Ban Chấp hành Đảng bộ Kiên Giang và An Giang trao đổi về đề án hợp nhất hai tỉnh

Chiều 22-4, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang và Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến để trao đổi về đề án hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.

Quang cảnh hội nghị.

Quang cảnh hội nghị.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải điều hành tại điểm cầu Kiên Giang; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang điều hành điểm cầu tỉnh An Giang.

Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải cho biết thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, thời gian qua, các địa phương trong cả nước nói chung, trong đó có tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang đã tích cực chuẩn bị các công việc cho việc thực hiện, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Hai tỉnh đã thực hiện tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW trong thời gian qua và tiếp tục thực hiện chủ trương của Trung ương về tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị và sắp xếp, tinh gọn tổ chức hành chính của cấp chính quyền địa phương, từ ba cấp xuống còn hai cấp.

Lãnh đạo hai tỉnh đã chủ trương cho các cơ quan chuyên môn của địa phương rà soát theo các tiêu chí do Trung ương quy định để xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã. Đến nay, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang cơ bản được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, đúng với các yêu cầu theo chỉ đạo của Trung ương và hai tỉnh cũng đã chủ động chuẩn bị cho việc lấy ý kiến nhân dân và thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi báo cáo về Trung ương.

Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải nhấn mạnh hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh lần này là hội nghị đầu tiên giữa hai tỉnh, hội nghị mang tính lịch sử để cùng bàn thống nhất đề án về việc hợp nhất hai tỉnh theo chủ trương của Trung ương.

Tại hội nghị, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Phong trình bày dự thảo đề án của UBND tỉnh Kiên Giang về hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang.

Theo dự thảo đề án, thành lập tỉnh An Giang trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên 3.536,83km2, quy mô dân số 2.741.851 người của tỉnh An Giang và toàn bộ diện tích tự nhiên 6.352,08km2, quy mô dân số 2.210.387 người của tỉnh Kiên Giang.

Kết quả, tỉnh An Giang mới có 9.888,91km2 (đạt 197,78% so với tiêu chuẩn), quy mô dân số 4.952.238 người (đạt 353,73% so với tiêu chuẩn) và 102 đơn vị hành chính cấp cơ sở trực thuộc (gồm 85 xã, 14 phường và 3 đặc khu). Nơi đặt trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh An Giang mới tại TP. Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang hiện nay.

Hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, An Giang trao đổi về đề án hợp nhất hai tỉnh.

Hội nghị trực tuyến Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Kiên Giang, An Giang trao đổi về đề án hợp nhất hai tỉnh.

Về phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan, tổ chức sau sắp xếp đơn vị hành chính, Bộ Chính trị quyết định thành lập Đảng bộ mới của tỉnh An Giang trên cơ sở hợp nhất Đảng bộ tỉnh Kiên Giang và Đảng bộ tỉnh An Giang trước khi sắp xếp. Đồng thời, chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ủy ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy An Giang nhiệm kỳ 2020-2025 theo theo quy định. Nhiệm kỳ kế tiếp, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Bí thư; số lượng Ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy thực hiện đúng theo quy định của Bộ Chính trị và các hướng dẫn của Trung ương.

Về cơ cấu, số lượng cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, phó bí thư cấp ủy nhiệm kỳ 2025-2030 của tỉnh An Giang hình thành sau hợp nhất thực hiện theo Kết luận 150-KL/TW của Bộ Chính trị hướng dẫn xây dựng phương án nhân sự cấp ủy cấp tỉnh thuộc diện hợp nhất, sáp nhập và cấp xã thành lập mới.

Các cơ quan tham mưu, giúp việc cho Tỉnh ủy gồm Văn phòng Tỉnh ủy, cơ quan Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy và các đơn vị sự nghiệp của Đảng theo quy định.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các hội quần chúng do Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ thực hiện sắp xếp, hợp nhất các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các hội quần chúng được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định của pháp luật có liên quan và hướng dẫn của Đảng ủy Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Chiều 22-4, Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh Kiên Giang và An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi về đề án hợp nhất hai tỉnh.

Chiều 22-4, Ban Chấp hành Đảng bộ hai tỉnh Kiên Giang và An Giang tổ chức hội nghị trực tuyến trao đổi về đề án hợp nhất hai tỉnh.

Tổ chức chính quyền địa phương cơ bản giữ nguyên như mô hình cấp tỉnh hiện nay, gồm HĐND và UBND. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của chính quyền địa phương thực hiện theo quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV và quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Số lượng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh An Giang sau sắp xếp tối đa không vượt quá tổng số cán bộ, công chức, viên chức (số có mặt) của tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang trước sắp xếp và thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ theo lộ trình, bảo đảm trong thời hạn 5 năm cơ bản số lượng biên chế thực hiện theo đúng quy định.

Sau khi chính quyền địa phương tỉnh An Giang đi vào hoạt động, căn cứ quy mô dân số, diện tích tự nhiên, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tỉnh để xây dựng vị trí việc làm trình cấp có thẩm quyền giao biên chế cho tỉnh theo quy định…

Theo dự thảo đề án, qua rà soát, nghiên cứu kỹ phương án sắp xếp trên cơ sở các tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính; lịch sử, truyền thống, văn hóa, dân tộc; địa kinh tế; địa chính trị; quốc phòng, an ninh khu vực biên giới phía tây nam của Tổ quốc.

Theo đó, An Giang và Kiên Giang là 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh có vị trí liền kề, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, truyền thống lịch sử hình thành gắn liền với lịch sử cách mạng miền Tây Nam bộ, lịch sử kháng chiến của Khu 9 trong thời kỳ kháng chiến, cứu nước; giao thoa, tương đồng về văn hóa, phong tục, tín ngưỡng và dân tộc; có quy mô nền kinh tế tương đương và tương hỗ lẫn nhau trong định hướng phát triển chung của vùng…

Tin và ảnh: THU OANH - TÂY HỒ

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/ban-chap-hanh-dang-bo-kien-giang-va-an-giang-trao-doi-ve-de-an-hop-nhat-hai-tinh-25833.html
Zalo