Nghị quyết 66: Pháp luật phải dẫn dắt và kiến tạo phát triển

Từ tầm nhìn của Nghị quyết 66 đến bước đi cụ thể về việc thành lập Trung tâm tài chính quốc tế, Việt Nam đang cho thấy quyết tâm đổi mới thể chế để bắt kịp xu thế phát triển.

Ngày 30-4-2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW với định hướng đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật, coi việc xây dựng pháp luật là “sứ mệnh chính trị” nhằm mở đường, khơi thông nguồn lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong phát triển.

Nghị quyết 66 là kim chỉ nam về tư duy thể chế

Nghị quyết 66 đặt mục tiêu xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, hiệu quả, minh bạch, ổn định, kịp thời tháo gỡ những “điểm nghẽn” cản trở phát triển. Đặc biệt, nghị quyết nhấn mạnh quan điểm “đầu tư cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật là đầu tư cho phát triển”. Tinh thần này đã và đang tạo nền tảng thể chế quan trọng cho các bước đi đột phá, trong đó có ý tưởng thành lập Trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.

 TP.HCM là một trong hai TP sẽ có Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: HÀ THANH

TP.HCM là một trong hai TP sẽ có Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: HÀ THANH

Mặc dù không đề cập trực tiếp nhưng những cải cách mà Nghị quyết 66 đề ra chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa mục tiêu thành lập Trung tâm tài chính quốc tế. Nghị quyết yêu cầu hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường theo hướng thuận lợi, thông thoáng, minh bạch, an toàn, chi phí tuân thủ thấp, mạnh mẽ cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính bất hợp lý, từ đó cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo. Đây chính là những điều kiện thiết yếu để thu hút các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế đến với một trung tâm tài chính. Nói cách khác, Nghị quyết 66 là kim chỉ nam về tư duy thể chế: Pháp luật phải đóng vai trò kiến tạo phát triển, thay vì chỉ quản lý theo lối mòn.

Chỉ chưa đầy hai tháng sau khi Nghị quyết 66 được ban hành, Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết 222/2025/QH15 (ngày 27-6) về việc xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế đặt tại TP.HCM và Đà Nẵng. Đây được xem là bước cụ thể hóa mạnh mẽ tinh thần của Nghị quyết 66 bằng những cơ chế, chính sách đặc thù và đột phá.

Theo Nghị quyết 222, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ có hàng loạt chính sách vượt trội nhằm tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn, sẵn sàng cạnh tranh với các trung tâm tài chính trong khu vực. Vì vậy, Nghị quyết 222 không chỉ tạo hành lang pháp lý thuận lợi mà còn thể hiện một cam kết chính trị mạnh mẽ trong việc đưa Việt Nam vươn tầm vị thế mới trên bản đồ tài chính toàn cầu.

 TS Đào Gia Phúc, Viện Trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM.

TS Đào Gia Phúc, Viện Trưởng Viện Pháp luật Quốc tế và So sánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQG TP.HCM.

Tạo hệ sinh thái pháp lý mới

Điểm nổi bật trong Nghị quyết 222 là tư duy sandbox, tức cơ chế thử nghiệm có kiểm soát các chính sách và mô hình mới trong phạm vi trung tâm tài chính. Lần đầu tiên Việt Nam chấp nhận có một vùng thử nghiệm pháp lý quy mô lớn, nơi nhiều quy định vượt khung pháp luật hiện hành được áp dụng thí điểm một cách thận trọng. Cụ thể, nghị quyết đề ra 15 nhóm chính sách đặc thù, bao gồm: Chính sách về ngoại hối, ngân hàng, thị trường vốn, thuế, xuất nhập cảnh và cư trú cho chuyên gia, lao động, đất đai, xây dựng - môi trường, tài chính xanh, tín chỉ carbon, dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ (fintech), tài sản số, ưu đãi theo lĩnh vực, nhà đầu tư chiến lược, hạ tầng, xuất nhập khẩu, phí và lệ phí, cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp riêng biệt.

Như vậy, thay vì cách tiếp cận cũ “không quản được thì cấm”, Việt Nam đang chuyển sang cách làm mới: Thử nghiệm trong vòng kiểm soát, từ đó điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn. Tinh thần này chính là sự cụ thể hóa quan điểm mà Nghị quyết 66 đề ra: Pháp luật phải đi trước một bước, đồng hành và dẫn dắt sự phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực mới như công nghệ tài chính, kinh tế số, kinh tế xanh.

Có thể thấy rõ mối tương quan giữa Nghị quyết 66 và Nghị quyết 222 trong cách tiếp cận quản lý nhà nước. Nghị quyết 66 đặt nền móng cho việc đổi mới tư duy pháp luật theo hướng “quản lý” truyền thống sang việc pháp luật phải tạo động lực và định hướng cho sự phát triển, đổi mới sáng tạo - Nhà nước kiến tạo, hỗ trợ thay vì can thiệp sâu, tạo không gian cho thị trường vận hành năng động. Tư duy đó được thể hiện sống động ở mô hình Trung tâm tài chính quốc tế.

