Xuất hiện nhiều 'điểm đen', điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông
Những năm qua, mặc dù hệ thống hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư cơ bản đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, tại một số tuyến đường có mật độ giao thông lớn, nhiều vị trí mặt đường, nút giao hẹp, hạn chế tầm nhìn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT), dần hình thành các 'điểm đen', điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông (TNGT). Để giải quyết tận gốc vấn đề này, đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, hiệu quả.
“Điểm đen” - Nỗi ám ảnh người tham gia giao thông
Theo số liệu báo cáo của Ban ATGT tỉnh, năm 2024, toàn tỉnh xảy ra 288 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm 148 người chết, 216 người bị thương (tăng 6 vụ, tăng 8 người chết, giảm 4 người bị thương so với cùng kỳ). Riêng quý I/2025, trên địa bàn tỉnh xảy ra 72 vụ tai nạn, va chạm giao thông, làm 42 người chết, 48 người bị thương (bằng số vụ, tăng 8 người chết, giảm 3 người bị thương so với cùng kỳ).
Các vụ TNGT được xác định do một số nguyên nhân như: Sự chủ quan, thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông; hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập, chưa hợp lý; việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa thiết thực; chính quyền cấp cơ sở đôi lúc chưa thực sự vào cuộc và còn thiếu kiên quyết trong việc giải quyết các tụ điểm phức tạp về trật tự công cộng, các điểm họp chợ lấn chiếm hành lang ATGT…
Chính những điều này dẫn đến sự hình thành của các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Cùng với đó, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại khá nhiều “điểm đen”, điểm tiền ẩn TNGT, thường xuyên xảy ra các vụ TNGT nghiêm trọng. Phần lớn các “điểm đen” hình thành tại các vị trí đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; đặc biệt có những điểm xuất hiện tại các ngã ba, ngã tư… nơi có mật độ người tham gia giao thông cao, va chạm giao thông thường xuyên diễn ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có biển cảnh báo nguy hiểm; nhiều “điểm đen” hình thành tại những nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có gác chắn.

Khu vực ngã ba lối rẽ vào cổng KCN Đồng Văn (phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên) luôn là nơi tiềm ẩn tai nạn giao thông.
Tuyến quốc lộ 38, tại điểm gầm cầu nút giao Vực Vòng (địa phận phường Yên Bắc, thị xã Duy Tiên), thời gian qua liên tiếp xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, gây thương tích nặng, có trường hợp tử vong, khiến người tham gia giao thông hết sức lo lắng khi di chuyển qua khu vực này. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, nút giao Vực Vòng là khu vực giao cắt phức tạp có nhiều nhánh đường với lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, đặc biệt vào những khung giờ cao điểm: đầu giờ sáng, cuối giờ chiều hằng ngày. Nút giao đang được tổ chức giao thông theo dạng vòng xuyến với nhiều hướng lưu thông, hướng ưu tiên chính là quốc lộ 38; cùng đó là hướng ra vào Khu Công nghiệp Đồng Văn, trạm thu phí, đường gom tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Do đó, điểm gầm cầu nút giao Vực Vòng luôn xác định là “điểm đen” về TNGT trong suốt thời gian qua. Theo thống kê từ Ban ATGT tỉnh, năm 2024 và quý I/2025, tại nút giao này đã xảy ra 14 vụ TNGT, làm chết 8 người, 15 người bị thương.
Bác Nguyễn Văn Hùng, một người dân trú tại Tổ dân phố Nguyễn Hữu Tiến, phường Đồng Văn (thị xã Duy Tiên) cho biết: Đầu giờ sáng và chiều tối là thời điểm rất nhiều các phương tiện qua lại khu vực này do công nhân vào làm việc và tan ca, cộng thêm đó là các cháu học sinh tới lớp và tan học. Khu vực này thường xuyên xảy ra các vụ tai nạn, va chạm giao thông, nhẹ thì trầy xước, nặng thì gãy chân, thậm chí là chết người. Đáng nói, những người ở nơi khác đi qua tuyến đường này chưa nắm bắt được địa hình di chuyển, lại khuất tầm nhìn, không phát hiện phương tiện từ đường nhánh đi ra nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.
