Xuất khẩu cà phê cần tính chuyện 'đường dài'
2024 là năm thành công với ngành cà phê khi xuất khẩu thu về 5,48 tỷ USD. Tuy nhiên, những yếu tố kém bền vững đòi hỏi ngành hàng này cần tính chuyện đường dài.
Năm 2024, xuất khẩu cà phê thu về 5,48 tỷ USD
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu cà phê của Việt Nam quý IV2024 ước đạt 208,4 nghìn tấn, trị giá 1,16 tỷ USD, giảm 2,1% về lượng, nhưng tăng 3,1% về trị giá so với quý III/2024; giảm 43,7% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá so với quý IV/2023.
Tính chung cả năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, trị giá 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về lượng, nhưng tăng 29,1% về trị giá so với năm 2023. Năm 2024 là một năm thành công đối với ngành cà phê Việt Nam, khi trị giá xuất khẩu vượt mốc 5 tỷ USD nhờ giá tăng mạnh.
Năm 2024 cũng là một năm đặc biệt với ngành hàng cà phê và lần đầu tiên, giá cà phê Việt Nam cao nhất thế giới. Giá cà phê Robusta xuất khẩu cao hơn giá cà phê Arabica và đây là điều chưa từng xảy ra. Trong tháng 12/2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu của Việt Nam ước đạt 5.450 USD/tấn, giảm nhẹ 2,3% so với tháng 11/2024, tuy nhiên, so với tháng 12/2023 tăng mạnh 88,8%. Tính chung cả năm 2024, giá bình quân cà phê xuất khẩu ước đạt 4.158 USD/tấn, tăng 59,1% so với năm 2023.
Năm 2024, giá cà phê trong nước tăng mạnh theo đà tăng của thị trường thế giới. Giá cà phê vào ngày 27/12/2024 tăng từ 54.000 - 54.300 đồng/kg so với ngày 27/12/2023, dao động từ 121.500 - 123.300 đồng/kg (tùy từng khu vực khảo sát).
Giá cà phê trong nước được trợ lực bởi giá cà phê thế giới. Năm 2024, giá cà phê thế giới liên tục thiết lập kỷ lục mới, chủ yếu do những lo ngại về việc thiếu hụt nguồn cung từ các quốc gia xuất khẩu lớn như Việt Nam và Brazil do thời tiết không thuận lợi.
Cùng với đó, việc các quỹ đầu cơ đẩy mạnh mua vào, căng thẳng ở Biển Đỏ gia tăng khiến cước phí vận tải biển tăng cao cũng là những yếu tố khiến giá cà phê tăng mạnh. Ngoài ra, giá cà phê còn được hỗ trợ bởi các quốc gia tăng tích trữ trước mối lo ngại châu Âu thực thi EUDR sau ngày 30/12/2024.
Năm 2024, doanh nghiệp dẫn đầu xuất khẩu cà phê Việt Nam là Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai). Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu của Vĩnh Hiệp tăng nhanh từ 244 triệu USD niên vụ 2022 - 2023 lên 520 triệu USD niên vụ 2023 - 2024.
Ông Thái Như Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hiệp - cho biết, trong năm 2024, công ty đã phối hợp với địa phương nhằm giải quyết những thách thức về phát triển ngành hàng cà phê, tuân thủ quy định tránh phá rừng của châu Âu (EUDR), giảm phát thải nhà kính, sản xuất cà phê bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, các đối tác nước ngoài luôn khẳng định thương hiệu cà phê nhân xanh của Gia Lai có chất lượng tốt. Hiện, sản phẩm cà phê của công ty đã được xuất khẩu đến 57 quốc gia trên thế giới.
Cần hướng đến tăng trưởng một cách bền vững
Dự báo năm 2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung tăng và nhu cầu tiêu dùng của các nước trên thế giới gia tăng. Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng cà phê toàn cầu dự kiến phục hồi trong niên vụ 2024 - 2025, chủ yếu nhờ sản lượng tăng lên ở Việt Nam và Indonesia.
Trong khi đó, với mức tiêu thụ đang tăng, lượng cà phê tồn kho toàn cầu vào cuối năm 2024 sẽ giảm hơn nữa, xuống còn 20,9 triệu bao. Xuất khẩu cà phê trên toàn cầu năm 2025 chỉ tăng ở mức khiêm tốn khi xuất khẩu tăng lên từ Việt Nam và Indonesia bù đắp cho sự sụt giảm xuất khẩu dự kiến của Brazil.
