Nghị quyết 66 tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hội nhập, phát triển
Khi có chính sách hợp lý, pháp luật khả thi, hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ được khơi thông, đồng thời trở thành hành lang pháp lý thông thoáng cho hội nhập và phát triển.
Qua gần 40 năm đổi mới, đến nay nước ta đã có một hệ thống pháp luật đồ sộ về kinh tế thị trường. Thế nhưng cũng chừng ấy năm, tình trạng các văn bản pháp luật song hành nhưng mâu thuẫn, chồng chéo nhau là điều rất phổ biến.
Pháp luật trở thành động lực kiến tạo phát triển
Hệ thống pháp luật thiếu minh bạch, thiếu tính khả thi đã làm cho pháp luật xa rời thực tiễn, gây khó khăn cho công tác thực thi. Nguyên nhân cốt yếu là sự cách biệt quá lớn giữa chính sách với pháp luật.
Một khi chính sách chưa được làm rõ thì việc bắt tay vào soạn thảo văn bản pháp luật giống như “mò mẫm đi trong đêm tối”. Hậu quả là nhiều văn bản pháp luật được ban hành nhưng không đi vào cuộc sống.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, trong đó có Nghị quyết 66 vào sáng 18-5. Ảnh: VGP
Chúng ta thường chỉ quan tâm hoặc băn khoăn là “tại sao pháp luật không đi vào được cuộc sống” (tức là thường chỉ xem xét, đánh giá dưới góc độ thực thi pháp luật). Tuy nhiên, đó chỉ là hệ quả, cái gốc của vấn đề chính là chúng ta đã không đưa được cuộc sống vào pháp luật và nguyên nhân chủ yếu thuộc về những hạn chế trong nghiên cứu, hoạch định chính sách.
Theo Từ điển tiếng Việt, chính sách được hiểu là những tư tưởng, những định hướng, những mong muốn cần hướng tới, cần đạt được; còn pháp luật là hình thức, là phương tiện để chuyển tải, để thể hiện chính sách. Theo nghĩa đó, chính sách là linh hồn, còn pháp luật là hình thức, là phương tiện thể hiện của chính sách. Trên cơ sở các chính sách đúng đắn thì nội dung của pháp luật mới hợp pháp và hợp lý.
Bối cảnh lịch sử - pháp lý trên đã tạo điều kiện và thúc đẩy cho sự ra đời của Nghị quyết 66-NQ/TW. Ban hành Nghị quyết 66-NQ/TW là một bước đi tất yếu nhằm hóa giải các điểm nghẽn của thể chế, đưa pháp luật trở thành động lực kiến tạo phát triển và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong quản trị quốc gia.

TS Cao Vũ Minh, Trường Bộ môn Luật Hành chính - Nhà nước, khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐHQH TP.HCM.
Nhanh chóng thể chế hóa chính sách thành pháp luật
Nghị quyết 66-NQ/TW thiết lập các chính sách một cách rõ ràng như tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác xây dựng pháp luật; phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao; thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng AI trong pháp luật; cơ chế tài chính đặc biệt.
Với sự quyết liệt của Nghị quyết 66-NQ/TW, ngay lập tức các chính sách này được thể chế hóa thành pháp luật một cách bài bản.
Cụ thể, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 (được sửa đổi, bổ sung năm 2025) đưa ra nguyên tắc xây dựng pháp luật rất quan trọng: “Bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Đây là nguyên tắc lần đầu tiên được quy định trong “luật làm luật” mà không tìm thấy trong các luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật trước đây nhằm tái khẳng định phương châm Đảng lãnh đạo thông qua chính sách. Do đó, các chính sách của Đảng phải được thể chế hóa một cách đầy đủ, trọn vẹn trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Chất lượng của công tác xây dựng và ban hành pháp luật phụ thuộc trực tiếp vào chất lượng của đội ngũ nhân lực. Nhận thức rõ điều này, Nghị quyết 66-NQ/TW xác định phát triển nguồn nhân lực pháp luật chất lượng cao là một giải pháp đột phá. Nghị quyết mạnh dạn đặt ra chính sách thu hút, tiếp nhận chuyên gia, nhà khoa học pháp lý, luật gia, luật sư giỏi vào khu vực công mà không nề hà biên chế, ngạch bậc. Tiếp thu tinh thần đó, Luật Cán bộ, công chức năm 2025 đã quy định rất cụ thể về việc tiếp nhận vào làm công chức mà không cần trải qua kỳ thi tuyển hay xét tuyển đối với “chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi”.
Cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật
Cuối cùng, để bảo đảm mọi mục tiêu có thể hiện thực hóa một cách hiệu quả, Nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh việc xây dựng cơ chế tài chính đặc biệt cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật.
Lâu nay, chúng ta vẫn chỉ chú trọng vào chỉ tiêu mà quên mất nguồn lực để thực hiện. Do đó, khắc phục khâu yếu và thiếu này, Nghị quyết 66-NQ/TW đặt ra yêu cầu bảo đảm chi không thấp hơn 0,5% tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm cho lĩnh vực pháp luật, đồng thời phải có xu hướng tăng dần theo tốc độ phát triển kinh tế - xã hội. Đây là mức cam kết có tính đột phá so với mặt bằng đầu tư công hiện nay vào lĩnh vực lập pháp.
Nghị quyết cũng đề xuất thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng pháp luật, kết hợp giữa ngân sách nhà nước và các nguồn xã hội hóa hợp pháp. Việc khoán chi theo sản phẩm đầu ra gắn với quyền tự chủ tài chính và trách nhiệm giải trình là mô hình quản trị công hiện đại. Điều này không chỉ phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn giúp nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thúc đẩy đổi mới tư duy đầu tư cho thể chế.
Nghị quyết 66-NQ/TW của Bộ Chính trị là một cột mốc quan trọng trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Văn kiện này không chỉ xác định rõ những tồn tại, hạn chế mà còn đặt ra các chính sách tiến bộ, làm nền tảng cho công tác xây dựng pháp luật. Do đó, việc thể chế hóa thành pháp luật cần được thực hiện một cách nhanh chóng, đồng bộ, chỉn chu. Khi có chính sách hợp lý, pháp luật khả thi, hệ thống pháp luật của Việt Nam sẽ được khơi thông, đồng thời trở thành hành lang pháp lý thông thoáng cho hội nhập và phát triển.
Ứng dụng AI trong xây dựng pháp luật
Trong thời đại công nghệ thông tin, sự phát triển của một quốc gia không thể thoát ly khỏi quá trình chuyển đổi số và ứng dụng AI. Do đó, Nghị quyết 66-NQ/TW khẳng định cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong cả quy trình xây dựng và thi hành pháp luật.
Trong bối cảnh đó, các cơ quan nhà nước đang gấp rút xây dựng các quy định pháp luật điều chỉnh vấn đề cơ sở dữ liệu lớn về pháp luật (legal big data), có tính cập nhật, liên thông và khả năng truy xuất cao. Đây là tiền đề cơ bản để tạo ra một hệ sinh thái pháp lý mở, minh bạch và dễ tiếp cận đối với mọi chủ thể.