Dự thảo Nghị quyết về mức thu học phí tại Hà Nội có lợi cho phụ huynh, học sinh?
Hà Nội đang xây dựng dự thảo Nghị quyết Quy định mức thu học phí các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao năm học 2024-2025.
Dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí sẽ áp dụng đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên).
Cùng với đó là các cơ sở giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025.
Nhiều đối tượng chịu tác động
Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho hay về mức thu học phí, UBND thành phố đề xuất, đối với hình thức học trực tiếp: mức thu học phí được xây dựng trên cơ sở định mức chi phí do cơ sở giáo dục xây dựng và ban hành; nguyên tắc xây dựng mức thu học phí, định mức chi phí trên cơ sở nguyên tắc do các đơn vị đề xuất (theo quy định tại Nghị định 81/2021/NĐ-CP và Nghị định 97/2023/NĐ-CP).
Mức thu học phí đối với hình thức học trực tuyến (online) bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp (kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐND).
Trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng, quy định áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến như sau: kế thừa quy định tại Điều 3 Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐND.
Cụ thể, đối với các tháng có thời gian học cả tháng theo hình thức học trực tiếp hoặc hình thức học trực tuyến (online), các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông áp dụng mức thu học phí của tháng đó theo mức thu đã được quy định tương ứng theo hình thức học.
Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến (online), việc áp dụng mức thu học phí được quy định cụ thể, gồm cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị để thực hiện áp dụng mức thu học phí của tháng đó, trường hợp thời gian học tập theo hình thức trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp.
Trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến (online) từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (gồm cả số ngày nghỉ theo quy định pháp luật) và mức học phí tương ứng đã được quy định,
Tổng thời gian thu học phí (theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến) phải bảo đảm nguyên tắc tổng số tháng thu học phí trong năm không vượt quá 9 tháng/năm.
Đảm bảo lợi ích cho phụ huynh, học sinh
Theo các chuyên gia, Dự thảo Nghị quyết đã được soạn thảo căn cứ mức thu học phí năm học 2023-2024 để đề xuất mức học phí của năm học 2024-2025, nên bảo đảm tính kế thừa và so sánh mức học phí của 2 năm học, qua đó đánh giá được mức độ và tỷ lệ học phí giữa 2 năm học. Mức học phí này cũng được đề xuất từ các trường học, thể hiện tính dân chủ từ cơ sở.
Tuy nhiên, góp ý xây dựng Dự thảo, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội) Phạm Ngọc Thảo đề nghị, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết cần đánh giá rõ hơn tác động của mức thu học phí vừa qua và năm học tới đối với hoạt động của trường, lớp và học sinh.
Đồng thời, cần làm rõ số tiền thu từ học phí đó có tỷ lệ cơ cấu thế nào trong tổng chi phí cho hoạt động của trường, tác động thế nào đến trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, thu nhập của giáo viên, lao động hợp đồng…
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế (Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội), cho rằng nên có đánh giá, phân tích một cách minh bạch về cơ cấu chi trên cơ sở mức thu cũ, để mọi người rõ hơn việc sử dụng các khoản thu học phí vào việc gì, thiếu ở hạng mục nào, vì sao thiếu…?
Về mức đóng góp, nên có đánh giá tác động xã hội đói với những gia đình lao động bình thường, vì sau Covid-19 và sau trận bão Yagi này, không phải gia đình nào cũng lấy lại được sự cân bằng kinh tế, chưa kể một số hộ còn gặp rất nhiều khó khăn vì công việc bấp bênh, không ổn định.
Có thể nói, những năm gần đây tình hình kinh tế xã hội của cả nước và Thủ đô Hà Nội đã có nhiều thay đổi tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân nói chung và giáo dục nói riêng. Nhà nước cũng có những văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về giáo dục nói chung và học phí nói riêng. Vì vậy, việc HĐND thành phố Hà Nội xây dựng, ban hành Nghị quyết (đang xây dựng) là rất cần thiết.
Học phí các trường công lập chất lượng cao có thể lên tới gần 6,6 triệu đồng/tháng
Theo dự thảo, 24 trường công lập chất lượng cao, công lập tự chủ tài chính dự kiến thu học phí từ 300.000 đến 6.570.000 đồng/tháng.
Cụ thể: Mức thu thấp nhất ở khối 11, 12 hệ chuyên của Trường THPT chuyên Ngoại ngữ (Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội) là 300.000 đồng/tháng; học phí lớp 10 và hệ không chuyên của trường này từ 2,8 đến 3,18 triệu đồng/tháng.
6 trường khác ở nhóm tự bảo đảm chi thường xuyên dự kiến thu học phí trên 2 triệu đồng/tháng; trong đó mức thu khối 10, 11 Trường THPT Khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) là 4,8 triệu đồng/tháng.
Với nhóm chất lượng cao, trung bình học phí ở mức 4 - 5 triệu đồng/tháng. Học phí cao nhất thuộc Trường THPT Phan Huy Chú - Đống Đa với mức thu dự kiến 6,57 triệu đồng/tháng (không phân biệt khối lớp); hệ Cambridge của hai trường Tiểu học Nam Từ Liêm và Tiểu học đô thị Sài Đồng là 5,9 triệu đồng/tháng.
3 năm học trước, học phí với trường công lập bình thường ở Hà Nội là từ 19.000 đến 217.000 đồng/tháng.