Xu thế nào trong năm 2025? Cạnh tranh Mỹ – Trung và bong bóng AI
Năm 2025 đang mở ra trước mắt. Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước?
Trump 2.0 có gây khó khăn cho kinh tế toàn cầu như dự báo?
Đứng đầu trong danh sách mối quan tâm của rất nhiều người chắc chắn là các chính sách về thuế quan, ngoại giao và nhập cư của ông Donald Trump sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 1-2025.
Trong một tháng sau khi có kết quả bầu cử Mỹ, ông Trump đưa ra hàng loạt đe dọa về chuyện áp thuế các quốc gia khác. Ông đe dọa áp thuế 100% với hàng hóa từ những nền kinh tế mới nổi thuộc khối BRICS nếu những nước này tìm cách thay thế đô la Mỹ trong thương mại quốc tế. Ông đe dọa áp thuế 25% với hai nước láng giềng Mexico và Canada, và áp thuế bổ sung 10% với hàng hóa từ Trung Quốc. Cả ba nước đều là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Ngoại trừ chuyện của BRICS, thì thật ra những điều này không bất ngờ. Chuyện Trung Quốc, Mexico và Canada là những mục tiêu bị tấn công thuế quan hàng đầu đã được nhiều chuyên gia dự đoán. Lời đe dọa của ông Trump chỉ khẳng định lại rằng những mục tiêu hàng đầu được dự đoán chắc chắn sẽ được ông “chăm sóc tận tình”. Như vậy đồng nghĩa là Liên minh châu Âu (EU), một mục tiêu được đề cập nhiều, cũng sẽ bị hướng tới.
Song song với chính sách thương mại mang tính bảo hộ là một chính sách công nghiệp thu hút dòng vốn quay trở lại Mỹ, ông Trump đang phất ngọn cờ chủ nghĩa bảo hộ và chính sách công nghiệp quốc gia lên mức cao nhất, và chắc chắn sẽ trở thành nguồn cảm hứng của nhiều đảng phái bảo thủ ở các quốc gia khác.
Thế giới sẽ trở nên ít kết nối hơn, các quốc gia sẽ đòi hỏi lợi ích quốc gia mình nhiều hơn, muốn những lợi ích có đi, có lại ngắn hạn và rõ ràng hơn.
Thế giới sẽ trở nên ít kết nối hơn, các quốc gia sẽ đòi hỏi lợi ích quốc gia mình nhiều hơn, muốn những lợi ích có đi, có lại ngắn hạn và rõ ràng hơn. Điều đó đang diễn ra ngay trong nội bộ của EU, đến mức một số nước dự đoán khả năng sự kiện Brexit mới có thể diễn ra trong thời gian ngắn sắp tới.
Một thế giới như vậy không chỉ làm phân mảnh thị trường thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng, mà còn gây ra những hệ lụy lớn hơn với lạm phát và chi phí kinh doanh trên toàn cầu. Một số nhà kinh tế cảnh báo rằng chính sách thuế quan của ông Trump có thể là một trong những nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Mỹ, với khả năng gây ra tình trạng “đình lạm” - vừa lạm phát vừa suy thoái kinh tế. Những đề xuất của ông Trump không chỉ làm gia tăng chi phí cho người tiêu dùng và doanh nghiệp mà còn có nguy cơ gây rạn nứt quan hệ thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích đã sớm chỉ ra, phần còn lại trong chính sách kinh tế của ông Trump - giảm thuế - sẽ làm nhẹ bớt tác động này. Ông Trump kỳ vọng sẽ thu thuế của nước ngoài để tạo ra lợi ích cho ngân sách (trực tiếp và gián tiếp thông qua mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp Mỹ và do đó tăng doanh thu thuế). Rồi ông định dùng phần lợi ích thu được đó để kéo dài gói hỗ trợ thuế sắp hết hạn mà ông đưa ra khi còn làm tổng thống nhiệm kỳ thứ nhất. Trump 2.0 vì vậy sẽ kế thừa chính sách kinh tế có lợi cho người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ về mặt tiền thuế thu nhập và các loại thuế nội địa khác mà họ cần nộp.
