Nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch cộng đồng

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh, trong đó đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Trao đổi về kế hoạch này, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch cho biết:

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa.

Ngày 30-10-2024, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã ban hành Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam. Trên cơ sở đó, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu là đến năm 2025, tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận trên địa bàn tỉnh cơ bản những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng; có ít nhất 30% chủ cơ sở du lịch cung ứng dịch vụ du lịch cộng đồng được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 20% lao động du lịch cộng đồng được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch, trong đó có ít nhất 10% là lao động nữ; mỗi điểm du lịch cộng đồng có ít nhất 1 người có khả năng giao tiếp được một ngoại ngữ.

Đồng thời, kế hoạch cũng hướng đến phấn đấu mỗi huyện xây dựng ít nhất 1 mô hình chuỗi liên kết du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới; các làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch cộng đồng; 1 điểm du lịch cộng đồng có ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch; tiến tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu và chuẩn hóa bản đồ số các điểm du lịch cộng đồng trên toàn quốc... Đến năm 2030, cơ bản phát triển đồng bộ sản phẩm du lịch cộng đồng tại các trung tâm du lịch lớn, nơi có lượng khách du lịch tập trung đông.

Du khách tham gia thu hoạch tỏi ở Ninh Vân. Ảnh: Thiều Sang

- Để đạt được những mục tiêu trên, tỉnh sẽ tập trung vào những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nào, thưa bà?

- Có thể thấy, du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phát triển còn yếu và chưa tương xứng với tiềm năng. Thời gian tới, ngành Du lịch tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan để tiếp tục rà soát, triển khai chính sách phát triển du lịch cộng đồng, khuyến khích người dân tham gia phát triển du lịch cộng đồng tại các địa phương. Đồng thời, Sở Du lịch sẽ phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu, đánh giá thực trạng tình hình phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh để phát hiện những vấn đề cần giải quyết trong công tác khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống; tập trung bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, người lao động; khảo sát, đánh giá và đưa ra phương án hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị để người dân triển khai xây dựng, phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Trong đó, ưu tiên các dân tộc thiểu số, miền núi. Sở Du lịch sẽ tổ chức đánh giá các điểm du lịch cộng đồng có mức hài lòng của khách du lịch đạt mức loại khá trở lên theo Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch cộng đồng.

Kế hoạch cũng đưa ra 7 nhóm giải pháp để thúc đẩy sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh xoay quanh các vấn đề trọng tâm như: Tăng cường lồng ghép trong việc đầu tư và sử dụng nguồn vốn hiệu quả để hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng kế hoạch và chương trình hành động dài hạn về đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật; phát huy giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên để xây dựng sản phẩm; đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường công tác xúc tiến quảng bá và mở rộng thị trường khách; quy hoạch các địa điểm và khuyến khích đầu tư phát triển du lịch cộng đồng; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo vệ tài nguyên và môi trường để hướng đến phát triển du lịch cộng đồng bền vững.

Sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Raglai tại xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn. (Ảnh do địa phương cung cấp)

- Vậy ngành Du lịch tỉnh đã xác định phát triển du lịch cộng đồng ở đâu, thưa bà?

- Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã khảo sát, đề xuất nhiều điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng. Trước mắt, ngành Du lịch tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương để hỗ trợ người dân xây dựng các điểm du lịch cộng đồng có tiềm năng đón khách du lịch như: Mô hình du lịch cộng đồng làng nghề xoi trầm hương Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh); mô hình du lịch cộng đồng xã Ninh Vân (thị xã Ninh Hòa); các điểm du lịch cộng đồng khu vực Bích Đầm ở đảo Hòn Tre (phường Vĩnh Nguyên, TP. Nha Trang); điểm du lịch cộng đồng thôn Hòn Lay (xã Khánh Hiệp, huyện Khánh Vĩnh); điểm du lịch cộng đồng thôn Hòn Dung (xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn)… Chúng tôi sẽ hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng chủ động xây dựng các sản phẩm du lịch cộng đồng, hình thành các tour du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; hỗ trợ tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá hiệu quả sản phẩm du lịch cộng đồng tới thị trường nội địa và quốc tế (các nước Đông Bắc Á, Tây Âu, Úc, Mỹ...). Đồng thời, ngành Du lịch tỉnh cũng phối hợp với các địa phương để hỗ trợ đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực ở các điểm du lịch cộng đồng, từ đó nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo ấn tượng tốt với du khách.

- Về lâu dài, tỉnh kỳ vọng như thế nào đối với sự phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, thưa bà?

- Nhiều chuyên gia đánh giá, Khánh Hòa có tiềm năng khá lớn về du lịch cộng đồng. Vì thế, tỉnh muốn đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, từng bước xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch cộng đồng Khánh Hòa tham gia sâu rộng vào chuỗi sản phẩm, dịch vụ văn hóa của khu vực và cả nước. Để làm được điều này, việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh phải gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, trong đó có trải nghiệm thực tế tại các làng nghề; phải gắn du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ khả năng tiếp cận các nguồn lực, dịch vụ công cho khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi… Về lâu dài, việc phát triển du lịch cộng đồng không chỉ đa dạng hóa sản phẩm du lịch của tỉnh, mà còn góp phần cải thiện sinh kế và nâng cao đời sống người dân, nhất là ở vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, ven biển.

- Xin cảm ơn bà!

THÀNH NGUYỄN (Thực hiện)

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202501/nhieu-giai-phap-thuc-day-phat-trien-du-lich-cong-dong-b191e2f/
Zalo