế cạnh tranh để gia tăng thị phần gạo thơm khi Thái Lan và Ấn Độ là 2 nhà cung cấp phân khúc này lớn nhất nhì vào thị trường Mỹ nhưng phải chịu mức thuế cao.

Bên cạnh đó, các DN cần tiếp tục duy trì các thị trường truyền thống có thị phần lớn như Philippines, Indonesia, Malaysia để giữ thị trường; đồng thời cần tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào để giảm áp lực thuế.

Hiệp hội và các DN nghiên cứu chuyển dịch mạnh sang các thị trường EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore (đối với các sản phẩm chế biến như bún, mì, nui, phở); đồng thời tìm giải pháp giảm chi phí logistic để mở rộng sang các thị trường tiềm năng Ghana, Bờ Biển Ngà và UAE với chủng loại gạo thơm và gạo trắng.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Đỗ Hà Nam

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xuat-khau-gao-chiu-ap-luc-lon-boi-nguon-cung-va-bien-dong-gia.772396.html
Zalo