Tương tự, tuyến đường nối hai cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình với Hà Nội, Hải Phòng cũng xuất hiện những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT. Với chiều dài toàn tuyến 17,4km, điểm đầu nối từ nút giao Liêm Tuyền (xã Tân Liêm, thành phố Phủ Lý) đến ngã ba cầu Thái Hà đi Thái Bình và cầu Hưng Hà đi Hưng Yên. Theo thống kê của cơ quan chức năng, năm 2024 và quý I/2025, trên tuyến đường này đã xảy ra 11 vụ tai nạn, va chạm giao thông , làm 7 người chết, 11 người bị thương. Nguyên nhân chủ yếu là do người đi mô tô, xe gắn máy đi từ các tuyến đường thôn, đường xã, đường huyện khi qua đường va chạm với ô tô đang lưu thông trên tuyến. Cùng với đó, do đây là tuyến đường hỗn hợp, có mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn, bên cạnh đó một số đoạn chưa thi công xong, mặt đường hẹp lại thiếu hệ thống biển báo, đèn báo và đèn đường.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 198 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn, bất hợp lý về tổ chức giao thông. Chính vì vậy, để có thể giải quyết tận gốc những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp hữu hiệu.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp
Theo số liệu thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện đang quản lý trên 100km quốc lộ, gần 250km đường tỉnh và hàng nghìn km đường huyện, đường giao thông nông thôn. Do sự gia tăng không ngừng của các phương tiện giao thông đã làm ảnh hưởng, nảy sinh nhiều bất cập trong công tác tổ chức giao thông trên các tuyến đường, tạo thành những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn, phức tạp về giao thông. Phần lớn các “điểm đen” hình thành ở vị trí, điểm đấu nối giữa các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; nhiều “điểm đen” xuất hiện ở các điểm giao cắt được nối với các tuyến đường thôn, đường trục xã, đường huyện cắt ngang với quốc lộ, tỉnh lộ, nơi có mật độ giao thông đông, va chạm giao thông thường xuyên xảy ra nhưng lại không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, hoặc không có gờ giảm tốc, biển cảnh báo nguy hiểm; “điểm đen” hình thành tại những nơi giao cắt giữa đường bộ và đường sắt không có gác chắn. Đây là nguyên nhân chính làm gia tăng các vụ TNGT trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ trong thời gian qua.
Để kịp thời xử lý tình trạng mất ATGT tại các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, thời gian qua, Sở Xây dựng đã phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan tiến hành rà soát, thống kê chính xác thực trạng tại các vị trí “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT để kịp thời báo cáo với Tổng cục Đường bộ Việt Nam và UBND tỉnh cho chủ trương sửa chữa, khắc phục đối với các tuyến đường theo phân cấp quản lý nhằm bảo đảm nhu cầu đi lại của người dân. Ban ATGT tỉnh phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống biển báo hiệu giao thông, đề xuất đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu chỉ huy giao thông. Kết quả năm 2024, Sở Xây dựng đã hoàn thành xử lý 40 “điểm đen” tại một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; Ban ATGT đã kiến nghị, bổ sung và hoàn thành việc lắp đặt 16 cụm đèn tín hiệu chỉ huy giao thông, 12 điểm gờ giảm tốc…
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện trên địa bàn tỉnh còn tồn tại 198 “điểm đen”, điểm tiềm ẩn, bất hợp lý về tổ chức giao thông. Chính vì vậy, để có thể giải quyết tận gốc những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT đòi hỏi các cấp, ngành chức năng cần triển khai đồng bộ, kịp thời những giải pháp hữu hiệu.
Qua thực tế, hầu hết các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT đều có tầm nhìn hạn chế, bị che khuất, nhất là tại các ngã ba, ngã tư; góc cua hẹp; không có hệ thống đèn chiếu sáng buổi tối, biển cảnh báo, gờ giảm tốc, không có đèn tín hiệu chỉ huy giao thông hoặc khai thác hệ thống tín hiệu chưa hiệu quả. Để xóa bỏ các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm không của riêng ai mà cần sự vào cuộc đồng bộ, hiệu quả của các cấp, ngành, địa phương.
Theo đó, Sở Xây dựng tích cực phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đánh giá thực trạng những “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT, từ đó, tập trung đầu tư cải tạo những đoạn đường xuống cấp; cải tạo những nút giao hay xảy ra TNGT. Chủ trì phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan lập hồ sơ xử lý “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT tại từng vị trí trên những tuyến đường thuộc phạm vi quản lý. Ban ATGT phối hợp với các địa phương rà soát hệ thống biển báo hiệu giao thông; đề xuất đơn vị quản lý đường bộ sửa chữa, thay thế, nâng cấp, bổ sung hệ thống biển cảnh báo nguy hiểm, gờ giảm tốc, sơn vạch kẻ đường, hệ thống chiếu sáng, đèn tín hiệu chỉ huy giao thông. Công an tỉnh tập trung mở các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm có nguy cơ cao dẫn đến TNGT, như lái xe chạy quá tốc độ, vượt đèn đỏ, đi sai làn đường. Bên cạnh đó, tăng cường lực lượng thường xuyên kiểm tra, xử lý gắn với truyền thông, nhất là tại các khu vực “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT để giáo dục, răn đe, nâng cao ý thức người tham gia giao thông. Ngoài sự vào cuộc của các sở, ngành liên quan, các huyện, thị xã, thành phố cần tích cực phối hợp với các đơn vị quản lý giao thông tổ chức rà soát, đề xuất các phương án xử lý các “điểm đen”, điểm tiềm ẩn TNGT.
Có thể khẳng định, tập trung xóa “điểm đen” mất ATGT là một trong những việc làm cấp thiết mà ngành chức năng và các địa phương cần đặc biệt quan tâm thực hiện, nhằm bảo đảm an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ngăn ngừa và giảm thiểu TNGT trên địa bàn. Tuy nhiên, việc xóa bỏ mỗi “điểm đen” một cách bền vững không chỉ đòi hỏi phương án kỹ thuật khắc phục của cơ quan chức năng, bên cạnh đó cần sự hưởng ứng tích cực của mỗi người dân bằng cách nêu cao ý thức tuân thủ pháp luật khi tham gia giao thông.