Xuân về trên vùng biển đảo Tây Nam - Bài cuối: Những người con Hải Dương cắm chốt tiền tiêu

Trong hành trình mang xuân sớm đến với quân và dân trên các đảo Tây Nam, phóng viên Báo Hải Dương đã có dịp gặp gỡ những người con Hải Dương đang từng ngày, từng giờ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc nơi đảo xa.

Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh vùng 5 Hải quân (ngoài cùng bên trái) động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ

Đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh vùng 5 Hải quân (ngoài cùng bên trái) động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ

Nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ

Trước khi lên tàu 526, chúng tôi được nghe đại tá Lục Đức Tiên, Phó Tư lệnh vùng 5 Hải quân, Trưởng Đoàn công tác phổ biến một số nội dung trong chuyến đi. Dù trong gió biển gào rít, giọng nói của đại tá Tiên vẫn rõ ràng, mạch lạc, thu hút mọi người chăm chú nghe.

Ngay lập tức, tôi nhận ra giọng nói rất thân quen của Hải Dương. Hóa ra, đại tá Lục Đức Tiên quê ở xã Hòa Bình (thành lập khi sáp nhập 2 xã Bình Dân và Liên Hòa, Kim Thành).

Trong suốt chuyến đi, tôi có nhiều lần được trò chuyện cùng đại tá Tiên với tình cảm, sự gần gũi của đồng hương.

Là người Hải Dương vào công tác trong vùng 5 Hải quân, đồng chí Phó Tư lệnh thuộc "nằm lòng” về vùng biển này. Anh Tiên cho biết tại vùng 5 Hải quân có một số cán bộ, chiến sĩ là người con Hải Dương đang ngày đêm gìn giữ, bảo vệ vùng biển của Tổ quốc. Dù khoảng cách địa lý xa xôi, nhiều đồng chí phải xa quê nhưng các cán bộ, chiến sĩ tỉnh Đông đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Có điều kiện gặp mặt đồng hương, chúng tôi luôn thăm hỏi, động viên nhau để cùng khắc phục những khó khăn, nỗ lực cống hiến, thực hiện nhiệm vụ.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Cường khám bệnh cho chiến sĩ Trạm ra đa 600 thuộc Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Cường khám bệnh cho chiến sĩ Trạm ra đa 600 thuộc Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân

Khi đến đảo Nam Du, thăm Trạm ra đa 600 thuộc Trung đoàn 551, Bộ Tư lệnh vùng 5 Hải quân, đoàn công tác được đại úy quân nhân chuyên nghiệp Phạm Văn Cường hát tặng bài hát “Truyền thuyết Hoàng Sa, Trường Sa”. Đại úy Cường là y sĩ duy nhất tại trạm ra đa này, quê ở xã Đoàn Kết (Thanh Miện). Đã 16 năm qua, đại úy Cường thực hiện nhiệm vụ khám chữa bệnh, bảo đảm sức khỏe cho toàn bộ cán bộ, chiến sĩ và giúp đỡ giúp nhân dân tại đảo Nam Du.

"Tôi nhớ nhất vào năm 2012, cấp cứu cho 1 cháu học sinh Trường Tiểu học An Sơn bị động kinh vào 12 giờ đêm. Sau khi sơ cứu, tôi theo tàu đưa cháu vào đất liền cấp cứu và chữa trị thành công", y sĩ Cường chia sẻ về một kỷ niệm nghề.

Vợ anh Cường là chị Ngô Thị Lụa (quê ở Thái Bình) đang làm việc tại Trạm Y tế xã An Sơn. Vợ chồng anh Cường như "của hiếm" mang trọng trách bảo đảm sức khỏe cho quân và dân trên đảo.

"Mỗi ngày trên đảo đối với tôi thường bắt đầu sớm và kết thúc muộn hơn so với đất liền. Trời yên, biển lặng, quân và dân trên đảo khỏe mạnh, bình an là điều chúng tôi mong muốn nhất. Sự tin tưởng của cấp trên, sự yêu mến của đồng đội và người dân trên đảo chính là động lực để tôi phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”, chị Lụa chia sẻ.