Theo Nghị quyết 222, tại Trung tâm tài chính quốc tế sẽ thành lập một cơ quan điều hành với cơ cấu tinh gọn, quyền hạn rõ ràng, hoạt động độc lập với bộ máy hành chính truyền thống. Bên cạnh đó, Trung tâm tài chính quốc tế cũng cho phép áp dụng ngôn ngữ tiếng Anh trong các giao dịch, hoạt động và thủ tục - một bước đột phá về thể chế, giúp môi trường làm việc tiệm cận chuẩn quốc tế và thu hút nhân tài, nhà đầu tư nước ngoài. Nghị quyết 222 còn cho phép thành lập Trung tâm trọng tài quốc tế thuộc Trung tâm tài chính quốc để giải quyết tranh chấp thương mại, tòa án chuyên biệt và để mở khả năng cho các bên sử dụng pháp luật nước ngoài (như hệ thống thông luật) để giải quyết tranh chấp. Những thiết chế này tạo nên một hệ sinh thái pháp lý hoàn toàn mới ngay trong lòng hệ thống pháp luật quốc gia, nơi các nguyên tắc, thông lệ quốc tế tiên tiến được thử nghiệm và vận hành thực tế.

Nghị quyết 66 đặt nền móng cho việc đổi mới tư duy xây dựng, thi hành pháp luật và điều này được thể hiện sống động ở mô hình Trung tâm tài chính quốc tế.

Phép thử quan trọng cho tư duy làm luật kiểu mới

Việc triển khai mô hình Trung tâm tài chính quốc tế cho thấy quyết tâm lớn của Việt Nam. Song chặng đường từ nghị quyết đến thực tiễn vẫn còn không ít thách thức. Trước mắt, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định thành lập Trung tâm tài chính quốc tế đầu tiên tại TP.HCM. Văn bản này sẽ giúp cụ thể hóa vị trí, ranh giới, cơ cấu tổ chức và lộ trình phát triển của trung tâm cũng như đảm bảo một khung pháp lý vận hành trung tâm sao cho vừa đặc thù vừa gắn kết với hệ thống chung.

Nghị quyết 222 đã trao cho Chính phủ thẩm quyền chủ động xử lý những vấn đề chưa có trong luật hiện hành thông qua các nghị định thử nghiệm nhưng đồng thời yêu cầu phải báo cáo Quốc hội kịp thời và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc kiểm soát quyền lực, bảo đảm lợi ích quốc gia, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Do vậy cần sớm ban hành các văn bản pháp lý hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 222, đặc biệt là những quy chế nội bộ cho Trung tâm tài chính quốc tế.

Từ tầm nhìn khái quát của Nghị quyết 66 đến bước đi cụ thể của Nghị quyết 222, Việt Nam đang cho thấy quyết tâm đổi mới thể chế để bắt kịp xu thế phát triển. Trung tâm tài chính quốc tế, với vai trò như một “phòng thí nghiệm chính sách” quy mô lớn, là phép thử quan trọng cho tư duy làm luật kiểu mới - nơi pháp luật đóng vai trò kiến tạo thay vì kìm hãm.

Nếu thành công, Trung tâm tài chính quốc tế sẽ không chỉ mang lại những động lực tăng trưởng mới cho nền kinh tế (thông qua thu hút vốn đầu tư, dịch vụ tài chính hiện đại, việc làm chất lượng cao) mà còn cung cấp những bài học quý giá để cải cách sâu rộng hệ thống pháp luật quốc gia. Ngược lại, những khó khăn trong quá trình triển khai (nếu có) cũng sẽ giúp chúng ta nhận diện rõ hơn các điểm nghẽn thể chế cần khắc phục.

Dù con đường phía trước còn nhiều việc phải làm, tinh thần “dám nghĩ, dám làm” của Nghị quyết 66 và Nghị quyết 222 đã tạo ra niềm tin rằng Việt Nam có thể biến những khát vọng lớn thành hiện thực.•

(*) Viện trưởng Viện Pháp luật quốc tế và so sánh, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM

Chìa khóa thành công để hấp dẫn dòng vốn quốc tế

Việt Nam không phải quốc gia đầu tiên mạnh dạn áp dụng mô hình sandbox và đặc khu tài chính để bứt phá thể chế. Tại khu vực Trung Đông, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã xây dựng những trung tâm tài chính tự do như Trung tâm tài chính quốc tế Dubai hay thị trường toàn cầu Abu Dhabi.

Các trung tâm này có hệ thống pháp luật riêng dựa trên thông luật kiểu Anh - Mỹ, có tòa án độc lập, ngôn ngữ chính thức là tiếng Anh, cùng các ưu đãi thuế đặc biệt giúp tạo ra môi trường kinh doanh đẳng cấp quốc tế ngay trong quốc gia của họ.

Kazakhstan thậm chí còn phát triển một mô hình rất táo bạo: Trung tâm tài chính quốc tế Astana khai trương năm 2018 hoạt động hoàn toàn theo hệ thống thông luật Anh với tòa án độc lập (với 11 thẩm phán người Anh), miễn nhiều loại thuế đến năm 2066 và cho phép 100% sở hữu nước ngoài. Trung tâm này còn có phòng lab fintech riêng để các công ty công nghệ tài chính thử nghiệm các sản phẩm như tiền số, ngân hàng số trong môi trường được giám sát đặc biệt.

Nhờ đó, Astana nhanh chóng thu hút hàng trăm công ty từ hơn 80 quốc gia tham gia, biến nơi đây thành “bến đỗ” mới nổi trên bản đồ tài chính toàn cầu.

Những kinh nghiệm quốc tế cho thấy việc xây dựng thể chế đột phá, linh hoạt trong các trung tâm tài chính không chỉ khả thi mà còn là chìa khóa thành công để hấp dẫn dòng vốn quốc tế.

TS ĐÀO GIA PHÚC và NHÓM NGHIÊN CỨU VIỆN PHÁP LUẬT QUỐC TẾ VÀ SO SÁNH, Trường ĐH Kinh tế - Luật (UEL)

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/nghi-quyet-66-phap-luat-phai-dan-dat-va-kien-tao-phat-trien-post861139.html
Zalo