Xuân sớm ở thôn Kỳ Ne

Những ngày cuối tháng Chạp năm Giáp Thìn 2024, trong điều kiện thời tiết vẫn còn mưa phùn và rét đậm, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục Kiểm lâm tỉnh đi thăm, tặng quà tết cho lực lượng kiểm lâm trực gác tại các trạm ở Đakrông và người dân thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông, xã kết nghĩa với đơn vị.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh tặng quà tết cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: T.T

Chi cục Kiểm lâm tỉnh tặng quà tết cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn của thôn Kỳ Ne, xã A Ngo, huyện Đakrông - Ảnh: T.T

Trong không khí rộn ràng chuẩn bị đón tết Nguyên đán, những người giữ rừng của Kỳ Ne vẫn không quên bàn đến việc cắt cử thành viên tham gia cùng lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng với tâm thế “vui xuân không quên nhiệm vụ”.

Thôn Kỳ Ne, xã A Ngo có 121 hộ dân với 550 nhân khẩu, trong đó có 30 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Là đơn vị kết nghĩa với thôn A Ngo, dịp tết Nguyên đán hằng năm, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đều tổ chức đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà tết động viên các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Để có những phần quà tết ý nghĩa này, công chức, người lao động Chi cục Kiểm lâm đã đóng góp, cùng với nguồn kinh phí công đoàn cơ sở thành viên chi cục hỗ trợ và nguồn xã hội hóa chung tay thực hiện.

Mặc cho mưa rét, từ sáng sớm, bà Hồ Thị Kăn Tố (77 tuổi) cùng với các hộ dân đã đến chờ tại Nhà văn hóa thôn Kỳ Ne. Bà Tố hồ hởi: “Năm nào cán bộ kiểm lâm cũng cho quà tết, tôi vui lắm. Nhà khó khăn, chưa sắm sửa được gì đón tết, nay có món quà này, bà con thấy tết rồi”.

Ông Hồ Văn Viên, thương binh hạng 2/4, năm nay 63 tuổi góp chuyện: “Món quà tết đến với bà con là sự động viên tinh thần rất lớn, là sự quan tâm hỗ trợ của cán bộ kiểm lâm để động viên người dân thôn Kỳ Ne tiếp tục nâng cao trách nhiệm bảo vệ rừng”.

Bên bếp lửa ấm trong căn nhà sàn của ông Hồ Văn Xôn, một trong những người tham gia bảo vệ rừng đầu tiên của thôn, câu chuyện thôn Kỳ Ne được nhà nước giao khoán bảo vệ rừng từ 20 năm trước được mọi người kể lại đầy hứng khởi. Năm 2005, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án giao rừng tự nhiên và được UBND tỉnh cho tiến hành giao thí điểm rừng tự nhiên ở 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa.

Tại huyện Đakrông, Hạt kiểm lâm được giao nhiệm vụ thực hiện và đã lựa chọn xã A Ngo làm địa phương giao rừng tự nhiên thí điểm. Sau khi hoàn thành các hồ sơ thủ tục theo quy định, UBND huyện đã ra quyết định giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 150 ha rừng tự nhiên cho 2 thôn. Trong đó, thôn Kỳ Ne giao cho 6 hộ gia đình với diện tích 20 ha và thôn Ăng Công giao cho cộng đồng 130 ha.

Ông Hồ Đức Diệp là một trong 6 hộ dân tham gia nhận khoán bảo vệ rừng đầu tiên của thôn nhớ lại: “Sau khi được giao rừng, các chủ rừng đã thành lập tổ bảo vệ rừng, một tháng tuần tra tối thiểu một lần, phát hiện, báo cáo kịp thời với lực lượng kiểm lâm, biên phòng phối hợp kiểm tra, đẩy đuổi các đối tượng vào rừng khai thác trái phép lâm sản”.

Từ 20 ha ban đầu, đến nay, thôn Kỳ Ne được nhà nước giao khoán bảo vệ 130 ha rừng tự nhiên. Thôn đã thành lập Tổ bảo vệ rừng cộng đồng với 9 thành viên. Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Kỳ Ne Hồ Văn A cho biết: “Mỗi tháng 3 lần, thành viên tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn phối hợp cùng lực lượng chức năng tuần tra bảo vệ rừng, không kể ngày lễ, tết.

Thời điểm trước, trong và sau tết Nguyên đán, việc tuần tra bảo vệ rừng càng được thực hiện nghiêm ngặt. Từ khi nhận giao khoán rừng, chúng tôi có trách nhiệm thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người dân không được chặt phá rừng, không xâm hại đất rừng, không đốt lửa làm cháy rừng. Nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại rừng, chúng tôi sẽ nhanh chóng báo cáo lên cấp trên để có biện pháp xử lý kịp thời”.

Phó Chủ tịch UBND xã A Ngo Hồ Văn Lập thông tin, hằng năm, xã xây dựng kế hoạch bảo vệ rừng, phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn, tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng giữa các trưởng thôn với xã và giữa các hộ với thôn, đồng thời kiện toàn các tổ quần chúng bảo vệ rừng, tăng cường phối hợp với lực lượng chức năng phổ biến Luật Lâm nghiệp, các nghị định, chính sách liên quan đến bảo vệ và phát triển rừng.

Chú trọng vào các tiểu khu rừng tự nhiên trọng điểm, phòng hộ đầu nguồn như tiểu khu: 757, 760, 759A; các thôn còn xảy ra hoạt động lấn chiếm rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm việc xâm canh, xâm lấn rừng, phá rừng trái pháp luật.

Không chỉ quản lý, bảo vệ rừng bền vững, ổn định, việc giao khoán bảo vệ rừng còn giúp người dân tận dụng khai thác các loại cây dược liệu, thảo quả dưới tán rừng. Diện tích rừng được bảo vệ tốt, các vụ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp được phát hiện, xử lý kịp thời. Vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cũng như người dân trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng từng bước được nâng cao.

Cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của kiểm lâm địa bàn trong việc kết nối chính quyền và người dân được đánh giá là điểm mấu chốt cho thành công của công tác quản lý, bảo vệ rừng. Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm La Lay Lê Tiến Phú chia sẻ, Trạm Kiểm lâm La Lay có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 26.900 ha rừng tự nhiên thuộc địa bàn 5 xã A Bung, A Ngo, A Vao, Tà Rụt và Húc Nghì.

Đối với địa bàn xã A Ngo, các tổ bảo vệ rừng, các nhóm hộ được giao rừng như Kỳ Ne, A Đeng đã phát huy tốt tinh thần trách nhiệm đối với diện tích rừng được giao. Tổ bảo vệ rừng cộng đồng chính là “cánh tay nối dài” của lực lượng kiểm lâm địa bàn trong tuần tra, quản lý bảo vệ rừng, góp phần làm giảm cả số lượng, tính chất, mức độ vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Nhờ đó, đã phát hiện, ngăn chặn rất nhiều trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, bẫy bắt động vật hoang dã trái phép.

Bảo vệ rừng, hưởng lợi từ rừng, ngoài khoản kinh phí được chi trả dịch vụ môi trường rừng, thành viên Tổ bảo vệ rừng cộng đồng thôn Kỳ Ne có thêm thu nhập từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng, giảm phát thải khí nhà kính. Nguồn kinh phí này đã giúp người dân có điều kiện đón một cái tết ấm no hơn.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xuan-som-o-thon-ky-ne-191460.htm
Zalo