Điểm tựa hậu phương

Vợ thiếu tá Nguyễn Doãn Nam vào đơn vị thăm chồng

Vợ thiếu tá Nguyễn Doãn Nam vào đơn vị thăm chồng

Hơn 13 năm thiếu tá Nguyễn Doãn Nam, Phó Hải Đội trưởng Hải đội 512 (quê ở xã Thanh Quang, Thanh Hà) công tác tại vùng 5 Hải quân cũng là từng đó thời gian gia đình luôn mong ngóng hướng về nơi đảo xa. Vì đặc thù công việc, mỗi năm số lần anh Nam về thăm gia đình chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Chị Nguyễn Thu Hà (vợ anh Nam) đang công tác tại Trung tâm Y tế thị xã Kinh Môn cũng khá bận rộn với công việc. Để anh yên tâm công tác, chị luôn tự nhủ bản thân phải cố gắng chu toàn mọi việc. Anh chị động viên nhau bằng giọng nói, tiếng cười qua điện thoại, hay trước đây là những bức thư gửi từ đảo về đất liền. Hiểu sự vất cả của chồng, chị Hà luôn cố gắng lo toan việc nhà, chăm sóc bố mẹ chồng và các con ăn học.

“Mặc dù vất vả nhưng tôi rất tự hào là vợ của người lính hải quân. Khoảng cách xa xôi khiến tôi ít có điều kiện gặp chồng, nhưng tình cảm riêng tư ấy có là gì khi anh đang phải thực hiện nhiệm vụ cao cả góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, chị Hà chia sẻ.

Anh Đồng Văn Thắng thực hiện nhiệm vụ vệ sinh đèn hải đăng Nam Du cao hơn mặt nước biển khoảng 300 m

Anh Đồng Văn Thắng thực hiện nhiệm vụ vệ sinh đèn hải đăng Nam Du cao hơn mặt nước biển khoảng 300 m

Tại Trạm Hải đăng Nam Du, có hai anh Đồng Văn Thắng và Đồng Văn Hải cùng quê ở xã Quang Trung (Tứ Kỳ). Nơi đây có ngọn hải đăng cao hơn mặt nước biển khoảng 300 m. Anh Đồng Văn Hải lập gia đình tại Kiên Giang, đã có hơn 6 năm gắn bó với nghề canh giữ đèn biển. Anh Hải chia sẻ cuộc sống tại đây tách biệt đất liền, xa khu dân cư nên gặp nhiều khó khăn. Điện không có, nước ngọt cũng khan hiếm nên đời sống sinh hoạt khá vất vả. Để có nước sinh hoạt, các anh phải tiết kiệm từng giọt nước mưa.

Anh Đồng Văn Hải gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại hải đăng Nam Du

Anh Đồng Văn Hải gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ tại hải đăng Nam Du

Còn anh Đồng Văn Thắng mới gắn bó với nghề được hơn 1 năm. Vợ và 2 con của anh vẫn đang ở Tứ Kỳ. Những lúc hết ca trực, nhớ vợ con, anh Thắng lại gọi điện về hỏi thăm gia đình. Anh Thắng chia sẻ thường xuyên lên mạng xã hội, đọc báo Hải Dương, xem truyền hình để cập nhật tin tức từ quê hương. Nghĩ rằng công việc của mình đã đóng góp ý nghĩa giúp ngư dân đi biển định hướng an toàn nên anh Thắng mong muốn gắn bó lâu dài với nghề này.

Những người con Hải Dương là cán bộ, chiến sĩ, những người đang làm nhiệm vụ trên các đảo tiền tiêu của Tổ quốc đã luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, một lòng hướng về hậu phương, quê hương Hải Dương.

Tình cảm riêng hòa với tình yêu đất nước đã tiếp thêm sức mạnh, trở thành điểm tựa vững chắc cho các anh yên tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi đảo xa.

THÀNH ĐẠT

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/xuan-ve-tren-vung-bien-dao-tay-nam-bai-cuoi-nhung-nguoi-con-hai-duong-cam-chot-tien-tieu-403507.html
Zalo