Trên thực tế, việc thực thi cả chính sách thuế quan cao hơn lên các nước khác lẫn tiếp tục gói giảm thuế trong nước là không hề đơn giản cho dù Đảng Cộng hòa chiếm đa số ở cả hai viện của Mỹ. Thách thức với ông Trump và chính quyền của mình vì vậy nằm ở khâu thương lượng với các chính trị gia khác và thực thi những lời hứa, lời cam kết hay lời đe dọa trước khi ông lên làm tổng thống. Dù vậy, nghị trình thuế quan của ông Trump cũng sẽ được toàn thế giới quan tâm.
Trung - Mỹ đối đầu
Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Mỹ không đơn thuần chỉ là câu chuyện thương chiến và đánh thuế. Nó còn là cuộc cạnh tranh người dẫn đầu thế giới trong các mảng kinh doanh mới và công nghệ, cũng như duy trì ảnh hưởng của các quốc gia này với các khu vực chiến lược trên toàn cầu. Trong một lần hiếm hoi đồng ý với chính sách của ông Trump, tờ Economist đã nhận xét “Ý tưởng rằng Mỹ cần có cải cách chính phủ để duy trì vai trò lãnh đạo của nó với các công nghệ dẫn đầu là chắc chắn đúng”.
Điều đó cho thấy thế cạnh tranh, giáng đòn và đáp trả của Mỹ với Trung Quốc là điều gần như chắc chắn sẽ diễn ra trong năm 2025, vấn đề chỉ là quy mô như thế nào mà thôi. Một vài khúc dạo đầu đã có thể cảm nhận được khi mà Trung Quốc đang điều tra chống độc quyền với Nvidia của Mỹ và những “cú huých” của chính quyền Trung Quốc để doanh nghiệp nước này bỏ chip Nvidia, chuyển sang sử dụng hàng nội địa của Huawei.
Ở một diễn biến khác, khi mà ông Trump có xu hướng sẽ rút ra khỏi các cam kết khí hậu toàn cầu, Trung Quốc đã sẵn sàng “nhảy vào”. Tính đến nửa đầu năm 2024, Mỹ là thị trường dẫn đầu trong huy động vốn cho công nghệ đương đầu với biến đổi khí hậu (climate tech) với 6,7 tỉ đô la Mỹ huy động được, chủ yếu là trong mảng năng lượng tái tạo và thiết bị lưu trữ năng lượng. Nhóm đứng thứ hai còn một khoảng cách ở phía sau với 5,1 tỉ đô la Mỹ chính là thị trường Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là nếu Mỹ “buông” vai trò ngọn cờ đầu về công nghệ môi trường, Trung Quốc sẽ sẵn sàng thay thế và chiêu dụ các đồng minh của Mỹ ở khu vực châu Âu và Canada, những thị trường tỉ đô khác của cuộc chơi ở điểm giao nhau của hai lĩnh vực biến đổi khí hậu và công nghệ này.
Và nói đến công nghệ thì không thể bỏ qua một lĩnh vực mà cả Mỹ và Trung Quốc đều đang chạy đua trong vai trò người dẫn đầu, vì đó có thể là công nghệ làm thay đổi thế giới: trí tuệ nhân tạo (AI).
Liệu bong bóng AI có vỡ?
Đây là một chủ đề rất quan trọng trong năm 2025, đặc biệt là với giới kinh doanh và đầu tư. Các ngọn sóng cổ phiếu trong năm 2025 của các thị trường tăng mạnh nhất mà dẫn đầu là Mỹ đều được kích thích nhờ những con số tăng ấn tượng của những công ty trong lĩnh vực AI hoặc hưởng lợi từ việc giữ vai trò chủ chốt trong chuỗi cung ứng của nó như Nvidia. Nhờ vào nguồn tiền chi mạnh cho đầu tư vào AI, máy chủ, công nghệ hỗ trợ các lĩnh vực này và chuỗi cung ứng mà lợi nhuận của nhiều công ty tăng mạnh, cũng như đem lại những thương vụ mua bán và sáp nhập, hỗ trợ cho các cổ phiếu tài chính trong một năm vắng bóng các thương vụ IPO lớn.