Cụ thể, xuất khẩu cà phê của Việt Nam dự kiến tăng 1,8 triệu bao trong năm 2025, lên 24,4 triệu bao nhờ nguồn cung cải thiện. Trong khi đó, tiêu thụ cà phê toàn cầu trong năm 2025 dự kiến sẽ tăng thêm 5,1 triệu bao, đạt mức 168,1 triệu bao. Phần lớn mức tăng chủ yếu từ Liên minh châu Âu (EU), Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nguồn cung phục hồi nên dự báo năm 2025, giá cà phê thế giới sẽ điều chỉnh giảm.
Dù vậy, theo các chuyên gia trong ngành, năm 2025, thị trường cà phê thế giới và trong nước được dự báo vẫn còn nhiều biến động, đòi hỏi ngành cà phê sớm điều chỉnh để đi đúng quỹ đạo, duy trì tăng trưởng một cách bền vững.
Bởi trong năm qua, dù thắng lớn về kim ngạch xuất khẩu và người trồng cà phê thu lợi cao nhưng đây cũng là năm chứng kiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, chế biến cà phê lao đao từ cuộc "rượt đuổi" về giá thu mua, xuất khẩu.
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng cà phê nguyên liệu khiến việc thu mua cà phê trong nước ngày càng khó khăn và rủi ro. Do đó, dù luôn ưu tiên thu mua, tiêu thụ cà phê Việt Nam nhưng đã có doanh nghiệp phải xem xét việc nhập khẩu cà phê để đảm bảo hoạt động sản xuất của các nhà máy chế biến được xuyên suốt. Điều này đồng nghĩa thị phần cà phê Việt Nam bị thu hẹp, hệ lụy sẽ kéo dài đến những năm sau.
Mặt khác, thị trường thế giới vẫn kỳ vọng sản lượng cà phê niên vụ 2025 - 2026 của Brazil có thể phục hồi khi lượng mưa tại các vùng trồng cà phê chính sẽ cải thiện. Đồng thời, nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước châu Âu cũng sẽ tạm lắng xuống khi quy định EUDR được hoãn thời điểm bắt đầu thi hành sang cuối năm 2025.
Ông Nguyễn Quang Bình - chuyên gia thị trường cà phê - khuyến nghị, nhiệm vụ của ngành cà phê Việt Nam phải sớm giải quyết các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng, lấy lại uy tín từ đối tác xuất khẩu. Về phía người trồng cà phê cần ưu tiên nâng cao chất lượng cà phê, tránh mở rộng diện tích ồ ạt khiến cung vượt cầu. Doanh nghiệp bên cạnh thu mua, xuất thô cần tích cực đầu tư vào chế biến, chế biến sâu các sản phẩm giá trị gia tăng để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phan Minh Thông - Tổng Giám đốc Công ty CP Phúc Sinh - cho hay, người tiêu dùng thế giới ngày càng ưu tiên sử dụng cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản. Nếu chỉ bám vào cung - cầu nguyên liệu thì giá trị cà phê trong toàn chuỗi cũng không thay đổi nhiều. Do đó, Việt Nam phải tập trung cải thiện chất lượng và tạo ra nhiều sản phẩm có bản sắc, giá trị cao hơn là cà phê nguyên liệu. Đây không chỉ là một gợi ý về cơ hội, mà là một xu hướng cần được bắt nhịp để gia tăng giá trị và xây dựng thương hiệu cho cà phê Việt Nam.
Bên cạnh đó, phát triển bền vững hay thực hành sản xuất đáp ứng tiêu chí môi trường - xã hội - quản trị (ESG) đã là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược. Vì vậy, muốn bán được hàng ra thế giới và bán được cho những thị trường quan trọng như EU, không còn con đường nào khác, doanh nghiệp phải liên kết với nông dân xây dựng chuỗi sản xuất - chế biến đạt tiêu chuẩn.
Hiện nay, hoạt động thu hoạch cà phê niên vụ 2024 - 2025 tại Việt Nam tiến triển nhanh với mức độ hoàn thành trên 40%.