Không chỉ với thị trường tài chính, dòng thương mại và đầu tư quốc tế cũng được kích thích với các khoản đầu tư vào AI của các chính phủ bao gồm Mỹ và Trung Quốc. Với Việt Nam, những quan hệ hợp tác ban đầu do Nvidia tạo ra vào những ngày cuối năm 2024 cũng mang lại hứng khởi cho giới khởi nghiệp dựa trên nền tảng AI.
Cả một “hệ sinh thái” đó đang bước vào năm 2025 với một câu hỏi “Đây là năm AI sẽ bứt phá hay nguội lạnh?”. Điều này được cho là sẽ trực tiếp tác động lên tâm lý và dòng tiền không chỉ trên các thị trường chứng khoán mà còn trên cả chi tiêu đầu tư của doanh nghiệp ở Mỹ, vốn đang “giữ lửa” cho xu thế tăng điểm của chứng khoán toàn cầu trong năm 2024 và thúc đẩy niềm tin đầu tư của doanh nghiệp nhiều nước. Một sự nguội lạnh bất ngờ ở Mỹ trong lĩnh vực AI sẽ có thể tạo ra một hiệu ứng tiêu cực về tâm lý cho kinh tế toàn cầu.
Điều “bí ẩn” ở đây là mặc dù một nghiên cứu gần đây cho thấy khoảng 78% các kỹ sư phần mềm ở Mỹ đã sử dụng AI ít nhất một lần mỗi tuần, tăng 40% so với năm 2023, nguồn thu cũng như ứng dụng thực tế của các công ty AI còn rất khiêm tốn so với kỳ vọng. 75% doanh thu của OpenAI đến từ người dùng nhỏ lẻ thay vì các công ty, và nhiều điều tra của các chính phủ đều đi đến kết luận giống nhau là rất ít công ty thật sự có một chiến lược hay ví dụ ứng dụng rõ ràng về AI ở phạm vi toàn công ty. Nói cách khác, “tiền đốt nhiều” nhưng chưa thấy hiệu quả là một thực tế mà một vài nhà phân tích của Phố Wall đã lo ngại khi những công ty đi đầu trong bỏ tiền thử nghiệm AI đến lúc này chưa cho thấy một ứng dụng rõ ràng nào để tạo ra doanh thu hay cắt giảm chi phí đáng kể.
Tờ Economist cho rằng 2025 có thể không phải là một năm đổ vỡ của AI, cũng không phải một năm mà AI tạo đột phá trên diện rộng. Nó có thể là một năm mà một vài thứ “phông bạt” qua AI sẽ đổ vỡ, và một vài ứng dụng của AI sẽ bắt đầu tạo ra tiền tươi thóc thật. Với thị trường tài chính, ảnh hưởng có thể có tính bất cân xứng. Khi định giá quá cao và một vài trường hợp “phông bạt” qua AI gây thất vọng, thị trường có thể đổ xô tháo chạy.
Ngoài những vấn đề trên, xung đột quân sự giữa Nga với Ukraine, xung đột của Israel ở dải Gaza và Lebanon, lạm phát tái phát toàn cầu, dân số già hóa, hay thậm chí dịch bệnh được các nhà phân tích dự báo là vấn đề lớn của năm 2025.
Tất nhiên những gì ở trên chỉ là dự báo mà thôi. Dự báo, với người viết, luôn là một nghệ thuật hắc ám mà dù đọc hết cả truyện Harry Potter cũng không giúp bạn hiểu thêm về nó. Chỉ có may mắn mới có thể giúp người dự báo nói trúng một vài điều. Nhưng đoán trước chủ đề sẽ đủ để chúng ta có một sự chuẩn bị tốt hơn cho năm 2025.